Dự thảo Quy chế tổ chức đối thoại với doanh nghiệp: Cần thống nhất nội dung, chương trình

Theo Báo Hải quan

(Tài chính) Tham gia góp ý xây dựng dự thảo Quy chế tổ chức đối thoại với doanh nghiệp (DN) của cơ quan Hải quan, một số ý kiến của các đơn vị Hải quan địa phương cho rằng, Ban soạn thảo cần thống nhất các quy định, nhất là quy định trưng cầu vướng mắc của DN trước hội nghị và thành phần khách mời tham gia.

 Dự thảo Quy chế tổ chức đối thoại với doanh nghiệp: Cần thống nhất nội dung, chương trình
Đối thoại với DN là hoạt động thường niên của ngành Tài chính, Hải quan. Nguồn: Internet

Khó tổng hợp vướng mắc trước hội nghị

Tham gia góp ý về dự thảo Quy chế, Cục Hải quan Đồng Tháp cho rằng, đối với quy định tại Khoản 2, Điều 7, cần tổng hợp các vướng mắc, khó khăn của DN để trả lời cho các DN ngay trong hội nghị, trao đổi trực tiếp về ý kiến trả lời của cơ quan Hải quan đối với DN các nội dung trong thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên.

Cũng tại Điểm b, Khoản 5, Điều 7, Cục Hải quan Đồng Tháp đề nghị: Trước khi khai mạc hội nghị đối thoại, Cục Hải quan tỉnh, thành phố lập danh sách các DN được mời tham dự hội nghị, ít nhất 15 ngày gửi giấy mời tới khách tham dự, đồng thời trưng cầu ý kiến về các khó khăn, vướng mắc để DN chủ động thời gian báo cáo vướng mắc và gửi phản hồi về Cục trước 10 ngày tổ chức hội nghị. Cục Hải quan tỉnh, thành phố có thời gian tổng hợp nội dung vướng mắc, kiến nghị, các câu hỏi của DN báo cáo Tổng cục Hải quan trong thời hạn 10 ngày trước khi tổ chức hội nghị.

Về vấn đề này, Cục Hải quan Bình Dương lại cho rằng, tổng hợp vướng mắc, kiến nghị của các DN trước hội nghị, chuẩn bị tài liệu có các nội dung vướng mắc của DN trước hội nghị quy định tại Điều 7 sẽ khó thực hiện. Bởi các DN không chủ động gửi câu hỏi, vướng mắc về Cục trước khi hội nghị diễn ra mặc dù Cục Hải quan đã đôn đốc, nhắc nhở mà DN chỉ nêu câu hỏi trực tiếp trong hội nghị đối thoại. Do đó, Cục Hải quan không thể tổng hợp trước các vướng mắc và soạn thảo thành tài liệu “hỏi - đáp” trước như quy định.

Theo kinh nghiệm tổ chức hội nghị đối thoại DN tại Cục Hải quan Cao Bằng trong mấy năm vừa qua, các DN đều không có vướng mắc về chính sách và thái độ phục vụ của cán bộ công chức Hải quan. Do đó, tại Điều 6 của dự thảo quy định về việc tổ chức đối thoại thường xuyên, Hải quan Cao Bằng cho rằng, đối với các Cục Hải quan tỉnh nếu phía DN không có ý kiến vướng mắc, phát sinh liên quan đến chính sách pháp luật Nhà nước về hải quan, hoặc có nhưng đã được phía cơ quan Hải quan trả lời, giải đáp thỏa đáng, kịp thời trong ngày thì không cần phải tổ chức đối thoại thường xuyên (tránh lãng phí) hoặc nên quy định tổ chức đối thoại ít nhất 1 lần/năm.

Bởi theo Cục Hải quan Cao Bằng: Thực tế tại một số cục Hải quan các tỉnh lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu số lượng phát sinh ít, chủ yếu là các mặt hàng truyền thống. Khi thực hiện làm thủ tục hải quan hàng ngày, DN phát sinh vướng mắc, cán bộ công chức Hải quan đã tư vấn, giải đáp kịp thời.

Thu gọn thành phần khách mời

Quy định tại Điểm b, Khoản 5, Điều 7, đối với khách mời tham dự hội nghị đối thoại là đại diện “Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đại diện vụ, cục, đơn vị thuộc, trực thuộc có liên quan của Tổng cục Hải quan”. Theo Cục Hải quan Bình Dương, không nhất thiết phải có đại diện của các sở, ban, ngành tham gia mà tùy vào tình hình thực tế, các nội dung câu hỏi của DN nếu có liên quan thì Cục Hải quan tỉnh sẽ chủ động mời đại diện sở, ban, ngành liên quan đến tham dự đối thoại.

Bởi thực tế trong thời gian qua, tại những hội nghị đối thoại do Cục Hải quan Bình Dương tổ chức, các DN chỉ đặt câu hỏi có nội dung xoay quanh các vấn đề về chính sách, thủ tục và những quy định liên quan đến lĩnh vực hải quan, không đề cập đến các vấn đề của lĩnh vực khác.

Cũng theo Cục Hải quan Cao Bằng, quy định khách mời là VCCI, đại diện vụ, cục, đơn vị thuộc, trực thuộc có liên quan của Tổng cục Hải quan chỉ nên áp dụng đối với hội nghị cấp Cục tại một số hải quan tỉnh, thành phố lớn, có lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu đa dạng, tỷ trọng kim ngạch lớn, số lượng DN tham gia hoạt động xuất nhập khẩu nhiều, có số thu hàng năm chiếm tỷ trọng lớn của toàn Ngành, thường xuyên vướng mắc về chính sách trong khi làm thủ tục như: Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai hoặc nơi có chi nhánh VCCI. Còn đối với các cục Hải quan khác sau khi đối thoại báo cáo kịp thời kết quả và những vướng mắc vượt thẩm quyền (nếu có) về Tổng cục Hải quan để xin ý kiến giải quyết.

Cũng góp ý về vấn đề này, Cục Hải quan Gia Lai-Kom Tum cho rằng, quy định thành phần khách mời tham dự hội nghị đối thoại cấp cục cần được cụ thể như “tùy theo đặc điểm và quy mô của mỗi cục có thể mời thêm đại diện của VCCI và đại diện các vụ, cục...”. Cũng theo Cục Hải quan Quảng Ninh, thực tế hội nghị đối thoại với DN hàng năm có số lượng DN tham gia không nhiều, cũng ít DN trực tiếp tham gia, trình bày những khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác hải quan tại hội nghị. Do đó, Cục Hải quan Quảng Ninh đề nghị nên quy định gọn lại thành phần tham dự hội nghị.

Nhằm đảm bảo tính chủ động, thống nhất trong việc mời khách tham dự hội nghị quy định tại Điểm a, Khoản 5, Điều 7, Cục Hải quan Hà Nội đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thành phần khách mời là đại diện các DN. Cục Hải quan được phân công tham dự hội nghị có trách nhiệm lập danh sách DN thuộc phạm vi quản lý, theo dõi của đơn vị báo cáo Tổng cục Hải quan ít nhất 15 ngày trước khi khai mạc hội nghị để C gửi giấy mời DN tham dự hội nghị.