Dự án sửa đổi Luật Quản lý thuế đã tiệm cận thông lệ quốc tế

Theo Thúy Nga/tapchithue.com.vn

Tại hội thảo lấy ý kiến về đề cương xây dựng Luật Quản lý thuế sửa đổi do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 5/12, nhiều ý kiến đánh giá, dự thảo đã thể hiện tinh thần đổi mới, hướng đến mục tiêu thực hiện chính sách thuế minh bạch, đơn giản và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Toàn cảnh hội thảo. Nguồn: Internet
Toàn cảnh hội thảo. Nguồn: Internet
Giới thiệu về một số nội dung dự kiến sửa đổi trong dự thảo tờ trình xây dựng Luật Quản lý thuế, ông Lưu Đức Huy -  Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Tổng cục Thuế) cho biết, sau gần 10 năm thực hiện, Luật Quản lý thuế đã tạo khung pháp lý cơ bản, thống nhất chính sách quản lý thu thuế, đồng bộ với các luật thuế và thông lệ quốc tế.
Nhờ đó, đã tạo điều kiện thay đổi phương thức quản lý theo hướng cho phép người nộp thuế tự tính, tự khai, tự nộp và tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế. Bên cạnh đó, Luật Quản lý thuế được đánh giá là bước tiến quan trọng, nâng cao tính minh bạch, kiểm tra, giám sát của Nhà nước, tạo cơ sở pháp lý để ngành thuế thực hiện nhiệm vụ thu đúng, thu đủ.
Mặc dù vậy, Luật Quản lý thuế chưa tạo điều kiện pháp lý đầy đủ cho việc quản lý thuế điện tử trong bối cảnh phát triển của thương mại điện tử; hội nhập kinh tế quốc tế; cũng như các quy định về thủ tục từ đăng ký, khai, nộp, ấn định đến hoàn, miễn, giảm, xoá nợ tiền thuế. Do đó, ông Huy cho rằng, cần thiết phải sửa đổi luật phù hợp với tình hình thực tế, vừa để nâng cao hiệu quả quản lý, vừa chống thất thu ngân sách. 
Đánh giá về dự thảo tờ trình đề nghị xây dựng Luật Quản lý thuế sửa đổi, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI nhấn mạnh, trong dự thảo có những quy định rất quan trọng, tác động trực tiếp tới cộng đồng doanh nghiệp như việc thúc đẩy giao dịch điện tử, hóa đơn điện tử, hoàn thuế điện tử, kê khai và kế toán thuế.
Theo đó, ban soạn thảo và Tổng cục Thuế đã cầu thị, cởi mở trong việc lấy ý kiến của doanh nghiệp và các đối tượng bị tác động. Với cách làm công khai, minh bạch như vậy đã phần nào đáp ứng được nhu cầu, mong muốn thay đổi của các doanh nghiệp.
Đồng tình với quan điểm này, bà Hà Thị Tường Vy – Tổng thư ký Chi hội kế toán hành nghề Việt Nam (VICA) nhận xét, nội dung tờ trình đã đổi mới theo hướng xác định vấn đề, mục tiêu giải quyết, giải pháp và đánh giá tác động của giải pháp.
Điểm nổi bật là trong từng nội dung đều có sự so sánh giữa thực trạng của Việt Nam với kinh nghiệm quốc tế. Các nội dung về báo cáo chi phí thuế, quản lý thuế thương mại điện tử, giao dịch liên kết trong tờ trình đã thể hiện tinh thần hướng đến mục tiêu thực hiện chính sách thuế minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế. 
Một trong những nội dung được doanh nghiệp quan tâm nhiều nhất trong dự thảo tờ trình lần này là đề xuất cơ quan thuế thu các khoản bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc. Theo bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam, đề xuất này không phải mới mà đã được Chính phủ đề cập từ nhiều năm trước.
Để thực hiện,  cơ quan thuế sẽ làm thủ tục hướng dẫn để thu hộ vào một tài khoản nằm ngoài NSNN rồi chuyển cho cơ quan BHXH quản lý. Như vậy, những thủ tục hướng dẫn, kê khai, kiểm soát thu nộp chỉ cần chuyển từ cơ quan BHXH sang cơ quan thuế. 
Bên cạnh đó, một số quy định tại dự thảo vẫn còn ý kiến băn khoăn. Đơn cử đối với quy định về hồ sơ khai thuế, trong đó có giải pháp bỏ tờ khai quyết toán thuế và lồng ghép khai quyết toán thuế vào báo cáo tài chính, bà Vy cho rằng, việc này sẽ dẫn đến sự không độc lập giữa công tác kế toán, lập báo cáo tài chính và kê khai thuế.
Về bản chất, báo cáo kết quả hoạt động SXKD chỉ là phần trong phụ lục kèm theo quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), nên không thể thay thế được quyết toán thuế. Việc thay đổi các mẫu biểu không cần thiết sẽ làm gia tăng chi phí cho NSNN và doanh nghiệp. Do đó, bà Vy đề nghị quy định này nên giữ nguyên như hiện hành.
Với quy định tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục thuế sẽ được phép cung cấp dịch vụ kế toán thuế và rà soát các sổ sách kế toán, báo cáo tài chính theo đại diện VICA là chưa rõ ràng. Bởi công việc này chỉ là một trong nhiều nội dung của dịch vụ kế toán và là một trong nhiều nội dung công việc kế toán của doanh nghiệp. 
Dưới góc độ doanh nghiệp, bà Phạm Thu Trang - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam đề xuất, ban soạn thảo có thể xem lại quy định về hồ sơ khai thuế tạm tính theo quý; đồng thời và xem xét sửa đổi quy định về thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế.
Theo đó, thời hạn nộp tờ khai quyết toán thuế năm thuế TNDN nên là 90 ngày kể từ sau thời hạn nộp báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Thời hạn nộp thông tin, hồ sơ giao dịch liên kết nên là 180 ngày (hoặc 1 năm) kể từ sau thời hạn nộp báo cáo tài chính của doanh nghiệp.