An toàn vốn trong đầu tư tài chính

Thông tư số 125/2012/TT-BTC (Thông tư 125) thay thế Thông tư số 156/2007/TT- BTC ngày 20/12/2007, ra đời trong bối cảnh hậu khủng hoảng tài chính toàn cầu ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động đầu tư tài chính tại Việt Nam. Một số doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) trong nước thời gian qua đã có những khoản đầu tư tài chính thiếu hiệu quả, thậm chí thua lỗ, mất vốn. Bởi vậy, một trong những nội dung quan trọng của Thông tư 125 là an toàn trong đầu tư tài chính. Cụ thể, tại Mục 3, “Đầu tư tài chính”, các Điều từ 11 đến 13 đều tập trung cho nội dung này.

Điều 11 quy định DNBH không được đi vay để đầu tư trực tiếp (hoặc uỷ thác đầu tư) vào chứng khoán, bất động sản, góp vốn vào DN khác; Không được đầu tư trở lại dưới mọi hình thức cho các cổ đông (thành viên) góp vốn hoặc người có liên quan quy định tại Luật DN, trừ tiền gửi tại các cổ đông (thành viên) là tổ chức tín dụng. Việc đầu tư dưới hình thức gửi tiền tại các tổ chức tín dụng (bao gồm cả các tổ chức tín dụng là cổ đông, thành viên góp vốn), DNBH phải lựa chọn các tổ chức tín dụng thuộc nhóm 1 và nhóm 2 theo đánh giá xếp hạng của Ngân hàng Nhà nước. Khoản đầu tư từ nguồn vốn chủ sở hữu, nguồn vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ và các nguồn hợp pháp khác, DNBH phải hạch toán tách bạch theo quy định của pháp luật; bảo đảm việc ghi nhận các tài sản đầu tư được thực hiện một cách nhất quán. Việc đầu tư ra nước ngoài phải được Bộ Tài chính chấp thuận trước khi thực hiện.

Như vậy, chỉ với riêng Điều 11 của Thông tư 125, nguyên tắc đầu tư tài chính an toàn đã xác định rõ khi đã loại trừ tổ chức tín dụng thuộc nhóm 3 ra khỏi danh mục nói gửi tiền của DNBH và yêu cầu các DNBH không được đi vay để đầu tư tài chính, đặc biệt là chứng khoán và bất động sản, hai lĩnh vực gây rủi ro lớn gần đây.

Tại Điều 12 với nội dung “Đầu tư nguồn vốn chủ sở hữu” trong phần đầu tư ra nước ngoài, Thông tư 125 quy định DNBH được đầu tư ra nước ngoài phần vốn tương ứng với số chênh lệch giữa vốn chủ sở hữu vượt quá mức vốn pháp định hoặc biên khả năng thanh toán tối thiểu, tuỳ theo số nào lớn hơn (giữa vốn pháp định và biên khả năng thanh toán tối thiểu). Việc đầu tư ra nước ngoài chỉ được thực hiện dưới các hình thức: Thành lập hoặc góp vốn thành lập DNBH ở nước ngoài; thành lập chi nhánh DNBH ở nước ngoài… Trước khi thực hiện (hoặc điều chỉnh, chấm dứt) việc đầu tư ra nước ngoài, DNBH phải nộp Bộ Tài chính một bộ hồ sơ đề nghị bao gồm các tài liệu: Văn bản đề nghị có chữ ký của người đại diện trước pháp luật; Văn bản chấp thuận của các cấp có thẩm quyền theo Điều lệ tổ chức và hoạt động (đối với DNBH) hoặc Quy chế tổ chức và hoạt động (đối với chi nhánh nước ngoài) về việc DNBH, hoặc chi nhánh nước ngoài tiến hành thực hiện (hoặc điều chỉnh, chấm dứt) hoạt động đầu tư; Tài liệu giải trình về việc thực hiện (hoặc điều chỉnh, chấm dứt) hoạt động đầu tư ở nước ngoài.

