Đề xuất xóa bỏ tiền phạt chậm nộp thuế đối với doanh nghiệp khó khăn

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) Sáng 3/11, mở đầu tuần làm việc thứ 3, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trình bày báo cáo giải trình dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều các luật thuế.

Ưu đãi thuế đối với dự án quy mô từ 12.000 tỷ đồng trở lên 

Về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Chính phủ trình Quốc hội bổ sung quy định: thu nhập của DN từ thực hiện dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nông nghiệp (trừ dự án sản xuất mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), dự án khai thác khoáng sản) có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 12.000 nghìn tỷ đồng, sử dụng công nghệ phải được thẩm định theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ, thực hiện giải ngân tổng vốn đầu tư đăng ký không quá 5 năm, kể từ khi được cấp phép đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài và từ ngày chấp thuận chủ trương đầu tư đối với nhà đầu tư trong nước được áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong 15 năm, miễn thuế trong 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.

Chính phủ cũng đề nghị, xem xét kéo dài thêm thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi 10%, nhưng tối đa không quá 15 năm, đối với dự án đặc biệt cần thu hút đầu tư.

Bên cạnh đó, tờ trình của Chính phủ còn đề nghị bổ sung quy định quy đổi tỷ giá tính thuế và nộp ngân sách. Theo giải trình của Chính phủ, thực hiện quy định của luật thuế hiện hành, DN luôn phải điều chỉnh sổ sách kế toán theo tỷ giá giao dịch liên ngân hàng, gây khó khăn, phức tạp không cần thiết trong việc xác định doanh thu, chi phí, giá tính thuế, tăng thời gian kê khai, nộp thuế của DN...

Do đó, Chính phủ trình Quốc hội quy định: người nộp thuế xác định doanh thu, chi phí, giá tính thuế và các khoản thuế nộp NSNN bằng đồng Việt Nam (trừ trường hợp nộp thuế bằng ngoại tệ theo quy định của Chính phủ); trường hợp phát sinh doanh thu, chi phí, giá tính thuế bằng ngoại tệ hoặc người nộp thuế có nghĩa vụ phải nộp bằng ngoại tệ, nhưng được cơ quan có thẩm quyền cho phép nộp thuế bằng đồng Việt Nam thì phải quy đổi ngoại tệ ra đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm phát sinh.

Xóa tiền phạt chậm nộp thuế 

Chính phủ cho biết, trong thời gian qua (2008 - 2013), nhiều DN gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh do những nguyên nhân khách quan như: thị trường tiêu thụ khó khăn, tồn kho sản phẩm cao; lạm phát ở mức cao; tín dụng vay ngân hàng cao (trên 20%/năm); chu kỳ sản xuất kéo dài; bị khách hàng chậm thanh toán lớn ... dẫn đến việc chậm nộp tiền thuế.

Từ những đánh giá kỹ lưỡng của Bộ Tài chính, Chính phủ trình Quốc hội cho phép: "Xoá nợ tiền phạt chậm nộp thuế, tiền chậm nộp thuế của các khoản nợ thuế phát sinh trước ngày 1/7/2013 của doanh nghiệp gặp khó khăn khách quan và đã nộp khoản nợ thuế gốc trước ngày 31/12/2014. Thẩm quyền xóa nợ thuế thực hiện theo quy định tại khoản 22 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế."

Khi đó, DN sẽ bị phạt chậm nộp tiền thuế mức 0,05%/ngày (18,3%/năm), đối với số tiền thuế chậm nộp. DN bị phạt chậm nộp, khi tiếp cận về tín dụng, sẽ lại càng khó khăn hơn.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, trong bối cảnh kinh tế như hiện nay, nhiều người nộp thuế đã rất nỗ lực để nộp tiền thuế phát sinh, khó có khả năng nộp tiền nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp, nhất là trong trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn bất khả kháng. 

Hiện tại có những trường hợp tiền phạt chậm nộp lớn hơn tiền thuế, nếu không có giải pháp và cơ chế xử lý phù hợp thì số tiền thuế nợ và tiền phạt chậm nộp không thu được ngày càng tăng lên, gây áp lực cho người nộp thuế, khiến DN càng khó khăn hơn; có trường hợp sẽ lâm vào tình trạng giải thể, phá sản hoặc nghỉ kinh doanh.

Từ những đánh giá kỹ lưỡng của Bộ Tài chính, Chính phủ trình Quốc hội cho phép: "Xoá nợ tiền phạt chậm nộp thuế, tiền chậm nộp thuế của các khoản nợ thuế phát sinh trước ngày 1/7/2013 của doanh nghiệp gặp khó khăn khách quan và đã nộp khoản nợ thuế gốc trước ngày 31/12/2014. Thẩm quyền xóa nợ thuế thực hiện theo quy định tại khoản 22 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế."

Trong đó, DN gặp khó khăn khách quan được xóa tiền phạt chậm nộp thuế, tiền chậm nộp thuế phải đáp ứng một trong các tiêu chí sau: 

DN cung ứng hàng hoá, dịch vụ được thanh toán bằng vốn NSNN hoặc có nguồn từ NSNN, nhưng chưa được thanh toán, nên không có nguồn nộp kịp thời các khoản thuế dẫn đến phát sinh tiền phạt chậm nộp.

Đối tác bị phá sản hoặc phá bỏ hợp đồng kinh tế dẫn đến người nộp thuế phát sinh các khoản nợ thuế và tiền phạt chậm nộp. 

DN phải vay của các ngân hàng thương mại với lãi suất cao trên 20%/năm dẫn đến tổng tiền chậm nộp phát sinh bằng 100% số tiền thuế trở lên.

Dự thảo luật đáp ứng yêu cầu đặt ra trong thực tiễn

Trong báo cáo thẩm tra về dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách (TCNS) của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS nhất trí với sự cần thiết việc ban hành luật nhằm đáp ứng yêu cầu đặt ra trong thực tiễn và khắc phục những hạn chế của một số luật thuế và Luật Quản lý thuế.

Cụ thể, các ý kiến thống nhất về: áp dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn không thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn kể từ năm 2015 và bổ sung thêm lĩnh vực lâm nghiệp, thuỷ sản. 

Bỏ quy định khống chế khoản chi quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới, tiếp tân, khánh tiết, hội nghị, hỗ trợ tiếp thị, hỗ trợ chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đồng thời, thống nhất về quy định một phương pháp tính ngay trong luật: đối với chuyển nhượng bất động sản áp dụng mức 2% trên giá bán từng lần chuyển nhượng; đối với chuyển nhượng chứng khoán áp dụng mức 0,1% trên giá bán từng lần chuyển nhượng; áp dụng mức thuế khoán đối với hộ, cá nhân kinh doanh theo tỷ lệ trên doanh thu.../.