Thông tư số 107/2017/TT-BTC:

Đáp ứng yêu cầu quản lý ngân sách nhà nước trong tình hình hiện nay

ThS. Võ Thanh Hòa, Sư đoàn 367, Quân chủng Phòng không – Không quân

Ngày 10/10/2017, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 107/2017/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp. Theo đó, chế độ kế toán hành chính sự nghiệp đã thay đổi căn bản, toàn diện về hệ thống tài khoản, hệ thống báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán và phương pháp hạch toán, chuyển từ kế toán cơ sở tiền mặt sang kế toán cơ sở dồn tích... Bài viết trao đổi về những điểm mới của chế độ kế toán hành chính sự nghiệp ban hành kèm theo Thông tư số 107/2017/TT-BTC nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về kinh tế ngày càng cao và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Đứng trước yêu cầu quản lý nhà nước về kinh tế ngày càng cao và phù hợp với thông lệ quốc tế, trong đó đặc biệt là vấn đề quản lý ngân sách nhà nước (NSNN), hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý kinh tế, công tác kế toán và quản lý NSNN đã được thay đổi, bổ sung phù hợp với tình hình mới, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế.

Cụ thể, Quốc hội đã ban hành Luật Quản lý NSNN ngày 25/6/2015 đáp ứng yêu cầu quản lý NSNN ngày càng hiệu quả, bền vững và hiện đại (Luật số 83/2015/QH13); Luật Kế toán (Luật số 88/2015/QH13) ngày 20/11/2015. Trên cơ sở của Luật NSNN và Luật Kế toán năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 163/2016/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật NSNN và Nghị định số 174/2016/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Kế toán.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư số 342/2016/TT-BTC ngày 30/12/2016 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ. Mới đây nhất, ngày 10/10/2017, Bộ Tài chính tiếp tục ban hành Thông tư số 107/2017/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp. Thông tư số 107/2017/TT-BTC có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký và áp dụng từ ngày 01/01/2018 thay thế Quyết định số 19/2006/QĐ-BTC và Thông tư 185/2010/TT-BTC.

Có thể nói, Thông tư số 107/2017/TT-BTC ra đời đã góp phần kiện toàn hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý kinh tế, đặc biệt là công tác kế toán trong quản lý NSNN. Thông tư số 107/2017/TT-BTC đã kế thừa những ưu điểm, khắc phục tồn tại, hạn chế của Chế độ kế toán Hành chính, sự nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 19/2006/QĐ-BTC và Thông tư số 185/2010/TT-BTC ngày 15/11/2010 của Bộ Tài chính về sửa đổi bổ sung chế độ kế toán hành chính sự nghiệp ban hành kèm theo Quyết định 19/2006/QĐ-BTC.

Theo đó, chế độ kế toán hành chính sự nghiệp theo Thông tư số 107/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính đã thay đổi căn bản, toàn diện hệ thống tài khoản, hệ thống báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán và phương pháp hạch toán, chuyển từ kế toán cơ sở tiền mặt sang kế toán cơ sở dồn tích. Bài viết này đưa ra các điểm mới của chế độ kế toán hành chính sự nghiệp ban hành kèm theo Thông tư số 107/2017/TT-BTC so với chế độ kế toán hành chính sự nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 19/2006/QĐ-BTC và Thông tư số 185/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính. Cụ thể:

- Về chứng từ kế toán:

Theo Thông tư số 107/2017/TT-BTC, hệ thống chứng từ kế toán được chia thành 2 loại là bắt buộc và tự thiết kế (không có hệ thống chứng từ hướng dẫn). Điều này cho thấy sự linh hoạt và phù hợp hơn với yêu cầu tạo lập chứng từ cho các nhiệm vụ khác nhau theo từng đặc thù của cơ quan, tổ chức, đồng thời, nâng cao sự chủ động cho các đơn vị sử dụng ngân sách trong việc tạo lập chứng từ kế toán.

