Doanh nghiệp bỏ trốn - đòi nợ thuế ở đâu?

Theo tapchithue.com.vn

(Tài chính) Với tình hình thu ngày càng khó khăn, cơ quan thuế các cấp đang nỗ lực theo dõi và quản lý chặt chẽ các khoản nợ thuế, tích cực thực hiện việc đôn đốc thu hồi nợ nộp vào ngân sách nhà nước (NSNN).

Doanh nghiệp bỏ trốn - đòi nợ thuế ở đâu?
Nhiều DN lợi dụng những kẽ hở của luật pháp, nhất là những chính sách ưu đãi để trục lợi. Nguồn: internet
Theo phản ánh của nhiều địa phương, các biện pháp thu hồi nợ thuế chỉ có hiệu quả đối với các DN còn hoạt động, còn đối với doanh nghiệp (DN) đã “bỏ trốn” thì cơ quan thuế gần như bất lực, buộc phải chuyển hồ sơ cho cơ quan công an điều tra. Nhưng biện pháp này cũng chưa hữu hiệu, bởi sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng chưa đồng bộ. Do đó về lâu dài, cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, rõ ràng và chế tài đủ mạnh đối với các trường hợp chây ỳ, chậm nộp thuế hoặc cố tình trốn thuế.

Hiện tại, ngoài các khoản nợ thuế của DN đang hoạt động thì nợ thuế còn phát sinh ở bốn trường hợp khác: 
 
Thứ nhất, nợ thuế của DN giải thể. Theo quy định tại Điều 54 Luật Quản lý thuế thì việc hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp DN giải thể được thực hiện theo quy định của Luật DN. Nghĩa là trong trường hợp giải thể, DN phải thực hiện thanh toán hết các khoản nợ, hoặc có thể hiểu, các DN đã giải thể là không thể còn nợ thuế. 
 
Thứ hai, nợ thuế, nợ phạt của DN phá sản. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 65 Luật Quản lý thuế thì DN bị tuyên bố phá sản đã thực hiện các khoản thanh toán theo quy định của pháp luật phá sản mà không còn tài sản để nộp tiền thuế, tiền phạt thì được xóa nợ thuế, nợ phạt. Theo quy định của Luật Phá sản năm 2004 thì thẩm phán ra quyết định tuyên bố DN bị phá sản, đồng thời với việc ra quyết định đình chỉ thủ tục thanh lý tài sản (Điều 86). Thẩm phán ra quyết định đình chỉ thủ tục thanh lý tài sản khi DN không còn tài sản để thực hiện phương án phân chia tài sản hoặc việc phân chia tài sản đã thực hiện xong (Điều 85). Như vậy, sau khi thẩm phán đã ra quyết định tuyên bố DN bị phá sản mà DN vẫn còn nợ thuế, nợ phạt thì cũng có nghĩa là DN không còn tài sản để nộp thuế, nộp phạt. Đối với những trường hợp này, nếu đã có quyết định của thẩm phán tuyên bố DN bị phá sản theo quy định của Luật Phá sản, thiết nghĩ cơ quan thuế chỉ cần lập hồ sơ xử lý xoá nợ theo quy định là đủ.
 
Thứ ba,  nợ thuế, nợ phạt của DN chuyển đổi sở hữu: Theo quy định tại Khoản 3 Điều 55 Luật Quản lý thuế thì DN chuyển đổi sở hữu có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trước khi chuyển đổi; trường hợp DN chuyển đổi chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì DN mới được thành lập từ DN chuyển đổi, có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế. Quy định này áp dụng trong điều kiện giá trị của DN chuyển đổi (DN cũ) được xác định đầy đủ, chính xác là hoàn toàn phù hợp. 
 
Thứ tư, nợ thuế, nợ phạt của DN tự chấm dứt hoạt động hoặc “bỏ trốn”. Theo quy định tại Khoản 3 Điều 54 Luật Quản lý thuế thì DN chấm dứt hoạt động chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế thì phần thuế nợ còn lại do chủ sở hữu DN chịu trách nhiệm nộp. Trong trường hợp này, nếu chủ DN là cá nhân không khai báo việc chấm dứt hoạt động của DN và không thực hiện nghĩa vụ thuế được coi là hành vi trốn thuế. Theo quy định tại Điều 161 Bộ Luật hình sự năm 1999 thì người nào trốn thuế với số tiền từ 50 triệu đồng được coi là phạm tội trốn thuế. 
 
