Hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung đối tượng được vay vốn tín dụng xuất khẩu

Nghi Thu

(Tài chính) Bộ Tài chính hiện đang tiến hành lấy ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 75/2011/NĐ-CP ngày 30/8/2011 của Chính phủ (Nghị định 75). Một trong những điểm nổi bật tại Dự thảo được cộng đồng doanh nghiệp (DN) đánh giá cao là việc Bộ Tài chính đề xuất bổ sung thêm các DN có nhu cầu vay vốn để mua thức ăn chăn nuôi thuỷ sản phục vụ xuất khẩu được vay vốn tín dụng xuất khẩu.

Việc bổ sung thêm các DN có nhu cầu vay vốn để mua thức ăn chăn nuôi thuỷ sản phục vụ xuất khẩu được vay vốn tín dụng xuất khẩu sẽ hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, khơi thông thị trường.
Việc bổ sung thêm các DN có nhu cầu vay vốn để mua thức ăn chăn nuôi thuỷ sản phục vụ xuất khẩu được vay vốn tín dụng xuất khẩu sẽ hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, khơi thông thị trường.
Bộ Tài chính cho biết, việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 75 là nhằm quyết liệt triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP (Nghị quyết 02) ngày 07/01/2013 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu.

Bên cạnh đó, tại Nghị quyết số 02 của Chính phủ, các giải pháp về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước đã được đưa ra, gồm: (i) cho vay đối với các DN có nhu cầu vay vốn để mua thức ăn chăn nuôi, thuỷ sản phục vụ xuất khẩu; (ii) xem xét gia hạn thời gian cho vay tín dụng đầu tư từ 12 năm lên tối đa 15 năm và thời gian cho vay tín dụng xuất khẩu từ 12 tháng lên 36 tháng đối với một số đối tượng. Trong khi đó, do đối tượng cho vay, thời gian cho vay đã được quy định rất cụ thể tại Nghị định 75 của Chính phủ về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước (tại Điều 16, Điều 27), vì vậy, để triển khai các nội dung nêu trên của Nghị quyết 02 phải xây dựng nghị định để bổ sung, sửa đổi Nghị định 75 nhằm tạo cơ sở pháp lý để VDB thực hiện.

Theo quy định tại Nghị định 75, đối tượng được vay tín dụng xuất khẩu là nhà xuất khẩu có hợp đồng xuất khẩu và nhà nhập khẩu nước ngoài có hợp đồng xuất khẩu hàng hóa thuộc Danh mục mặt hàng vay vốn tín dụng xuất khẩu theo quy định.

Tại dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung thêm đối tượng vay vốn theo cơ chế tín dụng xuất khẩu là các DN có nhu cầu vay vốn để mua thức ăn chăn nuôi thuỷ sản phục vụ xuất khẩu.

Để được vay vốn tín dụng xuất khẩu, các DN phải hội đủ các điều kiện sau: Có hợp đồng xuất khẩu hoặc hợp đồng bán thuỷ sản cho DN chế biến thuỷ sản xuất khẩu; có phương án nuôi thuỷ sản phục vụ xuất khẩu có hiệu quả được VDB thẩm định và chấp thuận cho vay; có năng lực pháp luật, năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

Bên cạnh đó, DN phải thực hiện đầy đủ các quy định về bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật hiện hành; phải mua bảo hiểm tài sản tại một DN bảo hiểm hoạt động hợp pháp tại Việt Nam đối với tài sản hình thành từ vốn vay thuộc đối tượng mua bảo hiểm bắt buộc trong suốt thời hạn vay vốn. Ngoài ra, DN cũng phải thực hiện chế độ hạch toán kế toán, báo cáo tài chính theo đúng quy định của pháp luật; báo cáo tài chính hằng năm phải được kiểm toán bởi cơ quan kiểm toán độc lập.

Về mức vốn cho vay, Bộ Tài chính đề xuất, mức cho vay tối đa bằng 85% tổng nhu cầu mua thức ăn chăn nuôi thuỷ sản phục vụ xuất khẩu theo phương án đã được VDB thẩm định và chấp thuận cho vay, đồng thời phải đảm bảo mức vốn cho vay tối đa đối với mỗi đối tượng được vay không vượt quá 15% vốn điều lệ thực có của VDB. Mức vốn cho vay cụ thể đối với từng trường hợp sẽ do Tổng Giám đốc VDB quyết định theo chế độ quy định.

Về thời hạn vay, theo đề xuất của Bộ Tài chính tại dự thảo, thời hạn cho vay được xác định theo khả năng thu hồi vốn phù hợp với đặc điểm của từng phương án vay vốn để mua thức ăn chăn nuôi thuỷ sản phục vụ xuất khẩu đã được VDB thẩm định và chấp thuận cho vay. Tuy nhiên, thời hạn cho vay của từng khoản vay không quá 12 tháng. Tổng Giám đốc VDB cũng sẽ quyết định thời hạn cho vay đối với từng phương án vay vốn để mua thức ăn chăn nuôi thuỷ sản phục vụ xuất khẩu theo chế độ quy định.

Về việc gia hạn nợ, nhằm chia sẻ những khó khăn của DN, Bộ Tài chính đề xuất thời gian gia hạn cho vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước từ 12 năm lên tối đa 15 năm (tổng thời gian vay vốn tối đa 15 năm) đối với một số dự án kết cấu hạ tầng kinh tế có qui mô đầu tư lớn trong lĩnh vực sản xuất điện, cung cấp nước sạch, xi măng, thép, môi trường. Tuy nhiên, việc gia hạn này chỉ áp dụng đối với các trường hợp: Thứ nhất, về quy mô đầu tư: Áp dụng cho các dự án thuộc dự án nhóm A, B. Theo báo cáo của VDB thì dư nợ đến ngày 31/12/2012 của các dự án thuộc nhóm này (dự án sản xuất điện, cung cấp nước sạch, xi măng, thép, môi trường) là 35.000 tỷ đồng, chiếm 29,9% tổng dư nợ tín dụng đầu tư (tổng dư nợ tín dụng đầu tư đến ngày 31/12/2012 là 117.000 tỷ đồng). Thứ hai, về điều kiện khó khăn về tài chính: Áp dụng đối với các chủ dự án có kết quả hoạt động kinh doanh bị lỗ trong năm 2011, 2012; không cân đối được nguồn vốn để trả nợ theo đúng hợp đồng tín dụng đã ký với VDB.

Cũng theo Bộ Tài chính, sẽ gia hạn thời gian vay vốn tối đa từ 12 tháng lên 36 tháng (tổng thời gian vay vốn tối đa 36 tháng) đối với khoản vay vốn tín dụng xuất khẩu của Nhà nước cho các nhóm hàng xuất khẩu rau quả, thủy sản với điều kiện DN bị lỗ trong năm 2011 và năm 2012; không cân đối được nguồn vốn để trả nợ theo đúng hợp đồng tín dụng đã ký với VDB.

Ngày 08/3/2013, Bộ Tài chính có công văn số 3024/BTC-TCNH gửi các Bộ, ngành có liên quan lấy ý kiến tham gia vào dự thảo Nghị định. Về cơ bản các bộ, ngành liên quan đều thống nhất với nội dung dự thảo Nghị định. Tuy nhiên, vẫn có một số ý kiến khác nhau xung quanh các nội dung sửa đổi và bổ sung này. Chẳng hạn, về gia hạn nợ VDB đề nghị bỏ điều kiện DN làm ăn thua lỗ trong năm 2011 và năm 2012. Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, Nghị quyết 02 quy định việc gia hạn thời gian vay vốn đối với các dự án, khoản vay mà chủ nợ (DN) gặp khó khăn. Trong dự thảo nghị định, Bộ Tài chính quy định cụ thể điều kiện để gia hạn nợ đối với các DN là phù hợp đảm bảo tiêu chí rõ ràng, tránh tuỳ tiện trong việc đánh giá chỉ tiêu khó khăn tài chính trong quá trình xử lý.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước đề nghị rà soát lại các đối tượng được gia hạn nợ thời gian vay vốn là sản xuất xi măng, sắt thép vì hai đối tượng này không thuộc đối tượng được vay vốn theo Nghị định 75. Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, Nghị định 75 có hiệu lực thi hành từ ngày 20/10/2011 (thay thế Nghị định số 151/2006/NĐ-CP ngày 20/12/2006 và Nghị định số 106/2008/NĐ-CP ngày 19/9/2008 của Chính phủ về tín dụng đầu tư phát triển và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước), quy định: Lĩnh vực sản xuất xi măng, sắt thép không thuộc đối tượng được vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước. Tuy nhiên, tại Nghị định số 151/2006/NĐ-CP và Nghị định 106/2008/NĐ-CP nêu trên, quy định: lĩnh vực sản xuất xi măng, sắt thép thuộc đối tượng được vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước.

Do đó, hiện nay VDB vẫn phải tiếp tục theo dõi giải ngân; thu hồi vốn vay đối với các hợp đồng tín dụng đã ký theo quy định tại Nghị định số 151/2006/NĐ-CP và Nghị định 106/2008/NĐ-CP nêu trên. Vì vậy, các dự án trong lĩnh vực sản xuất xi măng, sắt thép đã vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước theo Nghị định số 151 và 106, hiện nay có khó khăn vẫn thuộc đối tượng được gia hạn nợ nước theo quy định của Nghị quyết 02. Do vậy, Bộ Tài chính đề nghị giữ nguyên nội dung này như dự thảo.