Đừng nhầm lẫn "giá dịch vụ" với "phí và lệ phí"

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) Theo quy định của pháp luật hiện hành, những chi phí trong quá trình khám, chữa bệnh được gọi là giá dịch vụ khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên tại một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, nhiều bệnh nhân vẫn nhầm lẫn giữa giá dịch vụ với phí.

Đừng nhầm lẫn "giá dịch vụ" với "phí và lệ phí"
Nhiều bệnh nhân vẫn nhầm lẫn giá dịch vụ khám, chữa bệnh là viện phí. Nguồn: internet

Nhầm lẫn giá dịch vụ với phí

Theo khảo sát của phóng viên tại nhiều bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, rất nhiều bệnh nhân hiểu giá dịch vụ khám, chữa bệnh là viện phí, trong khi bảng giá dịch vụ khám, chữa bệnh được niêm yết công khai trước phòng khám tại các bệnh viện.

Chị Hoàng Thị Hoa, một bệnh nhân đến từ huyện Mê Linh (Hà Nội) đang xếp hàng chờ nộp tiền làm xét nghiệm máu tại Bệnh viện Xanh-Pôn cho biết: “Mấy ngày hôm nay tôi bị sốt cao, đến đây khám thì bác sĩ nghi bị sốt vi rút và chỉ định xét nghiệm máu. Tôi đang phải xếp hàng để nộp phí đi xét nghiệm”.

Không chỉ chị Hoa, mà nhiều bệnh nhân khác đang điều trị tại bệnh viện Xanh-Pôn khi được hỏi lúc vào viện để khám, chữa bệnh cần phải nộp những khoản tiền gì, thì đa số đều trả lời là nộp các loại phí và viện phí. Hầu hết các bệnh nhân đều không phân biệt được thế nào là phí, thế nào là giá dịch vụ.

Theo Thông tư 04/2012/TTLT-BYT-BTC ban hành ngày 29/12/2012, thì các chi phí cho việc khám, chữa bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước được gọi là giá dịch vụ khám, chữa bệnh.

Căn cứ vào thông tư này, Nghị quyết số 13/2013/NQ-HĐND của Hội đồng Nhân dân TP.Hà Nội cũng đã quy định rõ về việc điều chỉnh “Giá dịch vụ khám, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thuộc TP. Hà Nội”, kèm theo nghị quyết là phụ lục về khung giá khám bệnh, kiểm tra sức khỏe, giá giường bệnh, giá các dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm…

Bà Chu Thị Dự - Phó Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) cũng cho biết, căn cứ vào Thông tư 04 và Nghị quyết số 13 của HĐND TP.Hà Nội, bệnh viện đã thay đổi tên gọi “Viện phí” trước đây thành giá dịch vụ khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, do thói quen nên nhiều bệnh nhân vẫn gọi các chi phí trong quá trình khám, chữa bệnh là viện phí.

“Rất nhiều bệnh nhân thắc mắc tại sao mỗi lần xét nghiệm hay siêu âm đã nộp tiền, nhưng khi xuất viện vẫn phải nộp viện phí. Họ không hiểu khi làm các dịch vụ phát sinh đều phải nộp tiền, số tiền đó gọi là giá dịch vụ. Có lẽ do thói quen lâu nay của người bệnh, họ nghĩ rằng đến viện là phải nộp viện phí, nên họ nghĩ như vậy” - bà Dự nói.

Nhiều bệnh viện chưa thống nhất về cách gọi

Tìm hiểu của phóng viên cho thấy, nhiều bệnh viện vẫn chưa thực hiện triệt để các quy định của pháp luật hiện hành về giá dịch vụ khám, chữa bệnh.
Do thói quen nên nhiều bệnh nhân vẫn gọi các chi phí trong quá trình khám, chữa bệnh là viện phí.

Bà Chu Thị Dự - Phó Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn

Tại bệnh viện Xanh-Pôn, bên cạnh bảng niêm yết giá dịch vụ khám, chữa bệnh thì nhiều phòng thu tiền vẫn treo tấm biển “Thu viện phí”. Một bác sĩ tại đây cho biết, những biển này đã được treo từ trước khi quy định mới được ban hành nên chưa kịp thay.

Tại bệnh viện Đống Đa cũng có hiện tượng tương tự, bên cạnh bảng niêm yết giá các loại dịch vụ khám, chữa bệnh thì vẫn còn những biển ghi “nơi thu viện phí”. Có lẽ chính vì việc thiếu thống nhất này, mà nhiều bệnh nhân vẫn nhầm lẫn và cho rằng các khoản thu của bệnh viện đều được gọi là phí.

Nói về phí và lệ phí, ông Ngô Hữu Lợi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, không chỉ bệnh nhân, mà với rất nhiều người dân còn nhầm lẫn giữa phí và giá dịch vụ. Họ cho rằng cứ thu tiền thì được gọi là phí.

“Có nhiều khoản thu không có trong quy định, mang tính tự nguyện như: Đóng góp xây dựng hạ tầng, trạm xá, đường giao thông, những khoản đóng góp từ thiện như quỹ khuyến học, hỗ trợ người nghèo; chi phí bốc dỡ container… cũng được người dân gọi là phí, nhưng thực chất những khoản thu này không có trong danh mục phí và lệ phí”, ông Lợi nói.

Cũng theo ông Lợi, hiện Bộ Tài chính đang chỉ đạo các địa phương tiếp tục rà soát, cái nào đã chuyển sang cơ chế dịch vụ hoặc xu hướng sắp tới sẽ chuyển sang cơ chế dịch vụ thì sẽ loại khỏi danh mục phí nhằm góp phần đổi mới cơ chế tài chính, thúc đẩy xã hội hóa. “Nếu như trước đây có phí đấu thầu, nay được chuyển thành chi phí đấu thầu. Hay lớn nhất là các khoản thu khám, chữa bệnh được gọi là viện phí thì nay đã chuyển sang cơ chế giá dịch vụ”, ông Lợi nói.

- Theo Pháp lệnh phí và do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành năm 2001 và có hiệu lực năm 2002 thì: Phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được một tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ được quy định trong Danh mục phí ban hành kèm theo Pháp lệnh này.

- Lệ phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải nộp khi được cơ quan nhà nước hoặc tổ chức được ủy quyền phục vụ công việc quản lý nhà nước được quy định trong Danh mục lệ phí ban hành kèm theo Pháp lệnh này.

- Danh mục phí và lệ phí bao gồm 301 khoản phí và lệ phí, nhưng đến nay mới có trên 280 khoản phí, lệ phí được thực hiện, còn lại là chưa thu.