Tuy nhiên, đối với những “DN tự chấm dứt hoạt động” là những DN chưa hoàn thành thủ tục giải thể, phá sản, đa số không xác định được địa chỉ chủ DN bỏ trốn nên cơ quan thuế không thể tiến hành thu hồi nợ đọng thuế. Tình trạng DN vắng chủ đã xuất hiện từ nhiều năm nay và ngày càng phổ biến, thế nhưng việc giải quyết vẫn còn hết sức lúng túng.

Qua 9 năm thi hành Luật Phá sản 2004 cho thấy, DN không muốn thông qua thủ tục phá sản, một mặt vì thủ tục nhiêu khê, thiếu thực tiễn, mặt khác còn do nguyên nhân bị các chủ nợ (chủ yếu ngân hàng) gây sức ép hoặc tâm lý ngại ngùng. Ngoài ra, chủ DN cũng sợ làm thủ tục phá sản xong sẽ mất quyền kinh doanh, bởi Luật Phá sản quy định, chủ DN sau khi bị tuyên bố phá sản sẽ không được thành lập, giữ chức vụ quản lý trong DN khác trong vòng 1-3 năm. 
 
Một tình huống khác cũng gây nhiều vướng mắc đối với các cơ quan chức năng, là tiêu chí xác định DN “bỏ trốn” hiện chưa rõ ràng, vì thế mỗi địa phương tùy nghi ứng xử với nó. Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu là do tác động của suy thoái kinh tế, DN làm ăn thua lỗ, không còn khả năng trả nợ nên chủ DN âm thầm bỏ trốn. Nhưng cũng không loại trừ nhiều trường hợp, DN lợi dụng những kẽ hở của luật pháp, nhất là những chính sách ưu đãi để trục lợi. Thực tế này khiến việc giải quyết trách nhiệm nợ thuế và nhiều vấn đề liên quan khác, đặc biệt là quyền lợi người lao động, thường rơi vào ngõ cụt.

Đến nay, chỉ có Thông tư liên tịch 06/2009/TTLT-BLĐTBXH-BTC hướng dẫn trường hợp chủ DN bỏ trốn là DN không có người đại diện hợp pháp đứng ra giải quyết quyền lợi của người lao động và được UBND cấp tỉnh xác định. Thế nhưng, người đại diện hợp pháp vắng mặt bao lâu thì được coi là “bỏ trốn” lại không có quy định. 
 
Để có cơ sở pháp lý rõ ràng cho việc xử lý nợ thuế đối với DN tự động chấm dứt hoạt động, cần luật hóa cụ thể việc “bỏ trốn” của chủ DN càng sớm càng tốt, hoặc phải có chế tài đủ mạnh đối với trường hợp trốn tránh nợ thuế bằng cách lập công ty mới theo kiểu “bình mới rượu cũ” để thoái thác trách nhiệm. Cụ thể về mặt dân sự, cần xác định cơ quan nào được quyền tuyên bố chủ DN “bỏ trốn”; quyền xử lý tài sản của DN, thời hạn xử lý tài sản và hoàn trả tiền nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội cho người lao động; miễn quyền khiếu nại, khởi kiện của DN có chủ bỏ trốn. 
 
Đối với những trường hợp này, Bộ Tài chính cần trình Chính phủ cho phép cơ quan thuế tổ chức thống kê theo dõi riêng số tiền thuế nợ đọng của các DN được xác định là “DN tự chấm dứt hoạt động” hoặc “bỏ trốn”; đồng thời có trách nhiệm chuyển giao hồ sơ những trường hợp này cho cơ quan công an để điều tra, xác minh, xử lý theo thẩm quyền. Có như vậy, cơ quan thuế mới có quyền giải phóng mình khỏi trách nhiệm quản lý đã ràng buộc.