Động lực mới cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp

PV.

Hiện nay, việc tiếp tục phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp được coi là đã đến thời điểm chín muồi. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 22/2016/TT-NHNN quy định việc việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) mua trái phiếu doanh nghiệp được đánh giá là động lực mới để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Những điểm mới của Thông tư 22

Theo quy định của Thông tư 22/2016/TT-NHNN, việc mua trái phiếu doanh nghiệp của TCTD phải tuân thủ 5 nguyên tắc: việc mua trái phiếu doanh nghiệp của TCTD được thực hiện theo quy định tại Luật các TCTD, Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, Thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan; TCTD mua trái phiếu doanh nghiệp phải có hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ, xếp hạng doanh nghiệp phát hành trai phiếu và ban hành quy định nội bộ về mua trái phiếu doanh nghiệp phù hợp quy định tại Thông tư này; việc mua trái phiếu chuyển đổi phải thực hiện theo quy định của Luật các TCTD và hướng dẫn của NHNN Việt Nam về góp vốn, mua cổ phần; đồng tiền thực hiện trong giao dịch mua trái phiếu doanh nghiệp là đồng Việt Nam; không được vay vốn của TCTD khác để mua trái phiếu doanh nghiệp.

Không những thế, Thông tư 22 còn quy định rõ về giới hạn mua trái phiếu doanh nghiệp cũng như về Hệ số rủi ro, trích lập dự phòng và xử lý rủi ro đối vói số dư mua trái phiếu doanh nghiệp.

Theo đó, tổng số dư mua trái phiếu doanh nghiệp được tính vào tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng, đối với một khách hàng và người có liên quan theo quy định tại Điều 128 Luật các TCTD và quy định của NHNN Việt Nam về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD.

TCTD quy định cụ thể các giới hạn mua trái phiếu doanh nghiệp: Mua trái phiếu của một doanh nghiệp phát hành; mua trái phiếu của một doanh nghiệp phát hành và doanh nghiệp liên quan phát hành; mua trái phiếu doanh nghiệp có bảo đảm, không có bảo đảm; mua trái phiếu doanh nghiệp với mục đích để bán, để đầu tư và giữ đến ngày đáo hạn. Hệ số rủi ro đối với số dư mua trái phiếu doanh nghiệp được thực hiện theo quy định của NHNN Việt Nam về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt độngcủa TCTD.

Tiếp đà phát triển cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Với những nội dung mới của Thông tư 22 quy định tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua trái phiếu DN được kỳ vọng sẽ góp phần hỗ trợ cho thị trường trái phiếu DN phát triển chuyên nghiệp, minh bạch hơn.

Theo chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực, với nhiều nội dung mới mà thông tư của NHNN vừa ban hành đã khắc phục được “khoảng trống” lớn hiện hành là chưa có quy định về việc mua trái phiếu DN giữa tổ chức tín dụng nước ngoài với cá nhân, tổ chức không phải là tổ chức tín dụng nước ngoài trên thị trường thứ cấp. Điểm mới này được kỳ vọng sẽ góp phần hỗ trợ cho thị trường trái phiếu DN phát triển chuyên nghiệp, minh bạch hơn.

Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đánh giá, các loại trái phiếu DN được mua bao gồm: Trái phiếu phát hành theo quy định của pháp luật về phát hành trái phiếu DN; Trái phiếu phát hành theo quy định của pháp luật về chào bán chứng khoán ra công chúng.

Về giới hạn mua trái phiếu DN, tổng số dư mua trái phiếu DN được tính vào tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan theo quy định tại Điều 128 Luật các tổ chức tín dụng và quy định của NHNN về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Theo ông Nguyễn Đình Tùng – TGĐ ngân hàng Phương Đông (OCB), với việc ban hành Thông tư này có thể thấy, sự quan tâm đối với trái phiếu DN phần lớn thuộc về nhà đầu tư tổ chức là ngân hàng. Nhưng trong dài hạn sẽ có các quỹ đầu tư nước ngoài tham gia, thậm chí cả các nhà đầu tư cá nhân. Bởi so với các công cụ đầu tư khác, mặc dù có những rủi ro nhất định, song trái phiếu DN an toàn hơn so với các công cụ tài chính khác.

Phần lớn trái phiếu DN hiện nay là trái phiếu có tài sản đảm bảo, nhưng khả năng trong tương lai sẽ có nhiều loại trái phiếu, trong đó có trái phiếu không tài sản đảm bảo. Dĩ nhiên, loại trái phiếu không tài sản đảm bảo sẽ rủi ro hơn. Tuy nhiên, xét về kinh tế vĩ mô, nếu nền kinh tế phát triển tốt, bản thân DN cũng phát triển thì mức độ an toàn sẽ cao hơn.

Rõ ràng, với động thái nhìn từ việc ban hành Thông tư của NHNN, cho thấy cần thiết phải phát triển thị trường trái phiếu DN, bởi đây là một sản phẩm quan trọng, có thể thay thế được sản phẩm truyền thống của ngân hàng…

Theo đánh giá của các chuyên gia, bên cạnh vai trò chủ đạo của trái phiếu Chính phủ, trái phiếu DN có quy mô nhỏ hơn nhưng hứa hẹn nhiều tiềm năng để thu hút vốn các nhà đầu tư cá nhân tham gia, từ đó phát triển thị trường trái phiếu thứ cấp.