Đa dạng hóa các nguồn lực tài chính nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai

(Tài chính) Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt một số kết quả về huy động nguồn lực tài chính để ứng phó với biến đổi khí hậu, tuy nhiên, các chính sách về tài chính cần được hoàn thiện hơn nữa nhằm huy động tối đa nguồn lực cho nâng cao hiệu quả ứng phó biến đổi khí hậu ở nước ta.

Việt Nam đã đạt một số kết quả về huy động nguồn lực tài chính để ứng phó với biến đổi khí hậu. Nguồn: Internet
Việt Nam đã đạt một số kết quả về huy động nguồn lực tài chính để ứng phó với biến đổi khí hậu. Nguồn: Internet
Biến đổi khí hậu đang trở thành một mối đe dọa và thách thức chính đối với phát triển bền vững của tất cả các nước phát triển cũng như các nước đang phát triển trên thế giới. Ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu tác động đến các nước đang phát triển, nhất là các nước nghèo, do vị trí địa lý và những hạn chế về khả năng tài chính, năng lực khoa học - công nghệ và quản lý của các nước này. 
 
Theo các nghiên cứu, đánh giá kịch bản về biến đổi khí hậu, Việt Nam là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề, biến đổi khí hậu tác động mạnh đến phát triển kinh tế - xã hội và đặt ra nhiều vấn đề đối với phát triển kinh tế các ngành, đặc biệt là ngành nông nghiệp; vấn đề đối với hệ sinh thái, nguồn tài nguyên nước…Việt Nam đã có những chính sách tích cực nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Đối với quốc tế, chúng ta đã sớm tham gia và phê chuẩn Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu và Nghị định thư Kyoto.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành các văn bản pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho công tác phòng chống giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu như: Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Đê điều, Luật Tài nguyên nước, Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu (NTP-RCC), Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC), Chiến lược quốc gia phòng chống tránh và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020, Chiến lược Tăng trưởng xanh, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và tiếp theo là Kế hoạch hành động quốc gia về biến đổi khí hậu.

Gần đây nhất, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, trong đó đã khẳng định: Biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu, là thách thức nghiêm trọng đối với toàn nhân loại trong thế kỷ 21. Ứng phó với biến đổi khí hậu phải đặt trong mối quan hệ toàn cầu; không chỉ là thách thức mà còn tạo cơ hội thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển bền vững. Phải tiến hành đồng thời thích ứng và giảm nhẹ, trong đó thích ứng với biến đổi khí hậu, chủ động phòng tránh thiên tai là trọng tâm. Do vậy để thực hiện các chính sách, chương trình nêu trên thì việc huy động các nguồn lực tài chính để nâng cao hiệu quả ứng phó với biến đổi khí hậu hết sức cần thiết.
 
Trong những năm qua chúng ta đạt một số kết quả về huy động nguồn lực tài chính để ứng phó với biến đổi khí hậu như sau:
 
Một là: Nhà nước đã có những ưu tiên bố trí kinh phí từ ngân sách cho các Chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu và nghiên cứu khoa học về biến đổi khí hậu. Hàng năm, nguồn đầu tư từ ngân sách cho công tác phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai, các chương trình mục tiêu cụ thể như trồng rừng, nâng cấp hệ thống đê điều, hồ chứa nước, phòng chống sạt lở, chung sống với lũ, an toàn cho tàu thuyền... tăng dần. Ngoài ra còn bố trí ngân sách dự trữ một số vật tư thiết yếu để cứu trợ khẩn cấp, nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai.
 
Hai là: Nguồn vốn vay ưu đãi và viện trợ của nước ngoài được ưu tiên huy động để có nguồn lực lớn và tập trung cho ứng phó với biến đổi khí hậu. Bước đầu hình thành cơ chế huy động nguồn lực hợp tác quốc tế để ứng phó với biến đổi khí hậu như Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC) là chương trình cho vay theo phương thức hỗ trợ ngân sách, với Nhật Bản là nhà tài trợ chính và một số nhà tài trợ khác. Chương trình nhằm hỗ trợ cho Chính phủ Việt Nam thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu (NTP-RCC) và Chiến lược quốc gia về ứng phó với BĐKH, trong đó dành phần lớn cho các dự án của các Bộ, địa phương về ứng phó với biến đổi khí hậu theo tiêu chí lựa chọn dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
 
Kết quả vận động tài trợ thông qua Chương trình NTP-RCC và SP-RCC: Năm 2009, khi mới đi vào hoạt động, Chương trình SP-RCC có 03 nhà tài trợ là Đan Mạch, JICA và AFD, đến nay đã có thêm các nhà tài trợ: Ngân hàng Thế giới (WB), Cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế Canada (CIDA), Cơ quan Hỗ trợ phát triển quốc tế Australia (AuSAID), Ngân hàng Eximbank Hàn Quốc (K.Eximbank) với tổng số vốn huy động đến nay khoảng trên 1.000 triệu đô la Mỹ. 
 
