Hai nhiệm vụ trọng tâm đưa Luật Hải quan vào cuộc sống

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Luật Hải quan (sửa đổi) là một văn bản pháp luật quan trọng tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước. Luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2015. Để tổ chức thi hành luật một cách thống nhất, đồng bộ và hiệu quả, ngành Hải quan đã và đang tập trung xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành luật và đẩy mạnh công tác tuyên truyền...

Hai nhiệm vụ trọng tâm đưa Luật Hải quan vào cuộc sống
Công tác chuẩn bị cho Luật Hải quan (sửa đổi) chính thức có hiệu lực thi hành đang được tiến hành khẩn trương, bài bản. Nguồn: internet

Xây dựng hệ thống văn bản thi hành luật

Một văn bản Luật sẽ khó được áp dụng nếu thiếu các văn bản thi hành. Luật Hải quan sửa đổi không phải là ngoại lệ. Hơn thế, văn bản pháp luật này đã có những sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới nên hầu hết các văn bản hướng dẫn thi hành luật cũng phải xây dựng mới và sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Theo tổng hợp của Vụ Pháp chế, Tổng cục Hải quan sẽ có 37 văn bản quy phạm pháp luật cần được sửa đổi (trong đó có 7 Nghị định, 3 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ) và có 2 văn bản quy phạm pháp luật cần được ban hành mới. Ngoài ra, các quy trình nghiệp vụ do Tổng cục Hải quan ban hành cũng cần được sửa đổi cho phù hợp. Trước mắt từ nay đến 15/10/2014, sẽ trình Chính phủ 3 Nghị định, 1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính (Thông tư) cũng được đồng thời chuẩn bị cùng các văn bản này.

Có thể nói, với khối lượng văn bản lớn, trong khi thời gian không nhiều là một áp lực không nhỏ. Để triển khai công tác này, Tổng cục Hải quan đã tiến hành rà soát, xác định các văn bản cần xây dựng để sửa đổi, bổ sung. Căn cứ kết quả rà soát, ngành Hải quan đã tiến hành công tác tổ chức tổng kết, đánh giá quá trình thực hiện các văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực hải quan để phát hiện nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu thống nhất, không có tính khả thi để đề xuất biện pháp tháo gỡ, đưa vào văn bản quy phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, để bảo đảm tiến độ và chất lượng văn bản, ngành Hải quan đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tăng cường công tác phối hợp. Hơn nữa, yêu cầu đặt ra với các cán bộ, công chức được giao soạn thảo văn bản phải vừa chuyên sâu về mỗi mảng nghiệp vụ, vừa bao quát được các mảng nghiệp vụ khác để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, vừa phải có kỹ thuật soạn thảo văn bản chuyên nghiệp.

Được biết, hiện có  3 dự thảo Nghị định đã được xây dựng chi tiết, cụ thể và đang được lấy ý kiến rộng rãi trong toàn ngành và các bộ, ngành liên quan. Đặc biệt, Ban soạn thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Hải quan có sự tham gia của tất cả các bộ, ngành. Điều này cho thấy mức độ quan trọng cũng như công phu của việc xây dựng văn bản hướng dẫn luật này.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Xác định được vai trò của công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nhằm đảm bảo Luật Hải quan năm 2014 ra đời phù hợp với thực tiễn, có tính khả thi cao, ngay trong quá trình soạn thảo luật, dự thảo Luật Hải quan đã được đăng tải công khai trên các trang web của Văn phòng Quốc hội; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan... để người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận và tham gia góp ý dự thảo luật. Bên cạnh đó, Tổng cục đã phối hợp với đơn vị liên quan trong và ngoài nước tổ chức các hội nghị, hội thảo để lấy ý kiến đóng góp của doanh nghiệp vào dự thảo Luật.

Mới đây, tại cuộc họp báo giới thiệu Luật Hải quan (sửa đổi), Phó tổng cục trưởng Vũ Ngọc Anh cho biết, Tổng cục Hải quan sẽ tuyên truyền sâu, rộng và mạnh mẽ những nội dung mới của Luật Hải quan đến toàn thể cán bộ, công chức trong toàn ngành Hải quan cũng như cộng đồng doanh nghiệp với nhiều hình thức: tổ chức tập huấn cho toàn thể cán bộ, công chức trong ngành và các doanh nghiệp, phát hành sách dưới dạng hỏi đáp, tờ rơi, phối hợp với các đài truyền hình mở chuyên trang tuyên truyền Luật Hải quan, tuyên truyền những nội dung mới của luật trên các báo và  các website  của ngành, địa phương...

Theo đó, Tổng cục đã giao Vụ Pháp chế là đơn vị chủ trì xây dựng nội dung, kế hoạch tổ chức phổ biến, tuyên truyền Luật Hải quan năm 2014 với các hình thức phù hợp; xây dựng tài liệu, đề cương giới thiệu Luật Hải quan; biên soạn các cuốn sách: “Luật Hải quan năm 2014”, “Luật Hải quan song ngữ Việt - Anh”, “Hỏi - đáp về pháp luật hải quan”, “Hệ thống văn bản hướng dẫn Luật Hải quan”; biên soạn tờ rơi, tờ gấp để phục vụ công tác tập huấn, tuyên truyền về Luật Hải quan năm 2014. Vụ Pháp chế cũng giúp Tổng cục Hải quan tổ chức tập huấn, tuyên truyền luật cho các cán bộ chủ chốt trong ngành, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân có liên quan thông qua hội nghị của ngành, hội nghị đối thoại doanh nghiệp và các phương tiện thông tin đại chúng.

Có thể nói, công tác chuẩn bị cho Luật Hải quan (sửa đổi) chính thức có hiệu lực thi hành đang được tiến hành khẩn trương, bài bản. Điều này sẽ là minh chứng cho lời khẳng định của Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh tại cuộc họp giới thiệu Luật Hải quan, mới đây: “Chúng tôi tự tin khi Luật Hải quan có hiệu lực sẽ triển khai tốt các quy định trong luật”.

 Hàng hóa về cảng chỉ được lưu lại 60 ngày

Theo Thông tư số 94 có hiệu lực từ ngày 30/8 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với một số loại hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu và gửi kho ngoại quan, hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất được phép lưu giữ tối đa 60 ngày, kể từ ngày hoàn thành thủ tục hải quan tạm nhập. Việc gia hạn được thực hiện không quá 2 lần cho mỗi lô hàng và mỗi lần gia hạn không quá 30 ngày. Quá thời hạn này, thương nhân chỉ còn 15 ngày nữa để tái xuất qua cửa khẩu, nếu không tái xuất hàng hóa sẽ bị tịch thu hoặc bị tiêu hủy.