Đổi mới về chính sách thuế và hải quan khi Việt Nam tham gia AEC

PGS.,TS. LÊ XUÂN TRƯỜNG, TS. LÝ PHƯƠNG DUYÊN

(Taichinh) - Cộng đồng kinh tế ASEAN với tên gọi tiếng Anh là ASEAN Economic Community (AEC) sẽ chính thức hình thành vào cuối năm 2015. Chính sách thuế và hải quan của Việt Nam đã thay đổi như thế nào và sẽ cần thay đổi như thế nào khi tham gia AEC để thực hiện tốt cam kết với ASEAN và để phù hợp với môi trường AEC là những vấn đề được bàn luận trong bài viết này.

Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế cũng như khu vực ASEAN luôn là chính sách nhất quán của Việt Nam những năm qua. Nguồn: internet
Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế cũng như khu vực ASEAN luôn là chính sách nhất quán của Việt Nam những năm qua. Nguồn: internet

Thỏa thuận về thuế và hải quan trong các cấp độ hội nhập quốc tế

Để thấy rõ những thay đổi của chính sách thuế và hải quan của Việt Nam trong tiến trình tham gia AEC, trước hết cần thấy rõ vai trò của các thỏa thuận về thuế và hải quan trong các cấp độ hội nhập quốc tế và AEC ở mức độ nào của hội nhập quốc tế. Các mức độ hội nhập quốc tế được tổng kết ở bảng dưới đây.

Thỏa thuận hợp tác ASEAN trước AEC là Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) và Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Nội dung cơ bản của AFTA là Chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT) với 3 vấn đề chủ yếu không tách rời nhau là cắt giảm thuế, loại bỏ các hàng rào phi thuế và hài hòa hóa các thủ tục hải quan. ATIGA là hiệp định toàn diện đầu tiên của ASEAN điều chỉnh toàn bộ thương mại hàng hóa trong nội khối và được xây dựng trên cơ sở tổng hợp các cam kết đã được thống nhất trong CEPT/AFTA cùng các hiệp định, nghị định thư có liên quan. Nguyên tắc xây dựng cam kết trong ATIGA là các nước ASEAN phải dành cho nhau mức ưu đãi tương đương hoặc thuận lợi hơn mức ưu đãi dành cho các nước đối tác. Ngoài mục tiêu xóa bỏ hàng rào thuế quan, ATIGA hướng nỗ lực chung của ASEAN để xử lý tối đa các hàng rào phi thuế quan, hợp tác hải quan và vệ sinh, kiểm dịch... đồng thời xác lập mục tiêu hài hòa chính sách giữa các thành viên ASEAN hướng đến xây dựng AEC. Với nội dung các thỏa thuận của CEPT/AFTA và ATIGA giữa các nước ASEAN có thể thấy, trong thời gian vừa qua, ASEAN đã tiến từ cấp độ khu vực mậu dịch tự do lên mức độ hợp tác cao hơn là liên minh thuế quan. Trên nền tảng đó, các nước ASEAN đã thống nhất tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao tầm liên kết và hội nhập của khu vực. Mục tiêu của AEC là xây dựng thị trường chung và cơ sở sản xuất thống nhất với các nội dung chính là dỡ bỏ hàng rào thuế quan và phi thuế quan; tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại hàng hóa; hài hòa hóa các tiêu chuẩn sản phẩm; giải quyết thủ tục hải quan nhanh chóng và thuận tiện hơn; hoàn chỉnh các quy tắc về xuất xứ; tự do lưu chuyển dòng vốn đầu tư và lao động… Điều này cũng cho thấy, thỏa thuận và tổ chức thực hiện CEPT/AFTA và ATIGA của các nước ASEAN và Việt Nam thời gian qua chính là bước chuẩn bị nền tảng quan trọng cho sự ra đời của AEC.