Đối với trường hợp tiến hành thực hiện hoặc điều chỉnh hoạt động đầu tư ở nước ngoài, tài liệu phải nêu rõ: mục tiêu, hình thức, nguồn vốn đầu tư, quy mô vốn đầu tư, tiến độ thực hiện, dự kiến hiệu quả đầu tư; hợp đồng hoặc bản thỏa thuận với đối tác... Trường hợp điều chỉnh quy mô nguồn vốn đầu tư và hình thức đầu tư ra nước ngoài, tài liệu phải nêu rõ tình hình, kết quả thực hiện, các khó khăn, thuận lợi (nếu có) và phương án điều chỉnh. Trường hợp chấm dứt hoạt động đầu tư ở nước ngoài, tài liệu giải trình phải nêu rõ lý do, kết quả thực hiện, khả năng thu hồi vốn đầu tư và thời hạn dự kiến chấm dứt hoạt động đầu tư. Trong thời hạn 21 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tài chính có văn bản trả lời về việc chấp thuận hoặc từ chối chấp thuận. Trong trường hợp từ chối chấp thuận Bộ Tài chính phải nêu rõ lý do.

Việc sử dụng nguồn vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm để tham gia đầu tư là một nghiệp vụ “lõi” của DNBH. Điều 13, Thông tư 125 đã tập trung vào nội dung này nhằm đảm bảo hiệu quả đầu tư tối ưu, hạn chế rủi ro và nâng cao an toàn tài chính đối với DNBH. Để dễ theo dõi và hạch toán, quản trị, DNBH phải hạch toán tách biệt nguồn vốn đầu tư nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ của từng loại hình tái bảo hiểm. Nguồn vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ của loại hình tái bảo hiểm nhân thọ được thực hiện như bảo hiểm nhân thọ; tương tự, vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ của tái bảo hiểm phi nhân thọ và tái bảo hiểm sức khoẻ được thực hiện như của DNBH phi nhân thọ.

Trường hợp muốn mở rộng nội dung, phạm vi và địa bàn hoạt động, DNBH phải thực hiện bổ sung vốn điều lệ đã góp (hoặc vốn được cấp), cụ thể: Đối với mỗi chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tăng thêm, DN kinh doanh bảo hiểm phải bổ sung vốn điều lệ đã góp cao hơn mức vốn pháp định là 10 tỷ đồng; Đối với mỗi loại hình bảo hiểm hàng không hoặc bảo hiểm vệ tinh muốn kinh doanh, DNBH phi nhân thọ và chi nhánh nước ngoài phải bổ sung vốn điều lệ đã góp (hoặc vốn được cấp) cao hơn mức vốn pháp định là 50 tỷ đồng; Đối với trường hợp kinh doanh đồng thời cả môi giới bảo hiểm gốc và môi giới tái bảo hiểm, DN môi giới bảo hiểm phải bổ sung vốn điều lệ đã góp cao hơn mức vốn pháp định là 4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Thông tư 125 cũng yêu cầu các DNBH và chi nhánh nước ngoài phải đảm bảo duy trì nguồn vốn chủ sở hữu theo quy định trong suốt quá trình hoạt động, đồng thời, hàng năm phải đánh giá lại nguồn vốn chủ sở hữu để bổ sung theo quy định trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính…

“Nâng chất” quản trị tài chính

Nhằm đảm bảo an toàn tài chính DN, minh bạch hoá tình hình tài chính của DNBH, tại Mục 9, 10 và 11, Thông tư 125 đã tập trung vào chi tiết hoá ba nội dung quan trọng là quản trị tài chính, kiểm toán nội bộ và kiểm toán độc lập; Thực hiện chế độ báo cáo và công khai thông tin.

Tại Mục 9, Điều 29 với nội dung cơ cấu vốn điều lệ của công ty cổ phần bảo hiểm, Thông tư 125 quy định khá chặt chẽ cơ cấu vốn điều lệ của công ty cổ phần bảo hiểm phải đảm bảo các nguyên tắc sau: Một cổ đông là cá nhân được sở hữu tối đa 10% vốn điều lệ; Một cổ đông là tổ chức được sở hữu tối đa 20% vốn điều lệ, trừ các trường hợp sau đây: Sở hữu cổ phần nhằm khôi phục khả năng thanh toán của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm trong trường hợp mất khả năng thanh toán.