Đối với hệ thống chứng từ bắt buộc như: Phiếu thu, Phiếu chi, Giấy đề nghị thanh toán tạm ứng, Biên lai thu tiền…, các đơn vị trong quá trình sử dụng không được sửa đổi, bổ sung. Đối với chứng từ tự thiết kế, các đơn vị được thiết kế theo yêu cầu quản lý của đơn vị mình, tuy nhiên phải đáp ứng tối thiểu 7 yếu tố của chứng từ kế toán quy định tại Điều 16 của Luật Kế toán năm 2015.

- Về hệ thống tài khoản kế toán:

Đáp ứng yêu cầu quản lý ngân sách nhà nước trong tình hình hiện nay - Ảnh 1Đáp ứng yêu cầu quản lý ngân sách nhà nước trong tình hình hiện nay - Ảnh 2Đáp ứng yêu cầu quản lý ngân sách nhà nước trong tình hình hiện nay - Ảnh 3Đáp ứng yêu cầu quản lý ngân sách nhà nước trong tình hình hiện nay - Ảnh 4Đáp ứng yêu cầu quản lý ngân sách nhà nước trong tình hình hiện nay - Ảnh 5Đáp ứng yêu cầu quản lý ngân sách nhà nước trong tình hình hiện nay - Ảnh 6Đáp ứng yêu cầu quản lý ngân sách nhà nước trong tình hình hiện nay - Ảnh 7Đáp ứng yêu cầu quản lý ngân sách nhà nước trong tình hình hiện nay - Ảnh 8Đáp ứng yêu cầu quản lý ngân sách nhà nước trong tình hình hiện nay - Ảnh 9
· Đối với tài khoản trong bảng:

Thông tư số 107/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính đã bổ sung 28 tài khoản cấp 1, bãi bỏ 16 tài khoản cấp 1, đổi tên 7 tài khoản cấp 1 và chi tiết hơn một số tài khoản cấp 2, cấp 3. Việc sửa đổi này giúp phản ánh cụ thể, chi tiết và đa dạng hơn các hoạt động kinh tế tài chính phát sinh trong đơn vị hành chính sự nghiệp.

Trong đó, đáng chú ý là đổi tên và thay đổi bản chất tài khoản 337-Tạm thu và tài khoản 511-Thu hoạt động NSNN cấp; bổ sung nhóm tài khoản 711-Thu nhập khác; 811-Chi phí khác; 911-Xác định kết quả và bãi bỏ các tài khoản 341, 461, 661, 662 điều này làm thay đổi cơ bản phương pháp hạch toán nguồn NSNN được cấp và sử dụng.

Như vậy, phương pháp hạch toán kế toán theo Thông tư số 107/2017/TT-BTC cơ bản thay đổi cách hạch toán thu-chi NSNN theo quyết định 19 và thông tư 185 và có phần giống với hệ thống tài khoản kế toán doanh nghiệp theo thông tư 200/2017/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài Chính.

· Đối với tài khoản ngoài bảng.

Bổ sung 5 tài khoản, chi tiết tài khoản 008 dự toán chi hoạt động theo yêu cầu quản lý ngân sách. Bỏ tài khoản 005-Dụng cụ lâu bền đang sử dụng. Đổi tên và thay đổi bản chất tài khoản 004(QĐ19: 004-Chênh lệch hoạt động thu chi TX; TT107: 004-Kinh phí viện trợ không hoàn lại).

- Về sổ sách kế toán:

Được quy định chi tiết tại Điều 5-Quy định về sổ kế toán của Thông tư số 107/2017/TT-BTC.

