Đổi mới chính sách tài chính đất đai khuyến khích xã hội hóa

Nghi Kiều (Tổng hợp)

Nhằm mục tiêu huy động và sử dụng hiệu quả nhất các nguồn lực của xã hội đầu tư vào các lĩnh vực khuyến khích xã hội, phù hợp với tình hình mới của đất nước, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 59/2014/NĐ-CP ngày 16/6/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 69/2008/NĐ-CP, trong đó có nhiều điểm đổi mới quan trọng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Nghị định số 69/2008/NĐ-CP (Nghị định số 69) được Chính phủ ban hành ngày 30/5/2008 về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thế thao, môi trường. Tuy nhiên, sau hơn 6 năm thực hiện, một số quy định trong việc sử dụng đất đai, tài sản cũng đã bộc lộ hạn chế, cần được sửa đổi để phù hợp với tình hình kinh tế-xã hội giai đoạn mới và phù hợp với các quy định của pháp luật mới được ban hành trong thời gian gần đây như: Luật Đất đai năm 2013, cơ chế sử dụng TSNN theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng TSNN, quy định mới về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập,... Mới đây, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 59/2014/NĐ-CP ngày 16/6/2014 (Nghị định số 59) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 69/2008/NĐ-CP, đồng thời ban hành theo thẩm quyền Thông tư số 156/2014/TT-BTC ngày 23/10/2014 hướng dẫn thực hiện Nghị định này.

Có thể nói, chính sách tài chính đất đai khuyến khích xã hội hóa được Chính phủ ban hành tại Nghị định số 59 và Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính đã khắc phục được những tồn tại, hạn chế của chính sách cũ, tạo điều kiện huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện các mục tiêu khuyến khích xã hội hóa, phát triển kinh tế xã hội và người dân được tiếp cận, thụ hưởng dịch vụ sự nghiệp công với số lượng và chất lượng ngày càng tốt hơn. Có thể thấy rõ những nội dung đổi mới cơ bản tại Nghị định số 59 như sau:

Một là, về phạm vi điều chỉnh. Theo Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị và Luật Giám định tư pháp thì cần thiết phải đẩy mạnh xã hội hóa đối với lĩnh vực giám định tư pháp. Vì vậy, tại Nghị định số 59 đã bổ sung thêm 01 lĩnh vực khuyến khích xã hội nữa là giám định tư pháp (ngoài 06 lĩnh vực đã được quy định tại Nghị định số 69 là giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể dục thể thao và môi trường).

Hai là, về cho thuê cơ sở hạ tầng, công trình xã hội hóa: Nghị định số 69 đã có quy định về việc cho Cơ sở thực hiện xã hội hóa được thuê nhà, cơ sở vật chất hiện có. Tuy nhiên, do quy định không cụ thể khiến trong thực tế việc này gần như không thực hiện được trong thực tế.

Vì vậy, tại Nghị định số 59 đã quy định cụ thể vấn đề này theo hướng linh động, dễ thực hiện, cụ thể: Căn cứ khả năng ngân sách, nhu cầu khuyến khích xã hội hóa và quỹ nhà, cơ sở hạ tầng hiện có; Bộ, ngành chủ quản, UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định việc xây dựng mới một phần hoặc toàn bộ cơ sở hạ tầng, công trình xã hội hóa hoặc sử dụng quỹ nhà, cơ sở hạ tầng hiện có của đơn vị thuộc phạm vi quản lý để cho các Cơ sở thực hiện xã hội hóa thuê có thời hạn.

Trường hợp NSNN không bố trí hoặc bố trí không đủ vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng công trình xã hội hóa cho thuê thì các cơ sở thực hiện xã hội hóa được thỏa thuận để ứng trước tiền thuê cơ sở hạ tầng, công trình xã hội hóa để có nguồn vốn thực hiện việc đầu tư xây dựng. Số tiền ứng trước này được quy đổi ra số năm, số tháng đã hoàn thành nghĩa vụ về tiền thuê cơ sở hạ tầng, công trình xã hội hóa trên cơ sở giá thuê cơ sở hạ tầng, công trình xã hội hóa phải nộp một năm tại thời điểm cơ sở xã hội hóa ứng trước tiền thuê. Giá cho thuê cơ sở vật chất được hình thành trên cơ sở giá thuê tài sản trên đất và tiền thuê đất (nếu có) sau khi đã được ưu đãi (miễn, giảm) theo quy định.

