Cơ sở giáo dục đại học công lập:

Đổi mới để phát triển tốt hơn

PV.

(Tài chính) Hiện nay, Việt Nam coi phát triển nguồn nhân lực là một trong ba đột phá chiến lược phát triển kinh tế-xã hội. Chính vì thế việc đổi mới cơ chế hoạt động cho các cơ sở đào tạo đại học công lập là một yêu cẩu cấp bách.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Những hạn chế cần tháo gỡ đối với cơ các cơ sở giáo dục đại học công lập

Hiện nay Việt Nam đang áp dụng hai cơ chế tự chủ tài chính là tự chủ toàn bộ và tự chủ một phần chi phí hoạt động thường xuyên. Với cơ chế tự chủ toàn bộ, trường đại học tự cân đối chi phí hoạt động thường xuyên từ nguồn thu sự nghiệp. Với cơ chế tự chủ một phần, trường đại học được NSNN hỗ trợ một phần chi phí hoạt động. Bên cạnh đó, trường đại học có quyền ban hành một số định mức chi tiêu khác với quy định của nhà nước đối với các đơn vị không tự chủ. Đây được coi là một bước tiến trong việc thực hiện tự chủ về tài chính, góp phần nâng cao quyền tự chủ của các trường gắn với chất lượng, hiệu quả công việc và giảm bớt gánh nặng chi tiêu từ NSNN. Tuy nhiên, sau một số năm triển khai, đã thấy rõ còn nhiều bất cập liên quan tới hình thức tự chủ tài chính này.

Một vấn đề khó khăn hiện nay đó là việc hỗ trợ từ NSNN đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập vẫn mang tính bình quân theo khả năng của NSNN (trường trường đào tạo lĩnh vực kinh tế, trường đào tạo khoa học cơ bản, khoa học xã hội nhân văn đều được phân bổ kinh phí từ NSNN tương tự như nhau, hoặc nếu có phân biệt theo ngành nghề thì cũng không có sự chênh lệch rõ nét,..) nên không tạo động lực cạnh tranh nâng cao chất lượng đào tạo giữa các trường đại học công lập và chưa giải quyết được tối đa tình trạng khó khăn của một số trường đại học đào tạo các chuyên ngành cơ bản, khó tuyển sinh trong những năm gần đây.

Nội dung phân bổ NSNN chủ yếu dựa vào các yếu tố "đầu vào" nên chưa gắn kết giữa kết quả sử dụng nguồn lực NSNN với kết quả, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ. Theo đó đã không khuyến khích tính năng động, sáng tạo của các cơ sở giáo dục đại học công lập trong việc huy động thêm các nguồn lực xã hội; vẫn còn tình trạng trông chờ vào sự bao cấp của nhà nước.

 Mặc dù là tự chủ về tài chính nhưng các trường không được tự xác định mức thu học phí, vẫn phải tuân thủ mức trần học phí, vốn chưa đảm bảo bù đắp chi phí hoạt động được quy định tại Nghị định 49/2010/NĐ-CP của Chính phủ. Việc áp dụng khung học phí chung cho tất cả các trường đại học công lập đã tạo ra sự bất bình đẳng giữa các trường tự chủ toàn bộ và tự chủ một phần. Điều này đã làm hạn chế quyền tự chủ của các trường trong việc quản lý và sử dụng các nguồn lực tài chính. Các cơ sở giáo dục đại học công lập không có đủ nguồn tài chính cần thiết để bù đắp chi phí đào tạo, đảm bảo chất lượng đào tạo và tái đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng đào tạo, nên phần lớn các cơ sở đào tạo công lập đều không đáp ứng đủ tiêu chí về cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng. Do bị khống chế về trần học phí, nên để có thêm nguồn thu, các cơ sở giáo dục đại học công lập buộc phải tăng số lượng và quy mô học sinh đào tạo, mở rộng các loại hình đào tạo không chính quy, liên kết đào tạo nhưng việc mở rộng quy mô đào tạo không tương xứng với năng lực đào tạo của nhà trường (về giáo viên, cơ sở vật chất, thư viện, phòng thí nghiệm,…).

 Hiện nay, do chưa có các văn bản quy định tiêu chí cụ thể để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị khi được giao quyền tự chủ, vì vậy quy chế chi tiêu nội bộ, phân phối thu nhập còn mang tính bình quân, chưa gắn với hiệu quả và chất lượng công việc để khuyến khích người lao động đạt hiệu quả, chất lượng cao nhất.

Hơn nữa, Mức thu nhập của người lao động ở các trường đại học có nguồn thu sự nghiệp lớn cao hơn rất nhiều lần so với các trường không có nguồn thu hoặc nguồn thu hạn hẹp (ví dụ: trường sư phạm, các trường đào tạo khoa học cơ bản,…); từ đó tạo ra sự bất hợp lý về thu nhập giữa những người lao động trong nội bộ của ngành giáo dục.

 Về vấn đề liên quan đến chế độ tự chủ về tổ chức bộ máy và biên chế: Mặc dù đã có Thông tư liên tịch 07/2009/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 15/4/2009 của Liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ hướng dẫn cụ thể việc trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện tổ chức và biên chế cho các đơn vị sự nghiệp công lập, nhưng trên thực tế một số cơ sở giáo dục đào tạo chưa được tự chủ đầy đủ trong việc tuyển chọn nhân sự, tổ chức bộ máy.

Sự cần thiết đổi mới cơ sở giáo dục đại học công lập

Để thực hiện thành công mục tiêu tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển GDĐH và khuyến khích các cơ sở GDĐH công lập chủ động khai thác, sử dụng hợp lý hiệu quả các nguồn lực, cần thiết phải thực hiện đổi mới cơ chế hoạt động đối với cơ sở GDĐH theo hướng nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị đào tạo, gắn với mục tiêu đảm bảo công bằng xã hội, nâng cao hiệu quả sử dụng kinh phí, gắn với chất lượng sản phẩm đầu ra.

Trong những năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để đổi mới cơ sở giáo dục đại học công lập như :Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 09/8/2012 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Thông báo kết luận của Bộ Chính trị về Đề án “Đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công” và Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nhằm khuyến khích các cơ sở GDĐH công lập chủ động khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực để nâng cao chất lượng đào tạo đại học và giảm chi cho NSNN đồng thời không làm giảm cơ hội tiếp cận GDĐH của sinh viên nghèo, sinh viên là đối tượng chính sách;

Với mục tiêu Cơ sở GDĐH công lập tự bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động chi thường xuyên và chi đầu tư được thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện, những quy định này được cụ thể hóa tại Nghị quyết 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở GDĐH công lập giai đoạn 2014-2017 với các nội dung sau:

 Về thực hiện nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học

Đối với vấn đề này, các Cơ sở GDĐH công lập được Quyết định mở ngành, chuyên ngành đào tạo theo nhu cầu xã hội khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật; xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo quy định và tổ chức tuyển sinh, bảo đảm tính công khai, minh bạch; Quyết định các hoạt động đào tạo; bảo đảm chuẩn đầu ra và thực hiện kiểm định chất lượng theo quy định; Quyết định liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo trong nước và nước ngoài trên cơ sở chương trình liên kết đã được kiểm định chất lượng; Quyết định hướng nghiên cứu; quyết định tham gia các nhiệm vụ khoa học công nghệ, dịch vụ khoa học công nghệ, tổ chức hội thảo với các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước; quyết định việc sử dụng tài sản, cơ sở vật chất và giá trị thương hiệu của nhà trường để liên doanh, liên kết thực hiện các hoạt động khoa học công nghệ, tổ chức hoạt động dịch vụ phù hợp với lĩnh vực chuyên môn; Thực hiện cung cấp dịch vụ sự nghiệp công do Nhà nước đặt hàng.

 Về tổ chức bộ máy, nhân sự

Vai trò tự chủ được thể hiện trong việc quyết định thành lập mới, sáp nhập, chia, tách, giải thể; quy định chức năng, nhiệm vụ, quy chế hoạt động của các tổ chức trực thuộc; Quyết định cơ cấu và số lượng người làm việc; tuyển dụng viên chức, nhân viên hợp đồng sau khi được Hội đồng trường thông qua; Giao kết hợp đồng lao động với giảng viên, nhà khoa học là người nước ngoài để bảo đảm nhu cầu giảng dạy, nghiên cứu khoa học.

 Chủ động trong sử dụng nguồn thu

Quyết định mức học phí bình quân (của chương trình đại trà) tối đa bằng mức trần học phí do Nhà nước quy định cộng với khoản chi thường xuyên NSNN cấp bình quân cho mỗi sinh viên công lập trong cả nước; thực hiện công khai mức học phí cho người học trước khi tuyển sinh; Quy định cụ thể và công khai những khoản thu sự nghiệp ngoài học phí theo nguyên tắc bảo đảm bù đắp chi phí và tích lũy hợp lý; Quyết định thu nhập tăng thêm của người lao động theo quy chế chi tiêu nội bộ, ngoài tiền lương ngạch, bậc theo quy định của Nhà nước;  Quyết định việc sử dụng nguồn thu của đơn vị để chi cho các hoạt động thường xuyên, bảo đảm đạt chuẩn chất lượng đầu ra theo đúng cam kết. Phần chênh lệch thu lớn hơn chi còn lại được trích lập các quỹ sau: Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp; Quỹ khen thưởng; Quỹ phúc lợi; Quỹ dự phòng ổn định thu nhập và Quỹ hỗ trợ sinh viên. Trong đó, trích tối thiểu 25% chênh lệch thu chi cho Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp. Mức trích lập các quỹ còn lại và mức trả thu nhập tăng thêm do Hiệu trưởng quyết định theo quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị; Khoản thu học phí và các khoản thu sự nghiệp khác được gửi ngân hàng thương mại.