Theo đó, các đơn vị hành chính, sự nghiệp phải mở sổ kế toán để theo dõi, ghi chép và lưu trữ các nghiệp vụ phát sinh. Các đơn vị hành chính, sự nghiệp có tiếp nhận, sử dụng nguồn NSNN cấp, vay nợ nước ngoài, nguồn kinh phí được khấu trừ, để lại phải mở sổ theo dõi riêng theo mục lục ngân sách và các yêu cầu khác để lập báo cáo quyết toán với ngân sách nhà nước và cơ quan có thẩm quyền. Mỗi đơn vị chỉ sử dụng một hệ thống sổ kế toán cho một kỳ kế toán năm, bao gồm sổ kế toán tổng hợp và sổ kế toán chi tiết.

Danh mục hệ thống sổ kế toán được chia thành 3 loại (sổ tổng hợp, sổ chi tiết, sổ chi tiết theo dõi số liệu quyết toán). Cụ thể theo Thông tư số 107/2017/TT-BTC các mẫu sổ chi tiết bổ sung thêm mẫu sổ chi tiết theo dõi số liệu quyết toán bao gồm 6 mẫu từ S101-H đến S106-H. Ngoài ra các đơn vị được mở thêm sổ chi tiết theo yêu cầu quản lý của đơn vị.

- Về báo cáo tài chính và quyết toán;

Sửa đổi bổ sung các mẫu biểu báo cáo tài chính, bao gồm báo cáo tài chính đầy đủ và báo cáo tài chính đơn giản quy định tại phụ lục số 04 ban hành kèm theo Thông tư 107/2017/TT-BTC. Điều này phù hợp với cơ chế tự của của các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

Ngoài ra, theo Thông tư số 107/2017/TT-BTC, việc quy định về kỳ hạn lập báo cáo được chia thành 2 loại: Kỳ hạn lập báo cáo tài chính và Kỳ hạn lập báo cáo quyết toán, trong đó:

- Đối với báo cáo tài chính được lập vào cuối kỳ kế toán theo Luật Kế toán năm 2015 (Sau ngày 31/12) và trong thời gian 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm đơn vị sử dụng ngân sách phải nộp báo cáo tài chính cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Đối với báo cáo quyết toán NSNN và báo cáo quyết toán nguồn khác đơn vị sử sụng ngân sách phải lập báo cáo theo kỳ kế toán năm. Số liệu lập báo cáo quyết toán NSNN hằng năm là số liệu thu, chi của năm ngân sách, tính đến hết thời gian chỉnh lý quyết toán NSNN theo quy định của pháp luật về NSNN năm 2015. Trường hợp pháp luật có quy định lập báo cáo theo kỳ kế toán khác thì ngoài báo cáo quyết toán năm đơn vị phải lập cả báo cáo theo kỳ kế toán đó. 

Tài liệu tham khảo:

1. Quốc hội (2015), Luật Kế toán số 88/2015/QH13 ngày 20/11/2015;

2. Quốc hội (2015), Luật Ngân sách nhà nước số 83/2015/QH13 ngày 25/06/2015;

3. Chính phủ (2016), Nghị định số 174/2016/NĐ-CP ngày 30/12/2016 quy định chi tiết một số điều của Luật Kế toán năm 2015;

4. Chính phủ (2016), Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách Nhà nước;

5. Bộ Tài chính (2006), Quyết định 19/2006/QĐ-BTC ngày 30/3/2006 về việc ban hành chế độ kế toán hành chính sự nghiệp;

6. Bộ Tài chính (2016), Thông tư số 342/2016/TT-BTC ngày 30/12/2016 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách Nhà nước;

7. Bộ Tài chính (2016), Thông tư số 324/2016/TT-BTC ngày 21/12/2016 về quy định hệ thống mục lục ngân sách nhà nước;

8. Bộ Tài chính (2010), Thông tư 185/2010/TT-BTC ngày 15/11/2010 hướng dẫn sửa đổi, bổ sung Chế độ kế toán Hành chính sự nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 19/2006/QĐ-BTC ngày 30/3/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính;

9. Bộ Tài chính (2017), Thông tư 107/2017/TT-BTC ngày 10/10/2017 hướng dẫn chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp.