Hỗ trợ doanh nghiệp bằng cải cách thủ tục hành chính

Theo tamnhin.net

(Tài chính) Năm 2013 được tiếp tục đánh giá là một năm đầy khó khăn đối với cộng đồng doanh nghiệp (DN). Mặc dù, Chính phủ và các Bộ ngành đã có nhiều biện pháp, chính sách hỗ trợ nhưng vẫn chưa đủ mạnh; số DN thua lỗ, ngừng hoạt động hoặc giải thể vẫn tăng lên.

 Hỗ trợ doanh nghiệp bằng cải cách thủ tục hành chính
Cải cách thủ tục hành chính để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Nguồn: internet
Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cuối kỳ 2013 với chủ đề “Giai đoạn mới của tiến trình cải cách kinh tế: Từ chương trình tới hành động” vừa được tổ chức tại Hà Nội, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đã gửi đến Chính phủ nhiều kiến nghị, đề xuất; đồng thời, kêu gọi những hành động cụ thể trong tiến trình cải cách thủ tục hành chính và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

Phá các rào cản 

Thay mặt cộng đồng DN Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng cộng đồng doanh nghiệp cảm thấy được khích lệ khi hạ tầng cơ sở được đầu tư, nhiều hiệp định quốc tế đang được đàm phán và Chính phủ kiên định điều chỉnh giá một số mặt hàng theo cơ chế thị trường. Đặc biệt, việc Quốc hội thông qua sửa đổi Hiến pháp 1992 cũng đã thể hiện vai trò rất quan trọng của doanh nhân, DN trong nền kinh tế thị trường. 

Tuy nhiên, theo Chủ tịch VCCI , hiện có rất nhiều DN còn gặp khó khăn, các chỉ tiêu về hiệu quả và triển vọng kinh doanh của DN đều đáng lo ngại. “Mặc dù, cải cách thủ tục hành chính, bãi bỏ các thủ tục phiền hà, giảm chi phí tuân thủ dù đã có những chuyển biến tích cực nhưng chưa có đột phá lớn”, ông Lộc bày tỏ. 

Ông Preben Hjortlund, Chủ tịch EuroCham cho biết, nhiều ngành đã có khuôn khổ pháp lý đầy đủ. Tuy nhiên, những thách thức chính lại nằm ở khâu thực thi các quy định và quy tắc này. Vấn đề này trở nên nghiêm trọng khi một văn bản luật được ban hành nhưng phải một thời gian dài sau đó mới có nghị định/thông tư/quyết định hướng dẫn thi hành.

Ngoài ra, các quy tắc và quy định thường được các cơ quan chính quyền địa phương diễn giải và áp dụng khác nhau gây ra sự thiếu rõ ràng và không nhất quán. Các thành viên của EuroCham cũng tỏ ra quan ngại về ảnh hưởng từ việc thay đổi các chính sách, luật pháp trong tương lai. 

Theo ông Kim Jung In, Chủ tịch Phòng Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam (KorCham), các thành viên của KorCham cũng đang phải đối mặt thường xuyên với các rào cản từ thủ tục hành chính trong quá trình phê duyệt các dự án, chính sách quan trọng. Theo đó, ông Kim Jung In kiến nghị, cần sửa đổi, bổ sung phạm vi “mở rộng đầu tư” trong Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập DN vì phạm vi “mở rộng đầu tư” như trong Luật là quá hạn hẹp, cản trở đến sản xuất kinh doanh của các DN Hàn Quốc hoạt động tại Việt Nam. 

Không chỉ các thành viên của KorCham, hiện một số thành viên của Phòng thương mại Bắc Âu (NodCham) cũng đang gặp phải những vấn đề về thủ tục đăng ký sản phẩm, mặc dù đã được cấp giấy phép đầu tư để xây dựng cơ sở sản xuất tại Việt Nam. Ông Sigmund Stromme, Chủ tịch NodCham tại TP. HCM kiến nghị nên gộp các giấy phép, thủ tục này làm một để khi một DN đã được cấp phép đầu tư vào sản xuất thì cũng được bán, phân phối sản phẩm mà không cần chờ đăng ký sản phẩm và giấy phép phân phối. 

Cùng với những rào cản hành chính, những bất cập về cơ sở hạ tầng, cũng được ông Sato Motonobu, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đề cập đến. Cụ thể như cơ sở hạ tầng giao thông như đường xá, bến cảng, sân bay cũng như cơ sở hạ tầng công nghiệp điện, khí đốt, nước vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của các DN Nhật Bản nói riêng và cộng đồng DN có vốn đầu tư nước ngoài nói chung. 

