Dự thảo Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí (sửa đổi): Lãng phí có thể truy cứu hình sự

Theo ĐTTC

Bộ Tài chính đang hoàn thiện và chuẩn bị trình Chính phủ dự thảo Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí (sửa đổi). Việc sửa đổi luật lần này hướng tới mục tiêu khắc phục những tồn tại hạn chế của luật hiện hành. Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung đã có cuộc trao đổi xung quanh vấn đề này.

Dự thảo Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí (sửa đổi): Lãng phí có thể truy cứu hình sự - Ảnh 1
Thứ trưởng Bộ Tài chính
Trương Chí Trung
Phóng viên: Theo thống kê của ngành thanh tra, cả nước có hơn 500 cơ quan nhà nước vi phạm về đất đai với diện tích hơn 2.400ha. Còn theo kết quả thanh tra 5 tập đoàn lớn, đã phát hiện sai phạm trên 30.000 tỷ đồng. Và từ năm 2007 đến tháng 10-2011, qua thẩm tra phê duyệt quyết toán vốn đầu tư của hơn 180.000 dự án, đã phát hiện, giảm trừ các khoản đề nghị quyết toán không đúng hơn 5.800 tỷ đồng… Những số liệu dẫn chứng trên cho thấy kể từ sau khi Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí ra đời cách đây 7 năm, tình trạng lãng phí vẫn diễn biến phức tạp và dường như không có sự chuyển biến?

Thứ trưởng Trương Chí Trung: Đúng là tình trạng lãng phí vẫn diễn biến phức tạp, nhưng không thể khẳng định là không có chuyển biến. Thực tế 7 năm thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí, cho thấy kết quả thực hành tiết kiệm rất rõ nét, tương ứng với kết quả ấy là một bộ phận lãng phí đã được ngăn chặn để không xảy ra. Các sai phạm gây ra lãng phí vừa qua được phát hiện thông qua hoạt động của các ngành chức năng cũng thể hiện phần nào việc chúng ta đang tích cực đấu tranh phòng, chống lãng phí.

Việc sửa đổi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sắp tới sẽ tạo điều kiện để phát hiện sớm lãng phí, ngăn chặn ngay từ đầu không để xảy ra chuyện đã rồi bằng một loạt cơ chế, giải pháp luật định. Bao gồm cả chế tài nghiêm ngặt hơn, xử lý quyết liệt hơn, bảo đảm nguyên tắc ở đâu để xảy ra lãng phí, ở đấy người đứng đầu, người quản lý sử dụng phải chịu trách nhiệm, từ bồi thường đến kỷ luật, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự. Khi ấy chắc chắn tình hình sẽ chuyển biến tích cực hơn.

Phóng viên: Tháng 5/2007, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 59 cho phép các chức danh từ tương đương Thứ trưởng trở xuống được khoán xe công. Tuy nhiên, thực tế việc này hầu như không thực hiện được. Xin Thứ trưởng cho biết nguyên nhân?

Thứ trưởng Trương Chí Trung: Trước tiên phải khẳng định rằng đây là một chủ trương đúng của Chính phủ. Tuy nhiên, vì lẽ này, lẽ khác nên chưa được áp dụng phổ biến. Theo tôi có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do cơ chế khoán xe công còn rất mới và chưa được hoàn thiện, chưa phải là quy định bắt buộc thực hiện. Bên cạnh đó, việc áp dụng cơ chế mới thay đổi tập quán, thói quen từ nhiều năm đòi hỏi phải có một quá trình từ nâng cao nhận thức đến bố trí sắp xếp người lao động làm việc tại các đoàn xe, đội xe, sang hình thức làm việc mới.

Đồng thời, phải có thêm những thuận lợi về tổ chức giao thông công cộng, đường sá không quá ách tắc, công cuộc cải cách hành chính có kết quả, từ đó giảm tải công việc đột xuất... Những yếu tố này không do cơ quan, đơn vị có người thuộc đối tượng sử dụng xe công quyết định, mà do nhiều cấp, ngành cùng vào cuộc. Tuy nhiên, tôi cho rằng cùng với việc hoàn thiện cơ chế, chúng ta sẽ đưa vào áp dụng rộng rãi trong thời gian sắp tới, kết quả tin rằng sẽ khả quan hơn rất nhiều.

Phóng viên: Trong dự thảo luật có đề cập đến việc làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu. Nhưng thực tế đây là việc làm không dễ dàng, chẳng hạn cấp phòng lãng phí, trách nhiệm đứng đầu sẽ là vụ trưởng, thứ trưởng hay bộ trưởng. Xin ông cho biết làm thế nào để quy định này có tính khả thi cao?

Thứ trưởng Trương Chí Trung: Để phân định rõ trách nhiệm trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, dự thảo luật sửa đổi đã quy định riêng một điều về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức và một điều về trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Theo đó, người đứng đầu sẽ phải chịu trách nhiệm giải trình và trách nhiệm cá nhân về việc để xảy ra lãng phí trong cơ quan, tổ chức mình.

Đối với cán bộ, công chức, viên chức sẽ phải giải trình và chịu trách nhiệm cá nhân về việc để xảy ra lãng phí thuộc phạm vi công việc của mình. Việc xác định người đứng đầu không khó bởi người đứng đầu đề cập đến trong luật được xác định rõ là người có thẩm quyền trách nhiệm quyết định, quản lý sử dụng tài sản. Ở cơ quan, đơn vị nào cũng có những quy định về thẩm quyền trách nhiệm đối với từng cấp lãnh đạo và đều xác định được người đứng đầu liên quan khi xem xét xử lý trách nhiệm. 

Phóng viên: Theo dự thảo luật, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng được quy định đối với việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản, vật tư, nguyên liệu và lao động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp ngoài quốc doanh, người dân. Quy định này được nhìn nhận khó có tính khả thi, thưa ông?

Thứ trưởng Trương Chí Trung: Không hoàn toàn như vậy, bởi xét về bản chất đối với mỗi doanh nghiệp và người dân, tiết kiệm là yêu cầu sống còn, yêu cầu tự thân, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay. Những quy định tại dự thảo luật trước hết hướng đến mục tiêu tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất, kinh doanh của mọi thành phần kinh tế.

Qua đó làm rõ hơn thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là trách nhiệm của toàn xã hội, không chỉ là trách nhiệm riêng của những tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi, đối với khu vực doanh nghiệp, người dân, mức độ điều chỉnh thực hành tiết kiệm quy định tại dự thảo luật khác nhau, theo nguyên tắc “cứng” về mặt pháp luật và “mềm” trong vận động, thuyết phục để họ chủ động thực hiện. Với doanh nghiệp nhà nước, vấn đề này đặt ra nghiêm ngặt hơn vì liên quan trực tiếp đến tài sản nhà nước phải quản lý, sử dụng.

Theo đó, dự thảo Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí (sửa đổi) xác định chỉ tiêu tiết kiệm đã đăng ký là cơ sở để chủ sở hữu xem xét, đánh giá xếp loại doanh nghiệp, đánh giá và khen thưởng - kỷ luật lãnh đạo doanh nghiệp.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông.