Gỗ Việt: Xuất nhiều, nhập cũng nhiều

Theo Thông tin Tài chính

(Tài chính) Việt Nam là quốc gia đứng đầu Đông Nam Á về xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ, tuy nhiên, hàng năm, vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn gỗ nguyên liệu từ các quốc gia khác. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ tăng vượt mức 3 tỷ USD/năm, nhưng vẫn phải chi 1 tỷ USD cho nhập khẩu nguyên liệu.

Việt Nam là quốc gia  đứng đầu Đông Nam Á về xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Nguồn: internet
Việt Nam là quốc gia đứng đầu Đông Nam Á về xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Nguồn: internet
“Xuất 3 - nhập 1”

Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Trưởng phòng chế biến, Cục Chế biến nông lâm sản thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) cho biết, những năm qua, ngành chế biến và xuất khẩu sản phẩm gỗ đã có những bước phát triển vượt bậc với kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao.

Nếu như năm 2000 giá trị kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm gỗ của Việt Nam chỉ khiêm tốn ở mức 214 triệu USD thì đến năm 2004 kim ngạch xuất khẩu gỗ lần đầu tiên vượt mức 1 tỷ USD, đạt 1,154 tỷ USD. Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ đạt 5,7 tỷ USD, tăng 19,2% so với năm 2012, chiếm khoảng 4,3% thị phần toàn cầu.

Thời gian qua, một số doanh nghiệp xuất khẩu gỗ đã thực hiện hình thức xuất khẩu sản phẩm gỗ nội thất trọn gói theo các công trình ở nước ngoài mang lại giá trị gia tăng cao. Dự kiến năm 2014, kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam sẽ đạt 6,5 tỷ USD.

Theo Bộ NN&PTNT, kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam 10 tháng đầu năm 2014 đạt 4,41 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2013. Xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ sang hầu hết các thị trường chính đều tăng như Hoa Kỳ và Nhật Bản có mức tăng trưởng lần lượt là 14,41% và 23,71% so với cùng kỳ năm 2013, ngoại trừ thị trường Trung Quốc giảm 1,69%;. Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản là 3 thị trường nhập khẩu gỗ lớn nhất của Việt Nam, chiếm 62,33% tổng kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest), hiện ngành đồ gỗ trong nước đang phải nhập khẩu tới 4 triệu m³ gỗ/năm, chiếm 80% tổng nguyên liệu sử dụng của toàn ngành cho xuất khẩu. Như vậy dù trong những năm gần đây kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ tăng vượt mức 3 tỷ USD/năm, nhưng trong đó phải chi đến 1 tỷ USD cho nhập khẩu nguyên liệu.

Nếu cứ kéo dài tình trạng này, kim ngạch xuất khẩu gỗ trong tương lai sẽ có nguy cơ giảm mạnh khi giá nhập khẩu gỗ và chi phí vận chuyển đều tăng. Các doanh nghiệp chế biến gỗ trong nước cũng sẽ yếu dần do không thể cạnh tranh nổi với những nước trong khu vực có khả năng tự cung ứng nguyên liệu như Trung Quốc, Malaysia... 

Thách thức và cơ hội của gỗ Việt 

Việt Nam đàm phán Hiệp định Đối tác song phương về quản trị rừng và thương mại lâm sản (FLEGT) với EU là cần thiết, giúp duy trì và mở rộng thị trường cho sản phẩm gỗ của Việt Nam tại EU, nâng cao hình ảnh quốc gia và thương hiệu cho ngành công nghiệp gỗ Việt Nam.

Theo ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Chế biến gỗ và Mỹ nghệ thành phố Hồ Chí Minh vấn đề lớn của doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam hiện nay là các quốc gia có kim ngạch nhập khẩu lớn liên tục sử dụng hàng rào kỹ thuật (thị trường Hoa Kỳ với Đạo luật Layer, EU đang xúc tiến kế hoạch tăng cường thực thi Luật đối với gỗ và sản phẩm gỗ nhập khẩu vào các quốc gia trong khối).

Theo các quy định của FLEGT, sản phẩm gỗ xuất khẩu sang EU phải có chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm, không được trộn lẫn các sản phẩm gỗ hợp pháp đã được xác minh và chưa được xác minh. Chẳng hạn, nếu là gỗ rừng trồng tại Việt Nam thì phải được khai thác đúng theo quy định luật pháp Việt Nam, hoặc được cấp chứng chỉ quản lý rừng của bên thứ ba đáng tin cậy…

Theo bà Tô Kim Liên, Giám đốc Trung tâm Giáo dục và Phát triển (CED), hiện nay, ngành chế biến gỗ Việt Nam có hơn 3.500 doanh nghiệp, tạo việc làm cho hơn 300 nghìn lao động, có vai trò quan trọng thúc đẩy tăng trưởng vào phát triển kinh tế của cả nước.

Việc tuân thủ FLEGT cũng giúp duy trì và mở rộng thị trường cho sản phẩm gỗ tại EU, nâng cao hình ảnh quốc gia và thương hiệu cho ngành công nghiệp gỗ Việt Nam. Tuy nhiên, để đáp ứng các yêu cầu nêu trên, doanh nghiệp trong ngành phải chuyên nghiệp hóa quy trình sản xuất, kinh doanh trên cơ sở tuân thủ luật pháp, đảm bảo nguồn gốc của sản phẩm.

Khó khăn lớn nhất hiện nay là phần lớn doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, vốn đầu tư dưới 1,5 tỷ đồng doanh nghiệp thường mua gỗ của dân không lưu lại hồ sơ, giấy tờ mua bán, hoặc có thì chỉ là giấy viết tay, không đầy đủ…

Đơn cử như trường hợp Công ty Chế biến gỗ Hòa Thành (Bình Dương), mua gỗ nguyên liệu từ lâm trường của Nhà nước thì đơn vị trúng thầu khai thác có chứng minh nguồn gốc rõ ràng, nhưng không xuất khẩu được vì không có dấu chứng nhận của kiểm lâm. Trong khi đó, mua gỗ của người dân có chứng nhận của chính quyền địa phương thì hải quan lại chấp nhận và xuất khẩu được.

Bản thân hiện nay, giấy tờ yêu cầu còn đang chồng chéo, lộn xộn. Ở đầu nhập khẩu, yêu cầu kiểm soát nguồn gốc xuất xứ rất chặt chẽ, nếu không chứng minh được nguồn gốc nguyên liệu gỗ thì sản phẩm sẽ bị quy vào chế biến từ gỗ khai thác trái phép. Chưa kể, đây chỉ là một trong những chi tiết rất nhỏ, còn rất nhiều quy định khác khó đáp ứng hơn mà doanh nghiệp buộc phải tuân thủ. Trong khi về phía doanh nghiệp, dù họ có biết thông tin về các đạo luật này, nhưng lại biết rất mơ hồ, chủ quan.

Theo một cuộc khảo sát thực tế do CED phối hợp với VCCI tiến hành tại những tỉnh, thành phố tập trung nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ như: Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh, ba năm nay, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của hầu hết các doanh nghiệp đều tăng, cao nhất là nhóm mặt hàng gỗ nội, ngoại thất, dăm gỗ, gỗ nguyên liệu.
Thị trường xuất khẩu chủ yếu là EU (51%), Hoa Kỳ (12%), Trung Quốc (16%), Nhật Bản (4%) và Úc, Canada, Hàn Quốc. Riêng thị trường nội địa chiếm khoảng 8%.

Theo kết quả khảo sát, trong 63 doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ thì chỉ có 75% doanh nghiệp chưa biết các nội dung chủ yếu của FLEGT và đang xuất khẩu sản phẩm gỗ nội ngoại thất sang EU với thị phần khoảng 51%. Biết thông tin về FLEGT là những doanh nghiệp lớn, giá trị xuất khẩu hàng năm trên 2 triệu USD.

Những doanh nghiệp trả lời biết rất ít về FLEGT là doanh nghiệp nhỏ, giá trị sản phẩm xuất khẩu của họ chưa tới 1 triệu USD/năm, nhiều nhất là doanh nghiệp ở Quảng Nam, Đà Nẵng.

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, chiến lược phát triển lâm nghiệp quốc gia đến năm 2020 đặt mục tiêu trồng đến 4 triệu ha rừng sản xuất là rừng tự nhiên, cung cấp ổn định cho ngành chế biến gỗ 45 triệu m3 gỗ/năm.

