Doanh nghiệp nhà nước và vấn đề thoái vốn

LH

(Tài chính) 4 nội dung lớn sẽ được tập trung thực hiện theo đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) từ nay đến năm 2015 là cơ cấu lại ngành nghề kinh doanh, tái cơ cấu tổ chức, tái cơ cấu tài chính và tái cơ cấu quản trị doanh nghiệp. Trong đó, vấn đề thoái vốn là một mắt xích quan trọng, đầu tiên.

Thủ tướng đã khẳng định dứt khoát sẽ thực hiện quyết liệt việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các Tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Nguồn: internet
Thủ tướng đã khẳng định dứt khoát sẽ thực hiện quyết liệt việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các Tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Nguồn: internet

Tái cơ cấu DNNN là chủ trương lớn của Nhà nước, tác động tới nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Một trong các vấn đề mấu chốt để đề án tái cơ cấu thực hiện hiệu quả, đó là vấn đề thoái vốn đầu tư ngoài ngành, đặc biệt là vấn đề thoái vốn trong các tập đoàn, tổng công ty lớn.

Số vốn đầu tư ngoài ngành rất lớn

Theo thống kê của Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính), các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã tung ra hơn 22.000 tỷ đồng để đầu tư ngoài ngành (chủ yếu đổ vào vào chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản, quỹ đầu tư và ngân hàng). Trong đó, dẫn đầu là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với số vốn đầu tư hơn 4.551 tỷ đồng;  tiếp đến là Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) với khoản đầu tư hơn 1.828 tỷ đồng; Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đầu tư ngoài ngành 672 tỷ đồng, bằng 10,37% vốn điều lệ; Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) hơn 634 tỷ đồng…

Số vốn đầu tư khổng lồ này đã khiến cho sức khỏe tài chính của các tập đoàn suy yếu do bị thất thoát, bị mất vốn do lỗ, do vốn đóng băng… dẫn đến nền kinh tế cũng bị khủng hoảng, méo mó theo. Việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành đã trở nên bức thiết, vừa là để điều chỉnh chiến lược vĩ mô, vừa là để chỉnh đốn lại kế hoạch kinh doanh, nhằm tái cơ cấu lại các ngành, các lĩnh vực… và qua đó, tái cơ cấu lại toàn  bộ nền kinh tế.

Triển khai yêu cầu thoái vốn của Chính phủ

Cụ thể, sau khi Chính phủ cương quyết yêu cầu các tập đoàn phải thoái vốn đầu tư ngoài ngành, đến nay, có EVN đã thoái được vốn trị giá 1.079 tỷ đồng; Dự kiến đến năm 2015, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng sẽ thoái vốn hoàn toàn khỏi Ngân hàng Đại Dương (khoảng 20% vốn điều lệ hiện nay).

Vinacomin đang tìm cách thoái khoản đầu tư khoảng 300 tỷ đồng vào lĩnh vực ngân hàng, 70 tỷ đồng vào chứng khoán, bảo hiểm; Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) vẫn còn phải bán gần 700 ngàn cổ phiếu đang nắm giữ của Công ty CP Sonadezi Long Thành; Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) mới hoàn tất thoái vốn tại 5/37 doanh nghiệp ngoài ngành, còn phải thoái vốn tại 32 doanh nghiệp khác.

Một loạt các tổng công ty, tập đoàn khác vẫn đang loay hoay với bài toán này. Các DNNN, bao gồm cả các đơn vị sự nghiệp cũng đang được xúc tiến các hình thức như cổ phần hóa, cho thuê, cho khoán…

Làm  sao để thoái vốn, dứt bỏ cục “nợ”

Không phải như bàn tay sáu ngón, có thể cắt bỏ một ngón để chỉnh hình, vốn đầu tư ngoài ngành như là khúc ruột của doanh nghiệp, không phải dễ dàng cắt bỏ. Hiện, lĩnh vực ngân hàng đã không còn là trái ngọt để các doanh nghiệp ngồi hưởng lợi khi nợ xấu tăng cao, khó khăn chồng chất; Thị trường chứng khoán suy giảm, giá cổ phiếu thì còn thấp, thậm chí thấp hơn mệnh giá, các doanh nghiệp không muốn nhắm mắt bán đi để chịu khoản lỗ cực lớn, hầu hết đều đang chờ đợi thời điểm giá tốt để bán thu được giá trị cao hơn; Thị trường BĐS vẫn trầm lắng, sức mua chưa có dấu hiệu tăng...

Yêu cầu thoái vốn là bức thiết, nhưng thoái ra sao, thoái những khoản đầu tư nào thì các doanh nghiệp vẫn còn lúng túng. Hiện, các khoản đầu tư ngoài ngành chưa lỗ thì doanh nghiệp lại chưa muốn bán. Các doanh nghiệp đang ưu tiên bán khoản lỗ, khoản xấu trước, như người ta nhanh chóng muốn cắt bỏ cục thịt thừa lại đang hoại tử vậy. Tuy nhiên, sẽ trở thành bất khả thi nếu thực hiện đúng quy định doanh nghiệp không được bán lỗ phần vốn đã đầu tư ra bên ngoài, hay việc thoái vốn thực hiện theo nguyên tắc thị trường nhưng phải bảo toàn vốn Nhà nước…. như vậy, khác nào việc bán sản phẩm kém chất lượng lại yêu cầu được giá cao. Do vậy, hầu như vấn đề thoái vốn vẫn diễn ra chậm chạp.

Hầu hết các tập đoàn, tổng công ty có số vốn đầu tư ngoài ngành là rất lớn và dàn trải, việc phát triển không đúng sở trường đã khiến hiệu quả hoạt động kinh doanh kém… nhưng việc thoái lui lại rất khó khăn, gần như chưa tìm ra lối thoát. Xét về vốn sở hữu, tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, Nhà nước sở hữu trên 50% đến toàn bộ vốn điều lệ, nếu bán rẻ thì chính Nhà nước bị thiệt hại. Phải xem xét dưới góc độ yêu cầu về thời gian thoái vốn nhanh hay yêu cầu thoái vốn có chất lượng để có phương án xử lý thích hợp. Ông Đặng Quyết Tiến (Cục phó Cục Tài chính Doanh nghiệp) cho biết: Nếu muốn thoái các khoản đầu tư ngoài ngành (giá thấp hơn giá trị sổ sách), doanh nghiệp phải báo cáo và được chủ sở hữu chấp thuận. Mà chính chủ sở hữu cũng không muốn bị lỗ nặng, đây là vấn đề giằng xé, khiến việc thu hồi vốn chưa thể rứt điểm.

Do vậy, song song với việc đẩy mạnh công tác thoái vốn, cần đẩy nhanh hơn nữa công tác cổ phần hoá để huy động vốn của xã hội, và có phương án sử dụng hợp lý nguồn vốn này.

Khó cũng phải làm

Doanh nghiệp phải mạnh dạn cắt bỏ các khoản đầu tư nghịch ngành và phải xác định là có thể phải mất vốn chứ không chỉ là cắt lỗ. Phải tính toán mức độ mất vốn có thể chấp nhận được, phải làm sạch bảng cân đối tài chính… mới mong cơ cấu lại để sức khỏe doanh nghiệp trở lại vững vàng, lành mạnh và phát triển.

Chính phủ sẽ nghiên cứu và đưa ra các chính sách khả thi, hợp lý, giúp các DNNN có thể mạnh mẽ thoái vốn để cơ cấu lại vốn đầu tư cho ngành sản xuất kinh doanh chính của mình, làm tốt nhiệm vụ Đảng, Chính phủ giao.  Năm 2014, nhiều ngành phấn đấu sẽ hoàn tất kế hoạch thoái 50% vốn ngoài ngành, trong đó thoái 100% vốn đầu tư trong lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng, chứng khoán và hoàn thành sắp xếp mô hình tổ chức các công ty mẹ.

Cuối cùng, dù khó, việc thoái vốn vẫn phải cương quyết tiến hành. Chúng ta đều mong các DNNN, trụ cột của nền kinh tế, ngày càng vững vàng, bản lĩnh hơn, làm đầu tầu để dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ và toàn bộ con tàu kinh tế đi đúng hướng, để năm 2014 sẽ là năm nền kinh tế thực sự đi vào quỹ đạo phát triển bền vững.