Gấp rút hoàn thiện dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Quản lý Thuế sửa đổi, bổ sung

Ngọc Anh

(Tài chính) Luật Quản lý Thuế bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/07/2013. Để kịp trình Chính phủ ban hành hướng dẫn để nhanh chóng đưa luật vào cuộc sống, Bộ Tài chính đang gấp rút hoàn thiện dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Quản lý Thuế sửa đổi, bổ sung.

Công tác hiện đại hoá hệ thống thuế ngày càng hoàn thiện, giúp người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế đơn giản hơn. Nguồn: Internet
Công tác hiện đại hoá hệ thống thuế ngày càng hoàn thiện, giúp người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế đơn giản hơn. Nguồn: Internet

Kỳ vọng từ Luật Quản lý Thuế

Theo ông Nguyễn Văn Phụng, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), Luật Quản lý Thuế sẽ có hiệu lực từ ngày 01/07/2013, đánh dấu bước thay đổi quan trọng về Quản lý Thuế. Các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật đang được soạn thảo, sớm ban hành để thực hiện 19 nội dung cụ thể của Luật, được xếp vào 3 nhóm vấn đề lớn:

(i) Đẩy mạnh cải cách hành chính (như giảm tần suất khai thuế từ 12 lần/năm xuống còn 4 lần/năm đối với người nộp thuế có quy mô nhỏ và vừa; rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục gia hạn thuế, hoàn thuế; đơn giản hồ sơ, thủ tục trong hoàn thuế, xóa nợ thuế; bổ sung quy định về việc kiểm tra sau hoàn thuế);

(ii) Đẩy mạnh cải cách, hiện đại hoá Quản lý Thuế, làm cơ sở áp dụng các biện pháp quản lý tiên tiến như: nguyên tắc quản lý rủi ro; cơ chế thoả thuận giá trước (APA); cơ chế phân loại mã số, xác định trị giá và xuất xứ hàng hóa trước khi xuất/nhập khẩu; khai thác, sử dụng thông tin từ nguồn nước ngoài theo các Hiệp định thuế; nghĩa vụ của người nộp thuế trong ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển thuế điện tử;

(iii) Các quy định bổ sung nhằm tăng cường và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Quản lý Thuế như: Thời hạn nộp thuế đối với hàng xuất nhập khẩu (XNK); thứ tự thanh toán tiền thuế, tiền phạt; gia hạn thời gian nộp thuế với trường hợp cơ sở phải di dời và nợ thuế do ngân sách nhà nước (NSNN) chậm thanh toán; quy định việc nộp dần tiền thuế (phân kỳ hạn nộp) đối với người nộp thuế do khó khăn; quy định về xoá nợ thuế với một số khoản khó có khả năng thu hồi sau khi đã áp dụng đầy đủ các biện pháp cưỡng chế thuế.

Nhiều ý kiến đều đồng thuận rằng, khi Luật Quản lý Thuế chính thức được áp dụng và nghị định hướng dẫn được ban hành thì chính sách Quản lý Thuế sẽ rõ ràng, minh bạch và thống nhất hơn, tạo thuận lợi cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế; công tác hiện đại hoá hệ thống thuế ngày càng hoàn thiện, giúp người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế đơn giản hơn, đặc biệt là người nộp thuế nước ngoài dễ dàng hơn trong thực hiện thủ tục hành chính thuế.

Gấp rút hoàn thành dự thảo nghị định hướng dẫn luật

Đại diện của Bộ Tài chính cho biết, hiện nay Bộ đang gấp rất hoàn thiện dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Quản lý Thuế sửa đổi, bổ sung để kịp trình Chính phủ ban hành hướng dẫn áp dụng từ ngày 1/7/2013.

Chia sẻ về những điểm mới của dự thảo Nghị định qui định chi tiết Luật Quản lý thuế sửa đổi, ông Vũ Văn Cường - Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Tổng cục Thuế) cho biết, cơ chế quản lý rủi ro là điểm nổi bật nhất trong Quản lý Thuế. Theo đó, để thực hiện được điều này thì phải xây dựng cơ chế quản lý rủi ro trong từng khâu, nhằm đưa ra biện pháp quản lý chặt chẽ đối với người nộp thuế (người nộp thuế) có rủi ro cao và có biện pháp ưu tiên đối với DN tuân thủ tốt pháp luật thuế. Có biện pháp ưu tiên thực hiện các thủ tục về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, sẽ phân loại người nộp thuế để có biện pháp quản lý phù hợp.

Đối với người nộp thuế ở những lĩnh vực, địa bàn có độ rủi ro thấp, có lịch sử tuân thủ pháp luật tốt được ưu tiên trong thực hiện thủ tục hành chính thuế. Về tần suất kê khai, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế quy mô nhỏ, người nộp thuế được quyền lựa chọn khai thuế giá trị gia tăng theo quý (thay cho việc khai thuế giá trị gia tăng theo tháng như hiện nay). Về khai thuế, sẽ rà soát toàn bộ nội dung về khai các loại thuế, đảm bảo phù hợp với thực tế, giảm hơn nữa thủ tục hành chính về thuế nhưng vẫn phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

Mặt khác, thời gian giải quyết hồ sơ hoàn thuế sẽ được giảm, quy định rõ hơn thời gian hoàn trả các khoản nộp thừa và thời gian giải quyết hoàn thuế; đồng thời, quy định cụ thể hơn nữa trách nhiệm của cơ quan Quản lý Thuế trong việc kiểm tra hoàn thuế.

Để hạn chế các trường hợp bị cưỡng chế thuế, đồng thời tạo điều kiện giúp DN có thể tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh, nghị định mới sẽ quy định chi tiết các trường hợp được phép nộp dần tiền thuế, trách nhiệm của người nộp thuế, hồ sơ nộp dần tiền thuế và thẩm quyền chấp thuận nộp dần tiền thuế. Ngoài ra, sẽ sửa đổi, bổ sung quy định về gia hạn nộp thuế, để đảm bảo thống nhất, minh bạch, rõ ràng hơn… 

Được biết, người nộp thuế tuân thủ tốt nghĩa vụ thuế sẽ được ưu tiên thống nhất về xác định mã số các mặt hàng DN đã xuất, nhập khẩu; áp dụng chế độ tự thanh khoản, hoàn thuế trước, kiểm tra sau theo thủ tục đơn giản; rút ngắn về thời gian, đơn giản hồ sơ hơn khi thực hiện thủ tục về thuế với cơ quan hải quan.