Ba là: Ngoài nguồn ngân sách nhà nước, nguồn vay nợ, viện trợ; các Bộ, ngành, địa phương đã huy động các nguồn lực tại chỗ, tranh thủ đóng góp, tham gia của các tổ chức, cá nhân cho công tác ứng phó với biến đổi khí hậu và cứu trợ, khắc phục thiên tai.
 
Bốn là: Chính phủ, các Bộ, ngành đã ban hành các cơ chế chính sách thu hút, khuyến khích cho ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, như chính sách và cơ chế tài chính cho dự án đầu tư theo cơ chế phát triển sạch (theo Quyết định số 130/2007/QĐ-TTg ngày 2/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ); chính sách thuế bảo vệ môi trường; phí và lệ phí, như phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, chất thải rắn, phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản...  
 
Tuy nhiên, bên cạnh những thành công, các chính sách về tài chính nhằm huy động nguồn lực cho nâng cao hiệu quả ứng phó biến đổi khí hậu ở nước ta hiện nay cũng chưa thực sự đầy đủ, đồng bộ, nhất là chưa có cơ chế để khuyến khích, huy động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư cho ứng phó với biến đổi khí hậu trên cơ sở mang lại lợi ích cho nhà đầu tư và xã hội. Do vậy cần phải có giải pháp nâng cao năng lực để huy động nguồn vốn hỗ trợ từ các tổ chức tài chính quốc tế, các quỹ hỗ trợ khác cho ứng phó biến đổi khí hậu.
 
Gần đây, WB và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã phối hợp triển khai Diễn đàn CFO (Climate Finance Options) nhằm hỗ trợ các quốc gia và địa phương tiếp cận thông tin tài chính cho biến đổi khí hậu. Đây là công cụ hữu hiệu nhằm tổng hợp, sàng lọc và chia sẻ thông tin về các nguồn tài chính có thể huy động cho việc giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu. Việt Nam có thể sử dụng công cụ này để tiếp cận các nguồn tài chính phục vụ cho ứng phó biến đổi khí hậu. Có một số các Quỹ cần tập trung nghiên cứu như:

Quỹ Khí hậu xanh: được thành lập theo quyết định số 01/CP.16 tại Hội nghị các Bên tham gia Công ước khí hậu lần thứ 16 (COP16) với mục đích huy động tài chính từ các quốc gia phát triển và khối tư nhân để hỗ trợ các hoạt động biến đổi khí hậu của các quốc gia đang phát triển. Ngân hàng thế giới đóng vai trò là đơn vị tín dụng được ủy thác của Quỹ. Tại COP19 vừa diễn ra trong tháng 11/2013 ở Warsaw - Ba Lan, chủ đề huy động tài chính cho Quỹ khí hậu xanh là một trong những chủ đề nhận được rất nhiều sự quan tâm của các quốc gia. 
 
Mặc dù thực trạng huy động tài chính của Quỹ Khí hậu xanh còn gặp nhiều khó khăn do chưa có một cơ chế hoạt động rõ ràng, nhưng tiềm năng và vai trò của Quỹ Khí hậu xanh là một trong số cơ chế tài chính quan trọng bậc nhất của thị trường tài chính khí hậu trong những năm tới.
 
Quỹ Thích ứng: là một cơ chế tài chính quốc tế được thành lập theo Nghị định thư Kyoto của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC). Quỹ ra đời với mục đích tài trợ cho các chương trình, dự án hỗ trợ các Bên là các quốc gia đang phát triển đã phê chuẩn Nghị định thư Kyoto của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) thực hiện các hoạt động thích ứng với tác động bất lợi của biến đổi khí hậu.
 
Việt Nam là nước đặc biệt dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu, do đó cần tận dụng hỗ trợ của các Quỹ, tiếp tục nghiên cứu về khả năng, đối tượng, lĩnh vực ưu tiên, cơ chế tiếp cận của Quỹ thích ứng, Quỹ khí hậu xanh; các quy tắc tài chính đã được thống nhất cho hoạt động nâng cao trữ lượng cac-bon, bảo tồn, quản lý rừng bền vững (REDD+) (theo kết luận của COP 19), và các hỗ trợ khác tới năm 2020 đề xuất các dự án phù hợp tiếp cận các nguồn vốn này. 
 
Ngoài ra tăng nguồn huy động tài chính cho biến đổi khí hậu còn thông qua việc lựa chọn công cụ giảm nhẹ, đảm bảo sự trung lập về tài khóa, sự đơn giản và giảm thiểu các chi phí hành chính và sự nhất quán về chính sách; Tạo ra các nguồn tài chính mới cho thích ứng và giảm nhẹ như các loại thế đánh vào chi phí cácbon; thuế đánh vào phát thải từ hoạt động vận tải; bán đấu giá các đơn vị phát thải được phân bổ, nguồn thu đấu giá trong nước.... Đặc biệt, cần tăng cường tính tự chủ, tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn để đảm bảo có một cơ chế tài chính vững chắc để chủ động trong cuộc chiến ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng phát triển kinh tế, đưa đất nước phát triển bền vững./.