PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP Ô TÔ:

Điều chỉnh thuế nhập khẩu có tạo ra phép màu?

Theo daibieunhandan.vn

(Taichinh) - Tại tọa đàm Đối thoại chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, các doanh nghiệp tham dự cho rằng, cần có ngay những giải pháp hỗ trợ về thuế để giúp ngành này, trước khi quá muộn. Nguyên nhân do lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ thị trường ASEAN vào nước ta (tức là thuế nhập khẩu chỉ còn 0%) sẽ được thực hiện từ năm 2018.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam đã gửi công văn lên Chính phủ và Bộ Tài chính, Bộ Công thương kiến nghị về việc thực thi chính sách phát triển ngành sản xuất ô tô trong nước theo Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô của Thủ tướng Chính phủ, được ban hành từ tháng 7.2014. Chiến lược đòi hỏi một loạt chính sách đi theo, trong đó có các chính sách thuế, phí. Tuy nhiên, các chính sách này vẫn đang chậm ban hành, trong khi thời điểm thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ thị trường ASEAN vào nước ta giảm còn 0% đang đếm ngược. Nhiều doanh nghiệp đã có ý chuyển sang nhập khẩu ô tô nguyên chiếc thay vì tiếp tục sản xuất, lắp ráp tại thị trường nội địa. Bởi với mức thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc chỉ còn 0% vào năm 2018, trong khi thuế nhập khẩu linh kiện vẫn duy trì, thì ô tô sản xuất trong nước sẽ cao hơn sản phẩm nhập vào.

Đại diện Công ty Honda Việt Nam cho biết, tại Điều 2, phần tổ chức thực hiện Quy hoạch phát triển công nghiệp ô tô, Chính phủ đã giao Bộ Công thương phối hợp Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan tính lại thuế tiêu thụ đặc biệt theo hướng tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất phát triển thị trường này. Đây cũng là kiến nghị được một số doanh nghiệp trong nước đưa lên Bộ Công thương, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam cách đây 2 năm, vì sẽ không vi phạm cam kết gia nhập WTO. Tuy nhiên, hiện cơ hội hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô vẫn chưa được tận dụng.

Giải thích việc chậm ban hành chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số dòng xe, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính Lưu Đức Huy cho biết, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt có hiệu lực từ 1.1.2016, khi đó mới có thể xây dựng nghị định quy định chi tiết. Bộ Tài chính hiện đang lấy ý kiến các bộ, ngành và doanh nghiệp về văn bản hướng dẫn thi hành luật. Đại diện Bộ Công thương cũng cho biết, việc chậm ban hành các chính sách thuế, phí trong thời gian qua còn bởi chiến lược và quy hoạch chỉ nêu những định hướng, mục tiêu chung. Bộ Công thương đang phân tích những bài học thiết thực từ Quy hoạch phát triển công nghiệp ô tô trước đây, để đề ra biện pháp hỗ trợ ngành công nghiệp này, tạo sự đồng thuận giữa các bộ, ngành, bảo đảm tính khả thi cho chiến lược và quy hoạch mới.

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, không chỉ chính sách thuế nhập khẩu mới hỗ trợ được các doanh nghiệp và ngành công nghiệp ô tô trong nước. Để phát triển ngành công nghiệp này cần hệ thống giải pháp đồng bộ, trong đó có các cơ chế ưu đãi cho từng dự án của doanh nghiệp. Các đơn vị đầu tư vào ngành công nghiệp ô tô theo Quy hoạch phát triển sẽ tiếp tục được hưởng các ưu đãi về tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, hay các cơ chế vay tín dụng ưu đãi phục vụ cho đầu tư, xuất khẩu. Bản thân những sản phẩm phục vụ cho ngành công nghiệp ô tô và là sản phẩm của ngành công nghiệp hỗ trợ cũng được hưởng các chính sách ưu đãi được ban hành cụ thể tại nghị định mới về phát triển công nghiệp hỗ trợ.