Quá trình điều chỉnh chính sách thuế và hải quan của Việt Nam theo cam kết với ASEAN

Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế cũng như khu vực ASEAN luôn là chính sách nhất quán của Việt Nam những năm qua. Kể từ khi chính thức ký thỏa thuận tham gia CEPT/AFTA, Việt Nam đã nghiêm chỉnh thực hiện các cam kết đã ký kế với các nước ASEAN, trong đó có các cam kết về thuế và hải quan. Cụ thể như sau:

Cắt giảm thuế quan

Trên cơ sở các thỏa thuận đã ký kết, hàng năm Bộ Tài chính đã ban hành thông tư quy định chi tiết danh mục các mặt hàng thực hiện cắt giảm thuế nhập khẩu đối với hàng hóa có xuất xứ ASEAN và cắt giảm thuế xuất khẩu theo cam kết với các nước ASEAN. Tính đến hết năm 2014, Việt Nam đã thực hiện cắt giảm thuế nhập khẩu về 0% cho gần 6.900 dòng thuế có xuất xứ ASEAN, chiếm khoảng 72% trong tổng số 9.558 dòng thuế nhập khẩu. Đặc biệt, ngày 14/11/2014, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư số 165/2014/TT-BTC công bố Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định ATIGA giai đoạn 2015 – 2018. Theo đó, từ ngày 1/1/2015, Việt Nam đã cắt giảm thêm 1.720 dòng thuế từ thuế suất hiện hành 5% xuống 0% theo cam kết ATIGA. Như vậy, chỉ còn khoảng 7% dòng thuế, tương đương 687 mặt hàng được xem là nhạy cảm theo thỏa thuận với ASEAN chưa cắt giảm ngay về 0% trong năm 2015 mà thực hiện dần đến năm 2018 (gồm các mặt hàng nhạy cảm cần có lộ trình bảo hộ dài hơn, chủ yếu như: Sắt thép, giấy, vải may mặc, ô tô, linh kiện phụ tùng ô tô, máy móc thiết bị, nguyên vật liệu xây dựng, đồ nội thất...) và 3% số dòng thuế của biểu ATIGA được loại trừ khỏi cam kết xóa bỏ thuế quan (bao gồm các mặt hàng nông nghiệp nhạy cảm được phép duy trì thuế suất ở mức 5%: Gia cầm sống, thịt gà, trứng gia cầm, quả có múi, thóc, gạo lứt, thị chế biến, đường). Thông tư 165/2014/TT-BTC cũng quy định cụ thể lộ trình cắt giảm thuế đối với 7% số mặt hàng nhạy cảm trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2018. Qua đó, đã đảm bảo rằng, đến năm 2018, ngoại trừ danh mục 3% dòng thuế trong danh mục loại trừ, toàn bộ số dòng thuế còn lại được thực hiện cắt giảm đúng cam kết ATIGA.

Hài hòa hóa mã hàng hóa

Để đảm bảo thuận lợi cho giao thương hàng hóa và thực hiện thỏa thuận với ASEAN, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về phân loại và xác định mã hàng hóa. Bằng việc ban hành Thông tư số 49/2010/ TT-BTC ngày 12/4/2010 hướng dẫn việc phân loại, áp dụng mức thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, Bộ Tài chính đã tiến một bước dài trong việc đưa các quy định về hải quan của Việt Nam gần hơn với các thông lệ quốc tế và theo thỏa thuận ASEAN. Theo đó, danh mục biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam được xây dựng trên cơ sở Danh mục Biểu thuế quan hài hoà ASEAN (AHTN). Đây là danh mục hàng hoá của các nước ASEAN được xây dựng trên cơ sở Hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa (HS) của Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO). Tuy vậy, qua quá trình tổ chức thực hiện, Thông tư 49/2010/TT-BTC đã bộc lộ những hạn chế, bất cập nhất định, thể hiện chủ yếu ở những thủ tục phân tích, phân loại; hồ sơ để tiến hành phân tích, phân loại và giám định mã hàng.

Với sự ra đời của Luật Hải quan năm 2014, nhiều bất cập trong lĩnh vực hải quan đã được giải quyết triệt để. Đây cũng là nền tảng để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện quy định về phân loại hàng hóa. Trên cơ sở Luật Hải quan 2014 và các luật, nghị định có liên quan, ngày 30/1/2015 vừa qua, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 14/2015/TT-BTC hướng dẫn về phân loại hàng hóa, phân tích để phân loại hàng hóa, phân tích để kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Văn bản này thể hiện quyết tâm rất cao của Việt Nam trong thực hiện cam kết về thuế và hải quan hướng đến thành lập AEC cuối năm 2015. Theo đó, đã sửa đổi những bất cập phát sinh trong phân loại hàng hóa thời gian qua. Đồng thời, đảm bảo tuân thủ triệt để Công ước quốc tế về hài hòa mô tả mã hàng hóa của WCO và kết hợp xử lý toàn diện các vấn đề có liên quan đến thủ tục đối với dòng luân chuyển hàng hóa giữa ASEAN và Việt Nam.

Tham gia thử nghiệm cơ chế hải quan một cửa ASEAN

Những năm gần đây Việt Nam đã thực hiện thành công cơ chế hải quan một cửa quốc gia gắn với quá trình cải cách và hiện đại hóa hải quan. Theo đó, Việt Nam đã ban hành hàng loạt văn bản pháp luật nhằm đơn giản hóa thủ tục hải quan và thí điểm thực hiện thủ tục hải quan điện tử. Từ ngày 1/4/2014, Việt Nam đã chính thức áp dụng trên diện rộng phương thức thông quan điện tử với sự vận hành của hệ thống VNACCS/VCIS.

Trên cơ sở đó, Việt Nam đã tham gia tích cực vào hoạt động hợp tác hải quan với các nước. Theo đó, Việt Nam là một trong 7 quốc gia thuộc ASEAN thử nghiệm áp dụng Cơ chế hải quan một cửa ASEAN (ASEAN Single Window - ASW). Mục tiêu của ASW là đẩy nhanh thời gian thông quan hàng hóa trong bối cảnh hội nhập ASEAN bằng cách đơn giản hóa, minh bạch hóa thủ tục hải quan trên cơ sở trao đổi thông tin đáng tin cậy và an toàn qua phương tiện điện tử. Như vậy, thay vì phải qua 2 lần làm thủ tục của hải quan 2 nước thì ASW cho phép điều này chỉ diễn ra một lần nhưng vẫn đảm bảo sự kiểm soát của hải quan 2 nước. Đến năm 2014, Việt Nam và 6 nước khác tham gia thử nghiệm đã kết nối thành công cổng ASW về trao đổi dữ liệu điện tử giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu D và tờ khai hải quan điện tử.

Điều chỉnh hệ thống thuế nội địa

Tuy không trực tiếp nằm trong nội dung cam kết với ASEAN, song trong những năm qua, hệ thống thuế nội địa cũng cần và đã được điều chỉnh phù hợp với các cam kết về thuế của Việt Nam với ASEAN, WTO và các cam kết quốc tế khác. Quá trình điều chỉnh ấy nhằm các mục tiêu chủ yếu sau đây: (i) Làm cho hệ thống thuế Việt Nam phù hợp với các thông lệ quốc tế; (ii) Đơn giản hóa và minh bạch hóa hệ thống thuế để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển; (iii) Xác định mức động viên hợp lý, đảm bảo số thu cho ngân sách để thực hiện các nhiệm vụ chi ngân sách phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Nhìn lại quá trình cải cách hệ thống thuế những năm qua, về cơ bản, các mục tiêu nêu trên đã được hiện thực hóa. Cụ thể như sau:

- Từng bước sửa đổi các sắc thuế chủ yếu trong hệ thống thuế theo hướng mở rộng cơ sở thuế để bao quát nguồn thu và tăng thu hợp lý bù lại cho sự suy giảm nguồn thu từ thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Theo đó, đã thu hẹp đáng kể diện miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; mở rộng đối tượng các hàng hóa, dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; thu hẹp đối tượng hàng hóa, dịch vụ không thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng.

- Điều chỉnh hợp lý thuế suất của các sắc thuế trong hệ thống thuế để vừa khoan sức dân, vừa đảm bảo số thu cho ngân sách nhà nước. Theo đó, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông đã nhiều lần được điều chỉnh giảm từ mức 32% đối với doanh nghiệp trong nước và 25% đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thống nhất thành một mức 25% (năm 2004), xuống 22% (năm 2014) và sẽ giảm tiếp xuống 20% vào năm 2016. Thuế thu nhập cá nhân từ mức cao nhất là 50% giảm xuống còn 35% (2009). Điều chỉnh tăng hoặc giảm thuế suất của nhiều mặt hàng trong biểu thuế tiêu thụ đặc biệt để đảm bảo điều tiết hợp lý thu nhập và thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội khác của Nhà nước.