Tuy nhiên, doanh nghiệp chế biến gỗ vẫn phải nhập khẩu gỗ nguyên liệu, vì vậy, các bằng chứng gỗ hợp pháp vẫn rất khó, bởi doanh nghiệp chưa quản lý được toàn bộ quá trình vận chuyển gỗ từ nơi thu mua đến nơi lưu trữ, sản xuất không thể đảm bảo 100% gỗ hợp pháp.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO (VCCI) cho biết, trước thực trạng trên, hiện nhiều cơ quan, ban, ngành, hiệp hội ngành nghề đang đẩy mạnh truyền thông, cung cấp thông tin về FLEGT cho doanh nghiệp ngành gỗ để họ có thể chủ động ứng xử, tránh thiệt thòi trong xuất khẩu hàng hóa.

Tăng trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn

TS. Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI cảnh báo, theo quy định của TPP về thành phần giá trị khu vực, một sản phẩm cần có tỷ lệ nội địa hóa tối thiểu 55% tổng giá trị. Điều này đồng nghĩa với việc nhà sản xuất không được nhập khẩu nhiều hơn 45% nguyên vật liệu từ các quốc gia không phải là thành viên TPP để chế tạo, sản xuất, bao gồm cả chi phí chế biến. Đây sẽ là những quy định đáng lo ngại với lĩnh vực sản xuất gỗ Việt Nam do khó đáp ứng được yêu cầu về tỷ lệ nội địa hóa. 

Đại diện một doanh nghiệp gỗ lớn nhận định, để đứng vững trước áp lực cạnh tranh ngày càng lớn, các doanh nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam phải chủ động tìm nguồn nguyên liệu gỗ; tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước như gỗ xoài, gỗ mít, gỗ điều... doanh nghiệp phải sử dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất như sấy, sơ chế, sơn... để tăng độ bền của gỗ với giá thành phù hợp.

Bên cạnh đó, theo ý kiến của một số chuyên gia, Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam cần thực hiện vai trò hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, nghiên cứu chiến lược sản phẩm, chính sách phát triển, tìm kiếm nguồn vốn đầu tư và liên kết trong hợp tác sản xuất.

Để giải quyết khó khăn về nguyên liệu cho ngành gỗ, đại diện Cục Chế biến nông lâm sản thủy sản và nghề muối cho biết, thời gian tới, sẽ thực hiện nghiêm túc chiến lược phát triển và quy hoạch chế biến gỗ đã được ban hành.

Khu công nghiệp chế biến gỗ cần được xây dựng và mở rộng ở các vùng có khả năng cung cấp đủ nguyên liệu, ổn định, thuận lợi về cơ sở hạ tầng, đảm bảo có lợi nhuận và cạnh tranh được trên thị trường khu vực và quốc tế. Bên cạnh đó, ngành gỗ cũng tập trung sử dụng các sản phẩm từ ván nhân tạo và gỗ từ rừng trồng, phát triển các sản phẩm có ưu thế cạnh tranh cao như đồ gỗ nội thất, đồ gỗ ngoài trời và đồ mộc mỹ nghệ nhằm tăng giá trị xuất khẩu cũng như giảm việc sử dụng nguyên liệu gỗ trong chế biến xuất khẩu.

Song song với việc điều chỉnh cơ cấu rừng trồng cho phù hợp, ổn định khoảng 3,8 triệu ha rừng trồng sản xuất vào năm 2020, nâng cao chất lượng rừng để đạt sản lượng gỗ thương phẩm bằng 80% trữ lượng, trong đó có 40% là gỗ lớn. Xây dựng các vùng nguyên liệu gỗ tập trung ở vùng Đông Bắc, Bắc Trung bộ và Duyên hải Nam Trung bộ để cung cấp nguyên liệu gỗ nhỏ cho các khu vực gần nhà máy và cung cấp nguyên liệu gỗ lớn cho công nghiệp chế biến gỗ tại địa phương và khu vực lân cận.

Ngoài ra, Tổng cục Lâm nghiệp đang xây dựng hệ thống kiểm soát gỗ hợp pháp để đáp ứng đối với chính sách thương mại quốc tế như Luật LACEY của Mỹ, FLEGT của EU… về nguồn gốc và xuất xứ gỗ hợp pháp. Đây cũng là cơ hội cho đồ gỗ Việt Nam thâm nhập mạnh hơn nữa vào thị trường thế giới.