Thực hiện Nghị quyết 77/NQ-CP:

Cơ hội và thách thức đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập

PV.

(Tài chính) Trong bối cảnh điều kiện kinh tế của nước ta còn hạn chế, nguồn lực đầu tư từ NSNN cho phát triển giáo dục đại học có hạn, khó có khả năng tăng đột biến trong thời gian tới. Vì vậy, việc triển khai quyết liệt các nội dung thí điểm nêu tại Nghị quyết 77/NQ-CP của Chính phủ sẽ góp phần tăng thêm nguồn lực tài chính đầu tư phát triển giáo dục đại học có chất lượng, gắn với mục tiêu công bằng và hiệu quả theo đúng định hướng của Đảng, Nhà nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Cơ hội đặt ra với các cơ sở sở giáo dục đại học công lập

Giáo dục đại học (GDĐH) có vai trò trọng yếu trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển của mỗi nước, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong thế giới toàn cầu hóa ngày nay. Về lộ trình, do đổi mới cơ chế hoạt động, đẩy mạnh xã hội hóa một số hoạt động và giao tự chủ đại học là một mô hình hoàn toàn mới tại nước ta, nên trước mắt cần lựa chọn thực hiện thí điểm đối với một vài trường đại học trọng điểm đã có thương hiệu tốt về chất lượng đào tạo trong thời gian qua. Sau đó sẽ tiến hành tổng kết rút kinh nghiệm và tiếp tục nhân rộng cho toàn bộ hệ thống trường đại học công lập.

Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở GDĐH công lập giai đoạn 2014-2017. Chủ trương, chính sách của Nhà nước về cải cách giáo dục, ưu tiên đầu tư ngân sách cho giáo dục và đẩy mạnh việc thực hiện đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tự chủ tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục, trong đó có GDĐH.

Việc cho phép các cơ sở GDĐH công lập được quyền tự chủ trong việc mở ngành, chuyên ngành đào tạo, liên kết đào tạo và định hướng nghiên cứu sẽ tạo cơ hội cho các trường có thể chủ động đổi mới toàn diện chương trình và phương pháp giảng dạy phù hợp với mô hình đào tạo của trường, qua đó thể hiện được đẳng cấp và thương hiệu của trường trong việc nâng cao chất lượng đào tạo.

Triển khai thực hiện Nghị quyết 77/NQ-CP của Chính phủ sẽ giúp các cơ sở GDĐH công lập chủ động trong việc thu hút và tuyển chọn nhân tài gắn với cơ chế tiền lương linh hoạt, qua đó giúp các trường xây dựng bộ máy hoạt động tinh gọn, chuyên nghiệp và hiệu quả

Khi thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị quyết 77/NQ-CP của Chính phủ, các cơ sở GDĐH sẽ xác định lại mức thu học phí cụ thể đối với từng ngành, nghề, chương trình đào tạo của trường theo nhu cầu người học và chất lượng đào tạo. Theo đó, các trường có điều kiện huy động tổng thể các nguồn lực trong xã hội, cân đối thu chi tài chính để đảm bảo ổn định thu nhập cho người lao động, đầu tư và phát triển cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu phát triển tổng thể của trường.

Triển khai thành công việc đổi mới cơ chế hoạt động theo Nghị quyết 77/NQ-CP của Chính phủ sẽ là một bước đi đột phá giúp các cơ sở GDĐH công lập phát huy tối đa nguồn lực con người và cơ sở vật chất, thu hút tốt hơn các nguồn lực của xã hội đồng thời sử dụng hiệu quả hơn kinh phí của nhà nước, mở rộng các hoạt động chuyển giao công nghệ và các dịch vụ khác để nâng cao năng lực tài chính cho phát triển bền vững, bảo đảm điều kiện thực hiện tốt các biện pháp nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Khi được giao cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị quyết 77/NQ-CP, các cơ sở GDĐH công lập có cơ hội nâng cao năng lực để cạnh tranh với các trường trọng điểm, trường có vốn đầu tư nước ngoài; giúp người học có thêm cơ hội lựa chọn cơ sở đào tạo, chương trình đào tạo chất lượng cao với chi phí hợp lý.

 Một số điều kiện cần đảm bảo đối với cơ sở GDĐH công lập

Trong điều kiện của các trường trong hệ thống giáo dục đại học hiện nay, không phải cơ sở GDĐH công lập nào cũng có điều kiện và khả năng thực hiện đổi mới cơ chế hoạt động theo hướng tự chủ và tự chịu trách nhiệm. Để thực hiện đổi mới cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm xã hội đối với các cơ sở GDĐH công lập, không chỉ dựa vào khả năng tài chính của trường, mà cần phải đánh giá về năng lực quản lý, trình độ đội ngũ giáo viên, nhóm ngành đào tạo, năng lực nghiên cứu khoa học, tư vấn, chuyển giao công nghệ và chất lượng đầu ra. Theo đó, các trường phải đảm các điều kiện cần như sau:

Để đổi mới theo cơ chế, chính sách của Đảng và Chính phủ, bản thân các cơ sở giáo dục đại học công lập cũng phải có những giải pháp cụ thể để nâng cao năng lực quản lý mạnh, tự xây dựng được hệ thống quy chế làm việc và các công cụ quản lý hiệu quả. Đặc biệt là phải đầu tư, đào tạo đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn vững, có khả năng tự xây dựng chương trình, giáo dục và giảng dạy hướng tới chuẩn mực quốc tế. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục đại học công lập cũng cấn đầu tư xây dựng, hoàn thiện Cơ sở vật chất hiện đại (phòng học, hạ tầng công nghệ thông tin, phòng thí nghiệm thực hành giảng dạy và nghiên cứu, thư viện, nhà xưởng, đất đai,…).

Trong xu thế hội nhập, các cơ sở giáo dục đại học công lập cần chú trọng nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, tư vấn và chuyển giao công nghệ mạnh, có khả năng đề xuất, xây dựng và triển khai các chương trình nghiên cứu độc lập và thu hút các nguồn kinh phí lớn đầu tư cho nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng.

Khi thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, các trường phải xác định lại mức thu học phí phù hợp để đảm bảo bù đắp chi phí, nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên các trường phải cân nhắc kỹ về mức thu học phí phù hợp (không thể thu quá cao) để đảm bảo thu hút được người học trong môi trường cạnh tranh gay gắt giữa các cơ sở GDĐH. Trên cơ sở xác định lại các điều kiện cần thiết để thực hiện cơ chế tự chủ, các Trường xây dựng Đề án đổi mới cơ chế hoạt động theo các nội dung nêu tại Nghị quyết 77/NQ-CP của Chính phủ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để làm căn cứ thực hiện.