Chia sẻ trách nhiệm để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay

Theo baohaiquan.vn

(Taichinh) - Ngày 14/2/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 02/CT-TTg về việc tăng cường công tác quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công. Chỉ thị này có thể nói là một bước "chuyển căn bản" cho công tác quản lý nợ công hiện nay nhằm tập trung hơn vào hiệu quả sử dụng nguồn vốn bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện chính sách để phù hợp với bối cảnh mới.

Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 02/CT-TTg về việc tăng cường công tác quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công. Nguồn: internet
Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 02/CT-TTg về việc tăng cường công tác quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công. Nguồn: internet

Nhiều lực đẩy

Thời gian qua, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, các quy định của Luật Quản lý nợ công, Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về nợ công trên cơ sở phân công nhiệm vụ đối với các bộ, ngành và địa phương.

Nợ công là nguồn vốn cần thiết và rất quan trọng để bổ sung cho đầu tư phát triển, xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH. Theo đánh giá của Bộ Tài chính, công tác quản lý nợ đã dần dần tiếp cận gần hơn với thông lệ tốt trên thế giới. Cơ cấu nợ Chính phủ đã có sự chuyển biến tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng vay nợ trong nước, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia; chủ động trả nợ đầy đủ, đúng hạn các nghĩa vụ trả nợ theo cam kết; tăng cường công khai, minh bạch thông tin, số liệu về nợ công.

Tuy nhiên, nợ công đang tăng nhanh, dự kiến đến cuối năm 2015 sẽ sát giới hạn Quốc hội phê duyệt. Cơ cấu nợ chưa thực sự bền vững, việc sử dụng các khoản vay ngắn hạn cho đầu tư dài hạn làm phát sinh rủi ro tái cấp vốn và tạo ra áp lực trả nợ lớn trong ngắn hạn. Chi phí huy động vốn vẫn còn cao. Một số dự án đầu tư sử dụng vốn vay kém hiệu quả, không trả được nợ, phải tái cơ cấu tài chính hoặc chuyển sang cơ chế nhà nước đầu tư vốn, làm tăng nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ. Sử dụng vốn vay còn dàn trải, nhiều dự án chậm tiến độ, có dự án hoàn thành nhưng không đạt được mục tiêu đề ra. Việc điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư so với phê duyệt ban đầu, bổ sung hợp đồng diễn ra khá phổ biến dẫn đến phải tăng vay nợ, gây áp lực gia tăng nợ công.

Nguyên nhân của những tồn tại này là do áp lực tăng vay nợ cho đầu tư phát triển rất lớn thúc đẩy gia tăng nợ công; thị trường vốn trong nước chưa phát triển nên phải huy động vốn ngắn hạn; việc huy động, phân bổ sử dụng vốn vay chủ yếu mới căn cứ vào đề xuất của các bộ, ngành và địa phương, chưa đặt trong mối quan hệ chặt chẽ và cân đối với nguồn vốn đầu tư khác, chưa bám sát các hạn mức nợ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và xác định mức vay phù hợp với khả năng trả nợ, chưa gắn trách nhiệm của người quyết định vay và người sử dụng vốn vay; năng lực của một số chủ dự án còn hạn chế, chưa thực hiện tốt các khâu chuẩn bị đầu tư, thẩm định, phê duyệt, lựa chọn nhà thầu, ký kết các hợp đồng xây lắp, mua sắm trang thiết bị và dịch vụ tư vấn, công tác đền bù, di dân và giải phóng mặt bằng, làm giảm hiệu quả đầu tư... Việc nợ công đã gần tiến sát giới hạn cho phép yêu cầu cần phải cân nhắc thận trọng đối với các quyết định vay mới.

Mặt khác, Việt Nam đã chuyển sang nhóm nước có thu nhập trung bình, đồng nghĩa với việc sẽ “tốt nghiệp” chương trình vay IDA (nguồn vốn vay ưu đãi của Hiệp hội phát triển quốc tế thuộc nhóm Ngân hàng thế giới) và việc tiếp cận các nguồn vốn ODA sẽ giảm đi nhanh chóng. Do vậy, bên cạnh việc phát đi "tín hiệu cảnh báo" về nguy cơ suy giảm nguồn lực tài chính với điều kiện vay ưu đãi trong thời gian tới, việc thay đổi nhận thức cũng như cách tiếp cận nguồn vốn vay trong thời gian tới, tăng cường hiệu quả công tác quản lý nợ công trở nên hết sức cần thiết.