- Ban hành thuế sử dụng đất phi nông nghiệp thay thế cho thuế nhà đất (có hiệu lực từ 1/1/2012) với những thay đổi cơ bản về căn cứ tính thuế theo hướng đảm bảo tính thuế phù hợp với khả năng sinh lợi của đất và thúc đẩy sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả.

- Ban hành sắc thuế mới - thuế bảo vệ môi trường (có hiệu lực từ 1/1/2012) nhằm buộc các nhà sản xuất sản phẩm gây ô nhiễm hoặc nhập khẩu sản phẩm gây ô nhiễm môi trường phải tính đủ chi phí xã hội vào giá thành sản phẩm; tạo nguồn thu bổ sung để Nhà nước thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường.

- Ban hành Luật Quản lý thuế (có hiệu lực thi hành từ 1/7/2007) nhằm thống nhất các quy định pháp luật về quản lý thuế và tạo nền tảng pháp lý thực hiện minh bạch hóa và đơn giản hóa các thủ tục quản lý thuế. Đặc biệt, trong 2 lần sửa đổi, bổ sung gần đây (Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế năm 2012 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế năm 2014), nhiều thay đổi về thuế đã hướng mạnh đến cắt giảm thủ tục về thuế với mục tiêu giảm thời gian thực hiện để người nộp thuế thực hiện các thủ tục về thuế ở Việt Nam tương đồng với các nước ASEAN. Năm 2014 đã giảm thời gian làm thủ tục về thuế từ 872 giờ xuống còn 537 giờ và phấn đấu xuống còn 171 giờ vào năm 2015.

Đến hết năm 2014, Việt Nam đã thực hiện cắt giảm thuế nhập khẩu về 0% cho gần 6.900 dòng thuế có xuất xứ ASEAN, chiếm khoảng 72% trong tổng số 9.558 dòng thuế nhập khẩu. Từ ngày 1/1/2015, Việt Nam đã cắt giảm thêm 1.720 dòng thuế từ thuế suất hiện hành 5% xuống 0% theo cam kết của Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN.

Tiếp tục hoàn thiện chính sách thuế và hải quan trong môi trường AEC

Những phân tích trên cho thấy, việc sửa đổi hệ thống thuế và hải quan thông qua cam kết cắt giảm thuế quan, thủ tục hải quan… chính là bước đi nền tảng để tiếp tục thực hiện các thỏa thuận khác về kinh tế nhằm hình thành AEC. Như vậy, có thể thấy các thỏa thuận về thuế và hải quan đã đi trước một bước tạo tiền đề để xây dựng một Cộng đồng ASEAN thống nhất. Trong môi trường AEC, lĩnh vực thuế và hải quan tiếp tục được cam kết nâng cao hơn nữa nhằm tạo điều kiện đảm bảo tự do hóa thương mại hàng hóa, tự do di chuyển vốn đầu tư và lao động trong khối ASEAN. Các nội dung chính Việt Nam đã thỏa thuận và cần thực hiện cũng như cần tìm cách thức thực hiện hợp lý nhất để mang lại lợi ích quốc gia trong môi trường AEC gồm các vấn đề cơ bản là: Tiếp tục mở rộng danh mục cắt giảm thuế quan để đến năm 2018 có 97,3% số dòng thuế nhập khẩu của các nước trong khối được đưa về mức 0%; thống nhất nguyên tắc áp dụng xuất xứ ASEAN để thực hiện cam kết cắt giảm thuế quan; áp dụng hệ thống tự động cấp giấy chứng nhận xuất xứ; áp dụng cơ chế hải quan một cửa ASEAN không chỉ với dữ liệu C/O điện tử mẫu D và tờ khai hải quan điện tử mà với toàn bộ hồ sơ hải quan.

Để chủ động, tích cực và tham gia thành công AEC với những nội dung chủ yếu nêu trên, trong thời gian tới có nhiều việc phải làm nhằm hoàn thiện chính sách thuế và hải quan, trong đó có những vấn đề cơ bản sau đây:

Một là, như đã nêu trên để thực hiện cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu với ASEAN, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư số 165/2014/TT-BTC công bố Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định ATIGA giai đoạn 2015 – 2018. Như vậy, toàn bộ cam kết cắt giảm đã được thể hiện bằng văn bản quy phạm pháp luật và việc đầu tiên phải làm là chúng ta phải nghiêm túc thực hiện, không thay đổi lộ trình đã công bố. Việc quan trọng tiếp theo phải làm là xử lý hệ thống thuế nội địa để bổ sung cho việc thực hiện giảm thuế theo lộ trình đến năm 2018 đối với những mặt hàng nhạy cảm, trong đó, đặc biệt là những mặt hàng sẽ giảm mạnh thuế nhập khẩu như ô tô, xe máy. Nghiên cứu điều chỉnh tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô, xe máy và một số mặt hàng khác ở mức hợp lý và mở rộng diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là một giải pháp cần nghĩ đến để bổ sung cho sự suy giảm nguồn thu của thuế nhập khẩu. Điều chỉnh tăng mức thu thuế bảo vệ môi trường và danh mục các hàng hóa chịu thuế bảo vệ môi trường cũng là một hướng cần nghiên cứu nhằm đảm bảo nguồn thu từ thuế. Điều chỉnh giảm số lượng các nhóm hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng từ 25 nhóm hiện nay xuống còn khoảng 10 nhóm như thông lệ quốc tế cũng có tác động mở rộng cơ sở thuế giá trị gia tăng nhằm tăng thu hợp lý. Thêm vào đó, mức thuế suất thuế giá trị gia tăng hiện hành còn khá thấp, có thể nghiên cứu tăng lên trong thời gian tới. Trong khu vực Đông Nam Á thì Lào, Thái Lan, Indonesia đều có lựa chọn thuế suất thuế giá trị gia tăng tiêu chuẩn là 10%, còn ở một số nước áp dụng duy nhất một mức thuế suất thuế giá trị gia tăng thì mức thuế thường từ 12% đến 20%. Trước mắt, cần đưa một số nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc nhóm 5% lên 10%. Sau đó, cần nghiên cứu nâng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng tiêu chuẩn lên trên 10%. Mức nâng cụ thể bao nhiêu cần được tính toán dựa trên các số liệu cụ thể về tác động đến thu ngân sách, giá cả hàng hóa, dịch vụ và các biến số kinh tế vĩ mô khác.

Hai là, tiếp tục đồng bộ hóa hệ thống pháp luật về hải quan để hướng dẫn thực hiện Luật Hải quan 2014 và thể chế hóa thành các văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện quy trình để tổ chức thực hiện các thỏa thuận về xuất xứ ASEAN, hệ thống tự động cấp giấy chứng nhận xuất xứ và các thủ tục hải quan điện tử, kiểm tra sau thông quan trong môi trường ASW… là những công việc quan trọng cần làm trong thời gian càng sớm càng tốt để đảm bảo thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận với ASEAN trong khuôn khổ AEC.

Ba là, tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để đảm bảo tính thống nhất và minh bạch của chính sách thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu cũng như cả hệ thống thuế và quản lý thuế. Theo đó, cần rà soát toàn bộ các văn bản pháp luật về thuế để sửa đổi những nội dung mâu thuẫn giữa với các văn bản pháp luật khác và những nội dung không rõ ràng có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau, giảm đến mức thấp nhất các trường hợp ngoại lệ trong quy định pháp luật thuế.

Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính thuế và hải quan. Cải cách hành chính thuế và hải quan mà trọng tâm là đơn giản hóa và minh bạch hóa thủ tục thuế và thủ tục hải quan đã được Chính phủ xác định là trọng tâm công tác năm 2014 và những năm tiếp theo. Chủ trương này cần tiếp tục được quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc trong thời gian tới.

Tóm lại, những cam kết về thuế và hải quan ở Việt Nam thời gian qua là bước đi quan trọng đầu tiên để Việt Nam hội nhập khu vực ASEAN và với những điều chỉnh hợp lý trong thời gian tới, chính sách thuế và hải quan chắc chắn sẽ góp phần tích cực để Việt Nam trở thành một thành viên tiêu biểu trong Cộng đồng kinh tế ASEAN.

Tài liệu tham khảo:

1. Ban Thư ký ASEAN (2011): Sổ tay kinh doanh trong Cộng đồng kinh tế ASEAN, Jakarta, 11/2011;

2. Hà Văn Hội (2013): “Tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN và những tác động đến thương mại quốc tế của Việt Nam”, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, tập 29, số 4 – 2013.