Dự thảo thay thế Thông tư 193/2009/TT-BTC: Cân nhắc điều chỉnh một số nội dung

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Tham gia góp ý xây dựng dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 193/2009/TT-BTC hướng dẫn quy định thi hành Nghị định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan (Nghị định 97/2007/NĐ-CP sửa đổi), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị Ban soạn thảo cần phải cụ thể, rõ ràng, thống nhất với các quy định tại Nghị định được hướng dẫn.

 Dự thảo thay thế Thông tư 193/2009/TT-BTC: Cân nhắc điều chỉnh một số nội dung
CBCC Hải quan Hữu Nghị (Cục Hải quan Lạng Sơn) kiểm tra hàng xuất khẩu. Nguồn: baohaiquan.vn

Thống nhất các quy định

VCCI cho rằng, một số quy định tại dự thảo Thông tư không thống nhất với quy định tại Nghị định. Cụ thể, tại Điều 5 dự thảo Thông tư quy định trừ các hành vi vi phạm quy định tại Điều 6, Điều 8, Điều 13 và Điểm a Khoản 1 Điều 16 của Nghị định thì đối với các hành vi vi phạm tại các điều khác sẽ được xác định khung tiền phạt trên cơ sở định giá tang vật, phương tiện vi phạm. Trong khi đó, theo quy định tại Nghị định, đối với một số hành vi vi phạm thuộc trường hợp trên, căn cứ để xác định khung hình phạt không phải là giá trị của tang vật, phương tiện vi phạm mà là hành vi vi phạm. Cũng tại Điều 14 của Nghị định quy định về các hành vi vi phạm các quy định chính sách quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện vận tải xuất nhập cảnh, quá cảnh thì khung xử phạt được xác định không phải dựa trên trị giá của tang vật vi phạm.

Theo VCCI, đối với vi phạm quy định về giám sát hải quan tại Điểm b, Khoản 6, Điều 13 dự thảo Thông tư quy định “hành vi vi phạm quy định tại Khoản 2, Điều 12, Nghị định do người dưới 14 tuổi thực hiện thì lập biên bản chứng nhận, ra quyết định tịch thu hoặc tiêu hủy tang vật”. Tuy nhiên, tại Điều 12 của Nghị định quy định không có áp dụng biện pháp tiêu hủy tang vật đối với các hành vi vi phạm tại Khoản 2. Cũng tại Khoản 1, Điều 10 dự thảo Thông tư quy định về việc không xử phạt đối với trường hợp NK không đúng với khai hải quan nhưng do đơn vị bưu chính thay mặt chủ hàng thực hiện và không có căn cứ cho thấy có thông đồng nhằm mục đích gian lận. Tuy nhiên, Điều 5 của Nghị định quy định về các trường hợp không xử phạt lại không dự liệu trường hợp nào như thế này. Vì vậy, VCCI đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại vấn đề này.

VCCI cho biết, ở dự thảo Thông tư quy định biện pháp xử lý “hàng hóa sẽ bị xử lý theo Khoản 4, Điều 24 Nghị định 154/2005/NĐ-CP ngày 15/12/2005” trong khi Nghị định không có quy định nào về việc xử lý hàng hóa (chỉ có quy định về biện pháp khắc phục hậu quả đối với hàng hóa vi phạm “không đưa ra khỏi kho ngoại quan khi hợp đồng thuê kho đã hết hạn”). Để đảm bảo tính thống nhất của pháp luật, VCCI đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại các quy định và điều chỉnh sửa đổi nhằm đảm bảo Thông tư phù hợp với Nghị định.

Cần cụ thể, chi tiết

Theo VCCI, một số quy định tại dự thảo Thông tư chưa đủ cụ thể, chi tiết. Cụ thể tại Khoản 2, Điều 4 dự thảo Thông tư quy định về không xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp nhầm lẫn trong quá trình NK, gửi hàng hóa vào Việt Nam. Tuy nhiên, dự thảo Thông tư lại không quy định cụ thể, rõ ràng về việc những trường hợp nào thì cơ quan Hải quan chấp nhận nhầm lẫn. Quy định: “Trường hợp có căn cứ xác định có sự thông đồng giữa người gửi hàng, người nhập hàng và/hoặc người vận chuyển để trốn thuế, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới hoặc buôn lậu thì cơ quan Hải quan có quyền từ chối chấp nhận nhầm lẫn” có được hiểu ngoài trường hợp này thì tất cả các trường hợp thông báo nhầm lẫn khác đều được chấp nhận? Do đó, để đảm bảo tính minh bạch, VCCI đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể vấn đề này.

Bên cạnh đó, VCCI cũng cho rằng một số quy định về thủ tục chưa rõ ràng, cụ thể, tại Khoản 1, Điều 4 quy định thủ tục thông báo với cơ quan Hải quan, cơ quan có thẩm quyền khác hoặc chính quyền địa phương trong trường hợp hàng hóa, phương tiện vận tải được đưa vào Việt Nam do sự kiện bất ngờ, sự kiện bất khả kháng. Dự thảo Thông tư quy định doanh nghiệp phải thực hiện thông báo tới cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, trường hợp không thông báo thì sẽ bị xử lý theo quy định hiện hành. Tuy nhiên, theo VCCI, thủ tục để thực hiện thông báo lại không được dự thảo Thông tư quy định hoặc quy định rất chung chung theo hướng dẫn chiếu như “theo quy định của pháp luật”.

VCCI lý giải, điều này sẽ gây khó khăn cho các đối tượng áp dụng, đặc biệt là từ phía doanh nghiệp. Hơn nữa, quy định “trường hợp không thông báo sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành” là chưa rõ ràng, không rõ trường hợp không thông báo này có bị xử phạt vi phạm hành chính không? Nếu có thì không thấy quy định trong Nghị định cũng như dự thảo Thông tư về vấn đề này. Nếu không thì dự thảo Thông tư cần dẫn chiếu cụ thể là bị xử lý theo hình thức như thế nào, được quy định trong văn bản nào, để thuận lợi trong thực tiễn áp dụng.

Tại Khoản 1 Điều 6, dự thảo quy định “hàng hóa tạm giữ mà không bị tịch thu thì người ra quyết định tạm giữ ra quyết định trả lại”. Theo VCCI, trong dự thảo Thông tư không có quy định cụ thể về thủ tục trả lại hàng hóa tạm giữ. Do đó, việc thiếu rõ ràng trong quy định về vấn đề này có thể gây khó khăn về tài chính cho doanh nghiệp, bởi hàng hóa bị tạm giữ không được giải phóng trong thời gian sớm thì càng gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

Theo VCCI tại Khoản 4, Điều 20 dự thảo quy định “trường hợp có dấu hiệu tội phạm thì thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Đối với dấu hiệu của tội trốn thuế thì trong thời hạn 10 ngày làm việc… phải chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền để điều tra theo quy định”. Tuy nhiên, từ góc độ pháp lý, VCCI cho rằng “tội trốn thuế” cũng là tội hình sự và không có lý do gì để phân biệt quy định về thủ tục liên quan tới tội trốn thuế và các tội khác. Do đó, VCCI đề nghị Ban soạn thảo làm rõ điều này, trường hợp không có căn cứ để phân biệt thì phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật tố tụng hình sự.