Ba là, về việc góp vốn, liên doanh, liên kết thực hiện dự án xã hội hóa: Nghị định số 69 và pháp luật về quản lý, sử dụng TSNN mới chỉ cho phép đơn vị được dùng tài sản đầu tư trên đất để cho thuê, góp vốn, liên doanh, liên kết. Tuy nhiên, trên thực tế, giá trị của tài sản trên đất thường thấp, nếu chỉ góp tài sản trên đất thì phần vốn góp sẽ thấp.

Trong khi đó, tại hầu hết đơn vị sự nghiệp công lập có quy mô lớn, nhất là các trường học, bệnh viện, cơ sở nghiên cứu, khu thể thao văn hóa..., ngoài giá trị tài sản đã đầu tư trên đất thì những đơn vị này còn có giá trị lợi thế thương hiệu, lợi thế vị trí địa lý... rất lớn. Do vậy, để tạo điều kiện cho các đơn vị sử dụng lợi thế sẵn có của mình (ngoài tài sản thuộc quyền quản lý của đơn vị) để thực hiện góp vốn, liên doanh, liên kết; tại Nghị định số 59 đã quy định đơn vị được sử dụng tài sản đã đầu tư trên đất, lợi thế kinh doanh, lợi thế thương hiệu, lợi thế thương mại và các lợi thế khác có liên quan để góp vốn, liên doanh, liên kết thành lập Cơ sở thực hiện xã hội hóa.

Ngoài ra, Nghị định số 59 cũng quy định các đơn vị được sử dụng số tiền cho thuê cơ sở hạ tầng, công trình xã hội hóa để góp vốn, liên doanh, liên kết với Cơ sở thực hiện xã hội hóa và số tiền cho thuê được xác định là phần vốn góp của đơn vị tại Cơ sở thực hiện xã hội hóa hình thành trong việc góp vốn, liên doanh, liên kết này.

Bốn là, về ưu đãi tiền thuê đất và xử lý tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng. Tại Nghị định số 69 quy định: (i) Cơ sở thực hiện xã hội hóa được Nhà nước giao đất hoặc cho thuê đất đã hoàn thành giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình xã hội hóa. Riêng đối với đất đô thị, đất ở thì giao UBND cấp tỉnh căn cứ thực tế địa phương quy định chế độ giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất có thu tiền thuê đất, đồng thời quy định chế độ miễn, giảm, thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định của pháp luật. (ii) Trường hợp chủ đầu tư đã ứng trước kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng thì được NSNN hoàn trả. Tuy nhiên trong thực tế thực hiện thì hầu hết các địa phương đều không đủ ngân sách nhà nước để bố trí như quy định này nên chủ trương xã hội hóa thực hiện chậm; mỗi địa phương thực hiện một cách khác nhau như: giao đất sạch, không thu tiền thuê đất, không thu lại kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng nhưng thu phí sử dụng hạ tầng hoặc để thực hiện các dự án xã hội hóa thì nhà đầu tư tự thực hiện công tác giải phóng mặt bằng hoặc tự thỏa thuận để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất sau đó chuyển mục đích sử dụng đất…

Để khắc phục bất cập nêu trên, phù hợp với khả năng của NSNN, Nghị định số 59 đã quy định: Cơ sở thực hiện xã hội hóa được Nhà nước cho thuê đất đã hoàn thành giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình Xã hội hóa theo hình thức cho thuê đất miễn tiền thuê đất cho cả thời gian thuê. Riêng đối với Cơ sở thực hiện xã hội hóa sử dụng đất tại các đô thị, sau 06 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, UBND cấp tỉnh căn cứ điều kiện thực tế của địa phương để quy định chế độ miễn, giảm tiền thuê đất theo từng khu vực, lĩnh vực và công bố công khai sau khi có ý kiến thống nhất của Thường trực HĐND cấp tỉnh với nguyên tắc: (i) Mức tối đa là miễn tiền thuê đất cho toàn bộ thời gian của dự án; (ii) Mức tối thiểu bằng mức ưu đãi theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về đầu tư.

Đồng thời, để đảm bảo cân đối thu - chi NSNN và phù hợp với tình hình thực tế thực hiện, căn cứ quy định tại Luật Đất đai 2013, Nghị định số 59 cũng quy định: Trường hợp UBND cấp tỉnh không cân đối được ngân sách địa phương để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất “sạch” cho Cơ sở thực hiện xã hội hóa thuê thì Cơ sở thực hiện xã hội hóa có trách nhiệm chi trả khoản chi phí này hoặc hoàn trả cho NSNN (trong trường hợp Nhà nước đã thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng). Cơ sở xã hội hóa được trừ tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt vào tiền thuê đất phải nộp hoặc được quy đổi ra số năm tháng đã nộp tiền thuê đất. Để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, Cơ sở thực hiện xã hội hóa được tự nguyện ứng trước tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng cho Nhà nước và được trừ vào tiền thuê đất phải nộp hoặc tính vào chi phí đầu tư dự án.

Ngoài ra, Nghị định số 59 còn có các quy định mới về: (i) Trường hợp nhà đầu tư tự nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hợp pháp để thực hiện dự án đầu tư xây dựng các công trình xã hội hóa mà phải chuyển mục đích sử dụng đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương thì được Nhà nước cho thuê đất và được hưởng ưu đãi miễn, giảm tiền thuê đất theo quy định tại Nghị định này và quy định cụ thể cách xử lý số tiền mà nhà đầu tư đã trả để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất; (ii) Quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ về đất đai của Cơ sở thực hiện xã hội hóa phù hợp với quy định của Luật Đất đai 2013; (iii) Quy định kế thừa quyền và nghĩa vụ thực hiện dự án xã hội hóa trong trường hợp chuyển nhượng dự án xã hội hóa; (iv) Quy định cơ chế kiểm tra việc đáp ứng tiêu chí xã hội hóa của các Cơ sở thực hiện xã hội hóa đã được hưởng ưu đãi về khuyến khích xã hội hóa (miễn, giảm tiền thuê đất) để đảm bảo ưu đãi của chính sách này được thực hiện đúng đối tượng, đúng mức ưu đãi, đúng tiến độ.

Các quy định mới trong chính sách tài chính đất đai khuyến khích xã hội hóa nêu trên như ứng trước tiền thuê để xây dựng cơ sở vật chất, góp vốn bằng tiền cho thuê cơ sở hạ tầng, quy định rõ hơn về miễn, giảm tiền thuê đất... giúp các bên khi tham gia hợp tác thực hiện dự án xã hội hóa cùng có lợi, sẽ tạo động lực huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện các mục tiêu khuyến khích xã hội hóa, phát triển kinh tế - xã hội và người dân được tiếp cận, thụ hưởng dịch vụ sự nghiệp công với số lượng và chất lượng ngày càng tốt hơn.

Để chính sách nhanh chóng đi vào cuộc sống

Theo Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính), Nghị định số 59 cũng quy định: Chậm nhất 06 tháng kể từ ngày Nghị định có hiệu lực thi hành (ngày 01/8/2014), UBND cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành chế độ miễn, giảm tiền thuê đất theo từng khu vực, lĩnh vực khuyến khích xã hội hóa tại địa phương. Hiện nay, rất nhiều địa phương đã ban hành quy định về chế độ miễn, giảm tiền thuê đất khuyến khích Xã hội hóa để áp dụng trên địa bàn như: Hà Nội, Bến Tre, Yên Bái, Bắc Ninh....

Tuy nhiên, thống kê cũng cho thấy còn một số địa phương chưa ban hành chế độ này. Do vậy, để đảm bảo chính sách tài chính đất đai khuyến khích xã hội hóa đi vào cuộc sống và được thực hiện phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội, nhu cầu khuyến khích xã hội hóa của từng địa phương, UBND các tỉnh cần nhanh chóng ban hành chế độ miễn, giảm tiền thuê đất tại địa phương.

Ngoài ra, cần tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách trên thực tế tại địa phương nhằm phát hiện những vướng mắc chính sách để có những giải đáp hoặc sửa đổi, bổ sung chính sách cho phù hợp, đồng thời xử lý kịp thời những trường hợp sai phạm. Được biết, sau 01 năm thực hiện chính sách, Bộ Tài chính sẽ yêu cầu các địa phương báo cáo tình hình thực hiện chính sách để có cái nhìn tổng quát và có phương án xử lý khi có vướng mắc chung.

Bên cạnh đó, theo Cục Quản lý Công sản, tới đây, cần tích cực tổ chức các lớp tập huấn chính sách, hội thảo, chuyên đề chuyên sâu để tuyên truyền chính sách này tới các đối tượng thực hiện công việc chuyên môn có liên quan đến chính sách. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền chính sách đến người dân; giải đáp chính sách khi có yêu cầu.