Trường hợp sở hữu cổ phần của cổ đông chiến lược là tổ chức tại DNBH, cổ đông đó phải đáp ứng các điều kiện: Có tổng tài sản tối thiểu tương đương 2 tỷ USD vào năm trước (năm dự kiến) là cổ đông nắm giữ trên 20% vốn điều lệ của DNBH; Trong 3 năm liên tục trước năm dự kiến là cổ đông chiến lược hoạt động kinh doanh phải có lãi và không có lỗ lũy kế; Có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm tối thiểu năm 5 năm; Không rút vốn khỏi DNBH trong thời hạn 3 năm kể từ năm dự kiến là cổ đông chiến lược. Trước khi cổ đông chiến lược thực hiện việc góp trên 20% vốn điều lệ, DNBH phải nộp Bộ Tài chính 01 bộ hồ sơ đề nghị và phải được sự chấp thuận của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Các tài liệu có chữ ký, chức danh, con dấu của nước ngoài tại hồ sơ (nếu có) phải được hợp pháp hoá lãnh sự quán.

Nhằm nâng cao trách nhiệm của nhóm cổ đông chủ chốt, Điều 29 của Thông tư 125 còn quy định thêm các cổ đông sáng lập phải cùng nhau sở hữu tối thiểu 50% số cổ phần phổ thông được quyền chào bán của DNBH. Trong thời hạn 3 năm kể từ ngày DNBH được cấp giấy phép thành lập và hoạt động, cổ đông sáng lập chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho cổ đông sáng lập khác sau khi được Hội đồng quản trị chấp thuận.

Việc xây dựng các quy chế tự quản lý, giám sát bao gồm quy chế tài chính, quy chế đầu tư, quy chế kiểm soát và kiểm toán nội bộ và các quy trình thủ tục tương ứng của DNBH được quy định tại Điều 30 với yêu cầu DNBH phải tổ chức thực hiện các quy chế tự quản lý, giám sát và định kỳ, đột xuất kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các quy chế này trong nội bộ DN. Các quy chế về tự quản lý, giám sát; các báo cáo định kỳ và đột xuất giám sát việc thực hiện các quy chế này và các báo cáo xử lý các trường hợp vi phạm phải được lưu trữ đầy đủ bằng văn bản để phục vụ cho công tác kiểm tra, thanh tra và quản lý giám sát DN.

Đặc biệt, tổ chức kiểm toán nội bộ rất được chú trọng trong Thông tư 125 (Điều 31). DNBH phải thực hiện hoạt động kiểm toán nội bộ đảm bảo tính độc lập với các hoạt động điều hành, tác nghiệp của DNBH và tính khách quan, trung thực, công bằng, không định kiến khi thực hiện nhiệm vụ kiểm toán nội bộ;

Thông tư 125 quy định kiểm toán viên nội bộ phải là người có kiến thức, trình độ và kỹ năng kiểm toán nội bộ cần thiết, không kiêm nhiệm các cương vị, các công việc chuyên môn khác của DNBH, chi nhánh nước ngoài. Nội dung hoạt động của kiểm toán nội bộ bao gồm việc rà soát, đánh giá: Mức độ đầy đủ, tính hiệu lực và hiệu quả của hệ thống kiểm tra, kiểm soát nội bộ; Việc áp dụng, tính hiệu lực, hiệu quả của các quy trình nhận dạng, phương pháp đo lường và quản trị rủi ro của DN; Hệ thống thông tin quản lý và hệ thống thông tin tài chính; Tính đầy đủ, kịp thời, trung thực và mức độ chính xác của hệ thống hạch toán kế toán và các báo cáo tài chính; Cơ chế bảo đảm sự tuân thủ các quy định của pháp luật, quy định về trích lập dự phòng nghiệp vụ, đầu tư và khả năng thanh toán của DN, các quy định nội bộ, các quy trình, quy tắc tác nghiệp, quy tắc đạo đức nghề nghiệp. DNBH phải xây dựng bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp và bảo đảm duy trì quy tắc đạo đức nghề nghiệp trong việc thực hiện công tác kiểm toán nội bộ.

Với chế độ báo cáo, Điều 33 quy định: Báo cáo tài chính, bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, báo cáo lưu chuyển tiền tệ và thuyết minh báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật về kế toán phải có xác nhận của tổ chức kiểm toán độc lập được phép hoạt động tại Việt Nam. Xác nhận của tổ chức kiểm toán độc lập phải bao gồm các vấn đề tài chính trọng yếu sau: Hoạt động nhận và nhượng tái bảo hiểm, trích lập dự phòng nghiệp vụ, khả năng thanh toán, hoa hồng, doanh thu, chi phí, lợi nhuận và phân phối lợi nhuận, các khoản đầu tư từ vốn chủ sở hữu, đầu tư từ dự phòng nghiệp vụ, tài sản cố định và khấu hao, các khoản phải thu, nợ phải trả, vốn chủ sở hữu, chi phí xây dựng cơ bản dở dang; tách quỹ và phân chia thặng dư quỹ chủ hợp đồng đối với DNBH nhân thọ.

