Hiện thực hóa mục tiêu giảm chi phí cho doanh nghiệp

PV.

Với tinh thần Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp, Chính phủ đã thống nhất chủ đề năm 2017 là giảm chi phí cho doanh nghiệp. Để thực hiện mục tiêu trên, Bộ Tài chính đã chủ động, phối hợp với các bộ, ngành rà soát, tiến đến không thu hoặc giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí liên quan đến chi phí doanh nghiệp.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Từ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ…

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Việt Nam hiện có khoảng 600.000 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động và hầu hết các DN nhỏ và vừa gặp nhiều khó khăn do chi phí đầu vào của DN tăng cao. Cụ thể như: khó khăn trong tiếp cận vốn, đất đai, tín dụng và khoảng 5.000 thủ tục hành chính, giấy phép của các bộ, ngành...

Để thực hiện chủ trương Chính phủ kiến tạo, lấy DN là đối tượng phục vụ, ngày 16/5/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020. Qua hơn 1 năm triển khai Nghị quyết số 35/NQ-CP, nỗ lực đồng hành cùng DN của Chính phủ đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Để tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP, ngày 06/06/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 26/CT-TTg, trong đó, giao các bộ, ngành, địa phương rà soát các khoản phí có liên quan trực tiếp đến chi phí của DN để xem xét giảm mức phí, chi phí đầu vào cho DN.

Tiếp đó, ngày 09/8/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 75/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2017, trong đó nêu rõ, với tinh thần Chính phủ đồng hành cùng DN, Chính phủ thống nhất chủ đề năm 2017 là giảm chi phí cho DN. Người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện các biện pháp giảm mức phí và chi phí đầu vào cho DN.

Đến hành động của các bộ, ngành

Chính phủ giao Bộ Tài chính nhiệm vụ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có các cơ quan, đơn vị cung cấp các dịch vụ công và thu phí thống nhất mức giảm phí liên quan đến chi phí của DN, trình cơ quan có thẩm quyền quyết định hoặc ban hành theo thẩm quyền; Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương đánh giá kết quả giảm chi phí cho DN và tiếp tục rà soát, đề xuất cụ thể việc cắt giảm mức phí và loại phí thuộc phạm vi quy định của pháp luật phí, lệ phí.

Bộ Tài chính đã chủ động, phối hợp với các bộ, ngành rà soát giảm các khoản phí, lệ phí liên quan đến chi phí DN; Các bộ, ngành đã có văn bản gửi Bộ Tài chính về việc này. Tổng hợp đến ngày 25/10/2017, Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, địa phương để thống nhất không thu hoặc giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí.

Theo đó, sẽ không thu đối với 6 khoản phí và 4 khoản lệ phí (tiêu biểu: Bỏ quy định thu phí thẩm định phê duyệt Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất: 8.000.000 đồng/bộ hồ sơ; Phí thẩm định cấp Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc Danh mục hạn chế sản xuất, kinh doanh trong ngành công nghiệp: 1.200.000 đồng/giấy phép...). Bên cạnh đó, 21 khoản phí và 02 khoản lệ phí được giảm mức thu (tiêu biểu: Giảm lệ phí thành lập DN với mức giảm từ 200.000 xuống 100.000 đồng; Giảm phí thẩm định cấp giấy chứng nhận thực phẩm xuất khẩu theo yêu cầu của nước nhập khẩu từ 350.000 xuống 200.000 đồng/lô hàng; Giảm mức thu phí thẩm định xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản từ 700.000 đồng xuống khoảng từ 200.000 – 300.000 đồng/lần...)

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2017, Chính phủ đã cơ bản thống nhất với nội dung báo cáo về giảm phí liên quan đến chi phí đầu vào DN của Bộ Tài chính. Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp giảm mức phí, chi phí đầu vào cho DN, đồng thời rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, các thủ tục kiểm tra chuyên ngành, điều kiện kinh doanh, giảm mức thu phí, bãi bỏ một số phí không cần thiết.