Chính sách thuế năm 2014: Hướng tới hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Ths. Đăng Thủy - Kiểm toán Nhà nước khu vực XII

(Tài chính) Năm 2013 là năm Chính phủ đã điều tiết kinh tế vĩ mô khá mạnh tay thông qua công cụ thuế, nhiều giải pháp về thuế đã được đưa ra kịp thời nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Một loạt các Luật về thuế đã được Quốc hội thông qua, Chính phủ cũng nhanh chóng tổ chức triển khai thực hiện như: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quản lý thuế; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập DN (TNDN) và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Giá trị gia tăng (GTGT); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Xuất nhập khẩu (XNK), thuế TNCN (TNCN).

Về thuế TNDN

- Giảm mức thuế suất phổ thông: Đối với thuế TNDN, từ năm 2014 mức thuế suất cho các doanh nghiệp thu nhập là 22% (mức trước đây là 25%). Doanh nghiệp có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng thì mức thuế suất là 20% và đã được áp dụng từ 1/7/2013. Từ năm 2016, mức thuế suất thuế TNDN sẽ giảm còn 20% và mức thuế suất ưu đãi cũng được điều chỉnh còn 17%.

- Thêm nhiều khoản thu nhập được miễn thuế: Luật sửa đổi đã bổ sung vào diện thu nhập miễn thuế đối với: Thu nhập từ sản xuất muối của hợp tác xã (HTX); Thu nhập của HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp thực hiện ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội (KT-XH) khó khăn và địa bàn có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn; Thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản của doanh nghiệp ở địa bàn KT-XH đặc biệt khó khăn; Thu nhập từ hoạt động đánh bắt hải sản; Thu nhập không chia của cơ sở thực hiện xã hội hoá (XHH) trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế và các lĩnh vực XHH khác để lại để đầu tư phát triển; phần thu nhập hình thành tài sản không chia của HTX được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật HTX.

- Nới lỏng mức khống chế của chi phí quảng cáo, khuyến mại: Nâng tỷ lệ khống chế chi phí quảng cáo, khuyến mại từ 10% lên 15%, đồng thời loại bỏ một số khoản chi không mang tính chất quảng cáo, khuyến mại như chiết khấu thanh toán, chi báo biếu, báo tặng của cơ quan báo chí ra khỏi diện chi phí khống chế.

- Nhiều khoản chi của DN đã được tính vào chi phí tính thuế: Bổ sung khoản tài trợ được tính vào chi phí được trừ đối với khoản tài trợ cho nghiên cứu khoa học, tài trợ theo chương trình của Nhà nước dành cho các địa phương thuộc địa bàn có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn; Bổ sung quy định về khoản chi đóng góp vào Quỹ hưu trí tự nguyện hoặc quỹ mang tính an sinh xã hội là khoản chi được trừ; Bổ sung nguyên tắc xác định chi phí hợp lý của một số lĩnh vực đặc thù (ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, xổ số,...); Bỏ quy định việc doanh nghiệp phải xây dựng định mức tiêu hao nguyên vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, hàng hoá và thông báo với cơ quan thuế.

- Bổ sung hình thức ưu đãi: Luật thuế TNDN sửa đổi đã bổ sung quy định miễn thuế, giảm thuế đối với hình thức đầu tư mở rộng.

- Ngoài ra, Chính phủ cũng quy định một số khoản thu nhập được coi là thu nhập khác (ngoài thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh chính) không thuộc diện được miễn, giảm thuế cũng được bù trừ với thu nhập từ hoạt động được miễn giảm thuế (nếu thu nhập từ hoạt động được miễn giảm bị lỗ) trước khi tính thuế TNDN theo thuế suất phổ thông.

Về thuế GTGT

Luật thuế GTGT sửa đổi, bổ sung có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2014 có một số nội dung nổi bật như sau:

- Bổ sung thêm nhiều nhóm hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế: Bảo hiểm sức khỏe, các dịch vụ bảo hiểm khác liên quan đến con người; các dịch vụ bảo hiểm nông nghiệp khác; bảo hiểm tàu, thuyền, trang thiết bị và các dụng cụ cần thiết khác phục vụ trực tiếp đánh bắt thuỷ sản; bảo hiểm cho ngư dân; Phụ tùng thuộc loại trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu để sử dụng trực tiếp cho hoạt động nghiên cứu khoa học (Luật hiện hành đã quy định máy móc, thiết bị, vật tư thuộc loại trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu để sử dụng trực tiếp cho hoạt động nghiên cứu khoa học thuộc đối tượng không chịu thuế); hàng hóa, dịch vụ của cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

- Ưu đãi thuế đối với nhóm nhà ở xã hội: Giảm mức thuế suất đối với nhóm hàng hóa, dịch vụ liên quan đến nhà ở xã hội đối với bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội theo quy định của Luật nhà ở áp dụng mức thuế suất 5%; Thực hiện giảm 50% mức thuế suất thuế GTGT từ ngày 01/7/2013 đến hết ngày 30/6/2014 đối với bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở thương mại là căn hộ hoàn thiện có diện tích sàn dưới 70 m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2.

- Về khấu trừ thuế đầu vào: Luật sửa đổi, bổ sung đã bãi bỏ khống chế thời hạn (6 tháng) kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với hóa đơn điều chỉnh bổ sung trong trường hợp có sai sót, miễn là trước khi cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra, thanh tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế. Quy định như trên nhằm phù hợp và tương thích với quy định pháp luật về quản lý thuế đồng thời sẽ đảm bảo quyền lợi và tạo thuận lợi cho DN; Bỏ quy định thuế GTGT đầu vào của TSCĐ sử dụng đồng thời cho sản xuất, kinh doanh HHDV chịu thuế GTGT và không chịu thuế GTGT được khấu trừ toàn bộ để bảo đảm nhất quán với nguyên tắc chỉ khấu trừ thuế GTGT đầu vào sử dụng cho sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ chịu thuế GTGT và tránh các trường hợp lợi dụng, góp phần xử lý các vướng mắc trong hoàn thuế GTGT hiện nay.

- Thay đổi về phương pháp tính thuế: Theo đó, từ ngày 01/01/2014, sẽ áp dụng ngưỡng doanh thu nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ cho các cơ sở kinh doanh là từ một tỷ đồng trở lên. Ngưỡng trên không áp dụng đối với hộ, cá nhân kinh doanh và trường hợp có đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ. Riêng đối với hàng nông, lâm, thủy, hải sản được miễn thuế GTGT kể cả ở khâu kinh doanh thương mại, trừ đối tượng là hộ kinh doanh hoặc cá nhân kinh doanh hoặc DN nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp trực tiếp bán ra. Quy định này giúp cho DN thuận lợi hơn trong việc kê khai, nộp thuế GTGT so với trước đây.

Về thuế TNCN

Giảm đối tượng chịu thuế: Bổ sung hướng dẫn không tính vào thu nhập chịu thuế từ tiền lương tiền công đối với các khoản sau: khoản tiền ăn giữa ca, ăn trưa do người sử dụng lao động tổ chức bữa ăn giữa ca cho người lao động dưới các hình thức như trực tiếp nấu ăn, mua suất ăn, cấp phiếu ăn; khoản tiền mua vé máy bay khứ hồi do người sử dụng lao động trả hộ.

Tăng mức giảm trừ gia cảnh: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNCN đã nâng mức giảm trừ gia cảnh từ 4 triệu đồng/tháng lên 9 triệu dồng/tháng đối với người nộp thuế và từ 1,6 triệu đồng/tháng lên 3,6 triệu đồng/tháng đối với người phụ thuộc. Việc điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh đã thực hiện được mục tiêu giảm tỷ lệ động viên thuế đối với người nộp thuế, góp phần tháo gỡ khó khăn kịp thời cho người nộp thuế.

Tăng đối tượng miễn thuế: Bổ sung hướng dẫn miễn thuế TNCN đối với trường hợp chuyển nhượng, nhận thừa kế, quà tặng bất động sản là công trình xây dựng trong tương lai và nhà ở hình thành trong tương lai giữa vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; bố vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh chị em ruột với nhau.

Bổ sung tiền lương hưu nhận được hàng tháng từ Quỹ hưu trí tự nguyện được miễn thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công. Bổ sung khoản học bổng nhận được từ tổ chức trong nước và ngoài nước bao gồm cả tiền sinh hoạt phí cũng được miễn thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công.

Về căn cứ tính thuế đối với cá nhân cư trú: Sửa đối bổ sung nhiều nội dung để thuận tiện cho việc xác định số thuế phải nộp như: Đơn giản Biểu tỷ lệ ấn định thu nhập chịu thuế của hộ kinh doanh từ 19 nhóm ngành nghề và theo 5 khu vực thành 4 nhóm ngành nghề, không phân biệt khu vực và thống nhất với thuế giá trị gia tăng.

Sẽ cấp mã số thuế cho toàn bộ đối tượng là người phụ thuộc: Việc cấp mã số thuế cho người phụ thuộc thực hiện theo hướng đơn giản do Cơ quan Thuế tự động cấp dựa trên thông tin có sẵn tại hồ sơ đăng ký giảm trừ gia cảnh mà không yêu cầu người nộp thuế phải cung cấp thêm bất kỳ một loại giấy tờ nào khác, không làm tăng thủ tục về hồ sơ cũng như thủ tục về kê khai thuê, không gây phiền hà cho người nộp thuế, không làm ảnh hưởng đến việc giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc.

Nâng ngưỡng thu nhập vãng lai phải khấu trừ thuế 10%: Đối với cá nhân cư trú không ký hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng lao động dưới ba (03) tháng nâng mức ngưỡng trả thu nhập phải khấu trừ thuế từ 1 triệu đồng lên 2 triệu đồng/1ần đối với cá nhân cư trú không ký hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng lao động dưới ba (03) tháng (không phân biệt cá nhân có hay chưa có mã số thuế) tạo thuận tiện cho tổ chức trả thu nhập khi khấn trừ do mức khấu trừ thống nhất, đồng thời sẽ giảm số lượng cá nhân làm thủ tục hoàn thuế TNCN do đã bị khấu trừ (10%) lớn hơn số thuê phải nộp trong năm.

Về kê khai thuế: Giảm tần suất khai thuế như chỉ áp dụng khai thuế theo tháng đối với tổ chức, cá nhân trả thu nhập phát sinh số thuế khấu trừ trong tháng của ít nhất một loại tờ khai thuế TNCN từ 50 triệu đồng trở lên (trước đây là từ 5 triệu đồng trở lên) trừ trường hợp khai thuế giá trị gia tăng theo quý; Đối với cá nhân cư trú có thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán nộp thuế theo thuế suất 20% thì không phải đăng ký từ đầu năm với cơ quan thuế như trước.

Về thuế XNK

Thuế suất xuất khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ và các sản phẩm bằng vàng sẽ giảm về 0% từ 1/1/2014. Trong khi đó, vàng nguyên liệu xuất khẩu không phân biệt hàm lượng sẽ chịu thuế 2%. Tuy nhiên, việc áp thuế đối với vàng nguyên liệu, sẽ chỉ áp dụng khi Ngân hàng Nhà nước cho phép các công ty được xuất, nhập vàng nguyên liệu (hiện tại chưa doanh nghiệp nào được phép), còn khi Ngân hàng Nhà nước nhập vàng sẽ không chịu thuế.

Bắt đầu từ ngày 1/1/2014, thuế suất thuế nhập khẩu rất nhiều loại ôtô từ các nước ASEAN sẽ giảm về mức 50%. Mức thuế suất này được quy định tại biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) giai đoạn 2012 - 2014 do Bộ Tài chính ban hành kèm theo Thông tư 161/2011/TT-BTC ngày 17/11/2011. Cũng theo biểu thuế này, thuế nhập khẩu các mặt hàng tương tự hiện đang áp dụng ở mức 60% và trước đó, năm 2012 áp dụng ở mức 70%. Riêng các loại xe tải và xe chuyên dụng sẽ được hưởng mức thuế suất 0-5%.

Về quản lý thuế

Luật Quản lý thuế sửa đổi, bổ sung có một số nội dung đáng lưu ý như sau:

- Đơn giản thủ tục hành chính hơn:

Thứ nhất, Giảm tần suất kê khai thuế GTGT từ 12 lần/năm xuống còn 4 lần/năm đối với người nộp thuế quy mô vừa và nhỏ. Chính phủ quy định tiêu chí xác định người nộp thuế để kê khai theo quý.

Thứ hai, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục gia hạn nộp hồ sơ khai thuế từ 5 ngày làm việc xuống 3 ngày làm việc.

Thứ ba, một số nội dung hoàn thuế có một số sửa đổi, bổ sung như: Rút ngắn thời hạn giải quyết đối với trường hợp “kiểm tra trước, hoàn thuế sau” từ 60 ngày xuống còn 40 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ và trường hợp “hoàn thuế trước, kiểm tra sau” từ 15 ngày làm việc xuống còn 6 ngày làm việc.

- Nói lỏng gia hạn, giãn nộp thuế, thu nợ thuế, xóa nợ thuế:

Thứ nhất, bổ sung việc gia hạn nộp thuế đối với trường hợp DN phải di dời cơ sở sản xuất kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và DN có nợ thuế do chưa được thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản đã được ghi trong dự toán NSNN.

Thứ hai, bổ sung quy định nộp dần tiền thuế đối với trường hợp người nộp thuế không có khả năng nộp đủ tiền thuế một lần: Cho phép người nộp thuế được nộp dần tiền nợ thuế trong một khoảng thời gian nhất định (có tính tiền chậm nộp 0,05%/ngày tương đương 1,5%/tháng, 18%/năm). Việc nộp dần tiền thuế được thực hiện trên cơ sở có cam kết của người nộp thuế và bảo lãnh của tổ chức tín dụng để giảm các trường hợp phải cưỡng chế thuế và hỗ trợ cho người nộp thuế, đặc biệt là trong các trường hợp người nộp thuế có số tiền nợ thuế lớn (do bị phạt từ 1 lần đến 3 lần thuế) và có khó khăn về tài chính trong ngắn hạn.

Thứ ba, bổ sung quy định xoá nợ đối với các khoản nợ khó có khả năng thu hồi sau khi đã áp dụng tất cả các biện pháp cưỡng chế và các khoản nợ này đã kéo dài trong thời hạn 10 năm.

Bài đăng trên Báo Kiểm toán số 3 - 2014