Ông Steven Winkelman, Chủ tịch AmCham khẳng định, đây chính là thời điểm Việt Nam cần tiến hành những cải cách cần thiết để tạo ra một môi trường cạnh tranh hơn. Từ đó, các quyết định được đưa ra nhanh hơn, các thủ tục trở nên đơn giản hơn, các quy định được thực thi một cách công bằng và cạnh tranh dựa trên giá trị thực - bao gồm khả năng tiếp cận nguồn vốn, đất đai và nắm bắt cơ hội. 

Tạo cạnh tranh bằng cải cách 

Việt Nam đang nỗ lực tham gia đàm phán Hiệp định xuyên Thái Bình dương (TPP) và yêu cầu đặt ra đối với các nước tham gia đàm phán là phải cải cách các công ty, tập đoàn quốc doanh. TPP đòi hỏi các đối tác tham gia phải tạo một môi trường bình đẳng cho các thành phần kinh tế, không có ưu đãi đặc biệt hay một đặc quyền đặc lợi nào khu vực doanh nghiệp Nhà nước (DNNN). Như vậy, công cuộc tái cơ cấu DNNN không chỉ dừng lại yêu cầu mà gấp rút chuyển sang hành động. 

Ông Steven Winkelman, Chủ tịch AmCham muốn nhìn thấy rõ hơn sự quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc cải cách hệ thống quản lý nhà nước, điều mà rất nhiều nhà phân tích coi là nguyên nhân căn bản của những thách thức đặt ra đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay. “Nếu các vấn đề quản lý cơ bản không được giải quyết, quá trình phát triển chắc chắn vẫn sẽ gặp nhiều thách thức”, ông Winkelman cho biết. 

Cùng chung mối quan tâm đến cải cách và cơ cấu lại các DNNN, ông Preben Hjortlund Chủ tịch EuroCham cho biết, khu vực DNNN đang chiếm tới 40% toàn bộ nền kinh tế. Bản thân điều này không có gì đáng quan ngại, tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ các DNNN nhìn chung được ưu đãi nhiều hơn thông qua các khoản vay, tiếp cận đất đai, chỉ tiêu lợi nhuận thấp… . Điều này đang kìm hãm sự tăng trưởng của nền kinh tế do dẫn đến việc giảm đầu tư khu vực tư nhân trong các lĩnh vực này. EuroCham cho rằng, Chính phủ Việt Nam cần tiến hành cổ phần hóa các DNNN trong thời gian sớm nhất có thể để tạo ra một môi trường mang tính cạnh tranh hơn và hoạt động theo cơ chế thị trường. 

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, ông Sato Motonobu thì cho rằng, trong khi các DNNN có thể xin cấp vốn từ các tổ chức tài chính, thì có rất nhiều trường hợp các DN tư nhân xin vay vốn vô cùng khó khăn. Nếu cứ tiếp diễn như vậy thì dòng vốn sẽ chỉ chảy đến các DNNN có hiệu suất kinh doanh thấp và năng lực cạnh tranh của Việt Nam cũng sẽ không còn. 

Chủ tịch EuroCham cho biết tình trạng phân biệt rõ rệt giữa các DN trong nước và nước ngoài trong nhiều lĩnh vực cũng đã làm gia tăng khoảng cách trong một thị trường vốn đã phân hóa cao. Các DN hưởng lợi còn được phép tiếp tục hạ giá bán xuống thấp hơn chi phí sản xuất chỉ để tạo ra dòng tiền nhưng thực chất lại gây lỗ và dư thừa nguồn cung. 

Chia sẻ cùng với các DN tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, Việt Nam đang hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tạo lập môi trường bình đẳng tiếp cận các nguồn lực đầu tư, đưa giá các mặt hàng thiết yếu vận hành theo cơ chế thị trường. Bên cạnh tiếp tục cải cách và minh bạch hóa hệ thống thuế, hải quan, Chính phủ Việt Nam cũng đang thúc đẩy tiến trình cải cách hành chính tập trung vào các vấn đề như thủ tục giải thể DN; tiếp cận vốn, đất đai, tài nguyên; xử lý nghiêm các cán bộ, công chức trong bộ máy công quyền nhũng nhiễu, tiêu cực... 

“Thời gian qua, quá trình cổ phần hóa DNNN ở Việt Nam chậm vì ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế. Sắp tới tiến trình này sẽ đẩy nhanh hơn”, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định. Như vậy, đến năm 2015, Việt Nam sẽ chỉ còn 600 DNNN và tiếp tục giảm xuống còn 300 DN vào năm 2020 theo kế hoạch đã được Chính phủ phê duyệt.