Đẩy mạnh việc thoái vốn nhưng phải đảm bảo quy trình và minh bạch

Theo mof.gov.vn

Thoái vốn đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm là một trong những nội dung chính trong đề án tái cơ cấu DNNN. Tuy nhiên, số vốn cần phải thoái này từ nay đến cuối năm 2015 vẫn còn nhiều. Vậy các cơ quan chức năng cần có những giải pháp gì để đẩy nhanh tiến độ đạt mục tiêu đã đề ra. Cổng TTĐT đã có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Hiền, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp để làm rõ hơn những nội dung trên.

Phóng viên: Xin ông cho biết, kết quả thoái vốn đầu tư vào 5 lĩnh vực gồm: chứng khoán, ngân hàng tài chính, bảo hiểm, bất động sản của các DNNN hiện nay thế nào? có đúng mục tiêu của Chính phủ đề ra không? Nguyên nhân do đâu?

Đẩy mạnh việc thoái vốn nhưng phải đảm bảo quy trình và minh bạch - Ảnh 1

Ông Trần Văn Hiền, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp

Ông Trần Văn Hiền, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp: Theo kế hoạch thực hiện năm 2014 – 2015, các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước phải thực hiện thoái vốn đầu tư vào 5 lĩnh vực (chứng khoán, ngân hàng tài chính, bảo hiểm, bất động sản, quỹ đầu tư) trên 25 nghìn tỷ đồng theo đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt. Lũy kế năm 2014 và 8 tháng 2015 (tính đến 19/8), các đơn vị đã thoái được hơn 8 nghìn tỷ đồng. Như vậy, số vốn đầu tư vào 5 lĩnh vực này cần phải thoái tiếp đến cuối năm 2015 là hơn 17 nghìn tỷ đồng.

Về cơ bản, thời gian qua các Tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã tích cực triển khai Đề án tái cơ cấu theo tinh thần Quyết định số 929/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Nhưng kết quả đạt được còn chưa đáp ứng với yêu cầu của đề án do một số nguyên nhân sau:

Thứ nhất, do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới ảnh hưởng đến kinh tế trong nước trong đó có thị trường tài chính, TTCK làm nhu cầu sụt giảm, sức mua thấp trong khi số lượng cổ phần của các DNNN phải CPH và thoái vốn nhiều dẫn đến cung vượt cầu. Do đó, kế hoạch bán cổ phần ra công chúng của các DN CPH cũng như thoái vốn đầu tư ngoài ngành chưa đạt được kế hoạch đề ra.

Thứ hai, Từ năm 2011-2013, khi bắt đầu thực hiện đề án tái cơ cấu thì còn một số Bộ, ngành, địa phương, DNNN chưa chỉ đạo quyết liệt trong việc triển khai sắp xếp, CPH và thoái vốn.

Thứ ba, nhận thức của một bộ phận cán bộ ở các cấp, các ngành và đặc biệt là lãnh đạo doanh nghiệp về chủ trương tái cơ cấu doanh nghiệp tuy đã có chuyển biến nhưng chưa hiểu đúng ý nghĩa quan trọng của việc tái cơ cấu doanh nghiệp đối với phát triển kinh tế - xã hội, còn tư tưởng e ngại, lo lắng về vị trí và vai trò lãnh đạo sau cổ phần hóa, thoái vốn.

Có ý kiến cho rằng, tiến độ tái cơ cấu (CPH, thoái vốn DNNN) chậm do cơ chế, chính sách, thể chế chưa đủ, điều này có đúng không? Có cần bổ sung hoàn thiện không?

Đến nay, về cơ bản các cơ chế chính sách về tái cơ cấu, CPH DNNN đã được ban hành đồng bộ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện tái cơ cấu, sắp xếp, CPH phù hợp với thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh và điều kiện thị trường. Cụ thể Chính phủ đã ban hành:

Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần; Nghị định số 189/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần; Nghị quyết 15/NQ-CP ngày 6/3/2014 về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg ngày 15/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định một số nội dung về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán của DNNN; Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ quy định về sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả các công ty nông, lâm nghiệp. Cùng theo đó là các thông tư hướng dẫn do Bộ Tài chính ban hành.

Ngày 01/6/2015, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 40/NQ-CP với 9 nhóm nội dung để kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tái cơ cấu DNNN. Theo đó, Bộ Tài chính đã có dự thảo trình Chính phủ và ngày 15/9/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 41/2015/QĐ-TTg về việc bán cổ phần theo lô.

Nhưng quá trình thực hiện tái cơ cấu còn nhiều vướng mắc, Bộ Tài chính đã tổng hợp báo cáo Chính phủ. Bộ Tài chính đã có tờ trình số 138 ngày 21/9/2015 kèm dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần. Khi Nghị định này được ban hành thì các vướng mắc của về CPH DNNN cơ bản được xử lý.

Nhưng có ý kiến lo ngại, việc cho phép bán cổ phần theo lô (do bán nhanh với lượng cổ phần lớn) dễ dẫn đến thất thoát vốn nhà nước?

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã soạn thảo, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 41/2015/QĐ-TTg ngày 15/9/2015 về việc bán cổ phần theo lô.

Quyết định này sẽ tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong việc thoái vốn hiện nay. Theo đó, Quyết định này quy định môt số nội dung về việc thoái vốn cổ phần nhà nước tại công ty cổ phần chưa niêm yết hoặc chưa đăng ký giao dịch trên sàn giao dịch Upcom do các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là đại diện chủ sở hữu; việc thoái vốn tại các công ty cổ phần có vốn góp của Tập đoàn, Tổng công ty, công ty do nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ; Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp chưa có quyết định chuyển giao về SCIC.

Việc bán theo lô tạo điều kiện cho DN thoái vốn thuận lợi hơn, nhà đầu tư có thể mua với lượng cổ phần lớn hơn. Số lượng cổ phần của một lô không thấp hơn 5% vốn điều lệ của công ty cổ phần. Bán cổ phần theo lô phải thực hiện đấu giá qua Sở giao dịch chứng khoán. Trường hợp các nhà đầu tư cùng trả mức giá bằng nhau cho một lô cổ phần thì thực hiện chào bán cạnh tranh theo hình thức bỏ phiếu kín...

Như vậy, dù bán theo lô với lượng cổ phần lớn, nhưng vẫn đảm bảo công khai, minh bạch để tránh thất thoát vốn nhà nước.

Trước đây, nhà đầu tư băn khoăn vì chỉ mua được lượng cổ phần nhỏ lẻ, không đủ quyền để tham gia điều hành, để nâng cao hiệu quả trong quản trị DN, mở rộng thị trường, nâng cao năng lực tài chính, chuyển giao ứng dụng công nghệ mới, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Hiện nay, nhà đầu tư được mua với số lượng cổ phần lớn theo lô miễn là nhà đầu tư tham gia mua cổ phần theo lô phải có năng lực tài chính, có cam kết gắn bó lợi ích lâu dài với doanh nghiệp, có phương án tiếp tục sử dụng lao động hiện có, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục phát triển.

Để đảm bảo việc thoái vốn được thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty cần tiếp tục đẩy mạnh việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành chặt chẽ, có hiệu quả, có kế hoạch thoái vốn cụ thể cho từng tháng, từng khoản đầu tư ngoài ngành; Coi kết quả của việc thực hiện đề án tái cơ cấu của từng doanh nghiệp là tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của của Hội đồng thành viên và Ban lãnh đạo doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát đối với hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp.

Xin cảm ơn ông!