Đối với DN môi giới bảo hiểm: Doanh thu, chi phí, lợi nhuận và phân phối lợi nhuận, các khoản đầu tư, tài sản cố định và khấu hao, các khoản phải thu, nợ phải trả, vốn chủ sở hữu, chi phí xây dựng cơ bản dở dang. Hàng quý, năm, DNBH phi nhân thọ phải lập và gửi báo cáo tài chính cho Bộ Tài chính gồm 11 mẫu từ Mẫu số 1- PNT đến Mẫu số 9 - PNT; DNBH nhân thọ phải lập 16 mẫu từ Mẫu số 1- NT đến Mẫu số 11-NT. Lần lượt là 3 và 4 Mẫu báo cáo đối với DN môi giới bảo hiểm và tái bảo hiểm.

Tại Mục 11, các nội dung về công khai thông tin (Điều 36) cũng có nhiều điểm mới, chưa hề được quy định tại Thông tư số 156/2007/TT- BTC trước đây. Kể từ 01/10/2012, DNBH không chỉ công bố công khai trên trang thông tin điện tử riêng toàn bộ nội dung báo cáo tài chính đã được kiểm toán của doanh nghiệp, chi nhánh kèm theo ý kiến của tổ chức kiểm toán độc lập mà còn phải công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cụ thể, DNBH còn phải công bố công khai báo cáo tài chính trên báo Trung ương và báo địa phương nơi DNBH, chi nhánh nước ngoài đóng trụ sở chính trong 3 số báo liên tiếp. Các thông tin công bố bao gồm: Báo cáo thường niên (Mẫu số 1-CBTT) và Báo cáo tài chính tóm tắt (Mẫu số 2-CBTT). Khi công bố công khai phải kèm theo ý kiến của tổ chức kiểm toán độc lập.

Ngoài các hình thức công khai theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 36, DNBH tự quyết định việc công bố công khai thông tin dưới hình thức phát hành ấn phẩm; thông báo bằng văn bản tới các cơ quan quản lý nhà nước; họp báo; trên đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương. Việc công khai thông tin phải thực hiện trong thời hạn 120 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày công bố công khai các thông tin, DNBH phải gửi bản chính hoặc bản sao các thông tin đã công bố công khai đến Bộ Tài chính. Thông tin công bố phải kịp thời, chính xác theo quy định của pháp luật. Trường hợp thay đổi nội dung thông tin đã công bố thì phải thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại các khoản 1, khoản 2 và khoản 4 Điều này kèm theo lý do giải thích.

Việc nâng “chuẩn” an toàn tài chính đối với DNBH được quy định tại Thông tư 125 mặc dù chưa đầy đủ nhưng sẽ góp phần giúp hoạt động của DNBH an toàn và lành mạnh hơn. Qua đó, khu vực tăng trưởng cao và ổn định này sẽ tiếp tục thu được những kết quả khả quan trong quá trình tái cơ cấu để hoạt động vững mạnh, góp phần vào sự ổn định và an toàn của thị trường và hệ thống tài chính.

Bài đăng Tạp chí Tài chính số 10/2012


“Chuẩn” tài chính mới giúp “nâng chất” doanh nghiệp bảo hiểm

ThS. HOÀNG LÊ NGUYÊN

(Tài chính) Chính thức có hiệu lực từ ngày 01/10/2012, Thông tư số 125/2012/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 30/7/2012, hướng dẫn chế độ tài chính đối với các loại hình doanh nghiệp bảo hiểm được kỳ vọng sẽ tiếp tục tạo ra những chuyển biến tích cực trên thị trường bảo hiểm Việt Nam. Với những quy định “chuẩn” về tài chính mới sẽ giúp các doanh nghiệp bảo hiểm “nâng chất” quản trị tài chính, hướng tới an toàn và minh bạch.

Xem thêm

Video nổi bật