Hơn thế nữa, một trong những vấn đề đáng quan tâm trong thời điểm này chính là công tác đánh giá tổng thể cũng như hiệu quả thực sự của việc sử dụng các nguồn vốn vay trên thực tế. Trao đổi với Báo Hải quan về vấn đề này, ông Hoàng Hải - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính cho biết, hiện nay, hệ thống chính sách về quản lý nợ công cơ bản đã được hoàn thiện, song "để tăng cường hiệu quả giám sát và quản lý nợ công, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế và chính sách, tăng cường kỉ luật và kỉ cương quản lý nợ thì một nhiệm vụ quan trọng nữa là việc đánh giá hiệu quả sử dụng vốn vay . "Chính vì thế, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 02 để yêu cầu các cơ quan quản lý, các đơn vị sử dụng vốn tập trung hơn nữa vào việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay. Cụ thể là yêu cầu nâng cao trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, chủ dự án trong việc đánh giá hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay" - ông Hải nhấn mạnh.

Sửa chính sách để nâng cao trách nhiệm

Chia sẻ về những nhiệm vụ của Bộ Tài chính để triển khai thực hiện Chỉ thị số 02 của Thủ tướng Chính phủ, ông Hoàng Hải nhấn mạnh công tác rà soát, đánh giá các quy định hiện hành của Luật Quản lý nợ công và các văn bản hướng dẫn để từ đó có căn cứ kiến nghị về việc sửa đổi, bổ sung khung pháp lý về quản lý nợ công, trong đó có sửa đổi quy chế quản lý, sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ; sửa đổi quy định về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ, phát hành trái phiếu của Chính phủ....

Về Luật Quản lý nợ công, ông Hoàng Hải cho biết, đây là hành lang pháp lý cho công tác quản lý nợ. Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai cùng với bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều biến động, Luật Quản lý nợ công đã dần xuất hiện những tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Bộ Tài chính sẽ rà soát, đánh giá và kiến nghị phương án sửa đổi, bổ sung. Theo kế hoạch, Bộ Tài chính sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý 3-2015 theo đúng chỉ đạo tại Chỉ thị số 02.

Về quy chế quản lý, sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư sửa Nghị định số 38/2013/NĐ-CP với quan điểm siết chặt hơn nữa việc sử dụng và nâng cao trách nhiệm giải trình cũng như trách nhiệm phân bổ vốn. Theo đại diện Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, việc sửa đổi Nghị định số 38 sẽ định rõ trách nhiệm của từng cơ quan trong quy trình quản lý ODA và sử dụng vốn. Đặc biệt là xác định rõ cơ chế tài chính ngay từ khi quyết định chủ trương đầu tư; danh mục chương trình, dự án ưu tiên đầu tư phải nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và dự toán NSNN hàng năm. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đang "ấp ủ ý tưởng" từng bước áp dụng quy chế chia sẻ trách nhiệm trong việc sử dụng vốn ODA cho đối tượng được vay cũng như chia sẻ rủi ro với ngân hàng phục vụ dự án đồng thời với việc tăng cường trách nhiệm của các đơn vị cho vay lại trong việc thẩm định dự án.

Về quy định cấp bảo lãnh Chính phủ, hiện nay Quyết định số 44/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã quy định rõ về danh mục các chương trình, dự án được ưu tiên cấp bảo lãnh Chính phủ. "Tuy nhiên, sắp tới, danh mục này sẽ được thu hẹp hơn nữa bên cạnh những quy định chặt chẽ hơn về năng lực tài chính của chủ dự án..." - ông Hoàng Hải khẳng định. Những nội dung này sẽ được Bộ Tài chính trình Chính phủ khi trình dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 15/2011/NĐ-CP về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ với mục tiêu nâng cao trách nhiệm của người được Chính phủ bảo lãnh vay vốn.

Để thích ứng với các điều kiện, bối cảnh mới, Bộ Tài chính cũng sẽ nghiên cứu, rà soát và trình Chính phủ đánh giá lại Chiến lược Quản lý nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến 2030. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đang phối hợp với Ngân hàng Thế giới xây dựng Chương trình quản lý nợ trung hạn giai đoạn 2016-2018 để đưa ra những cảnh báo rủi ro về tỷ giá, lãi suất, tái cấp vốn trong thời gian tới.

Ông Hoàng Hải - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại: Quy mô nợ công so với GDP đang ở mức cao, gần với ngưỡng được Quốc hội cho phép trong khi nguồn lực của chúng ta còn hạn chế nên vẫn cần thiết phải huy động vốn vay để đầu tư. Do đó, nợ công có quy mô lớn là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, an toàn nợ công thể hiện ở việc chúng ta có khả năng thu xếp, bố trí để chi trả các khoản vay nợ. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào hiệu quả sử dụng vốn vay. Vốn vay được sử dụng đúng mục đích, đưa vào các lĩnh vực thực sự cần thiết và được sử dụng một cách tiết kiệm sẽ làm cho kinh tế phát triển, tạo ra nguồn lực để trả nợ trong tương lai.