Hoàn thuế giá trị gia tăng cho khách nước ngoài: Những việc cần làm ngay

PV.

(Tài chính) Thời gian qua, du khách quốc tế đến Việt Nam đánh giá cao lợi ích mà chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) mang lại cho họ. Tuy nhiên, tới đây, để chính sách này phát huy hiệu quả hơn nữa và đạt được những mục tiêu đề ra thì còn một số việc cần phải làm.

 Khách nước ngoài tìm hiểu thủ tục, điều kiện hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa mua tại Việt Nam. Nguồn: baohaiquan.vn
Khách nước ngoài tìm hiểu thủ tục, điều kiện hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa mua tại Việt Nam. Nguồn: baohaiquan.vn
Sau gần 1 năm triển khai thí điểm, nếu so với con số khoảng 6,56 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong năm 2012 thì số lượng khách nước ngoài được hoàn thuế GTGT hiện nay còn quá ít. Do vậy, để tiếp tục thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam nói chung và triển khai thành công chính sách hoàn thuế GTGT nói riêng, trong thời gian tới còn không ít việc cần phải làm.

Thứ nhất, tăng cường công tác quảng bá du lịch nói chung và đẩy mạnh công tác truyền thông đến du khách quốc tế. Hiện nay, khách du lịch quốc tế biết đến chương trình này chưa nhiều, chủ yếu chỉ biết sau khi đã đến Việt Nam. Ngoài ra, đối tượng khách được hoàn thuế chủ yếu hiện nay chủ yếu là khách tự do, trong khi lượng khách đi theo đoàn khá lớn nhưng lại được hoàn thuế chưa nhiều, trong đó nguyên nhân chính là họ chưa tiếp cận được thông tin chính sách.

Đại diện Cục Thuế Xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan) cho rằng, tới đây, cần đẩy mạnh tuyên truyền chương trình trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người cùng biết, đặc biệt là các du khách nước ngoài… Mới đây, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng kiến nghị, để tăng cường hiệu quả của chương trình hoàn thuế GTGT, Bộ Tài chính cần tính đến việc bố trí kinh phí để Bộ này tổ chức tập huấn, quảng bá nội dung này trong các sự kiện được tổ chức ở nước ngoài, phổ biến hướng dẫn chi tiết các quy định, cách thức thực hiện các thủ tục liên quan. Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, với vai trò chức năng của mình, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cần đẩy mạnh phổ biến thông tin đến các doanh nghiệp lữ hành, lồng ghép các nội dung tuyên truyền về chủ trương hoàn thuế GTGT tại các triển lãm, hội chợ giới thiệu, quảng bá du lịch Việt Nam được tổ chức trong và ngoài nước.

Ngoài ra, Bộ Ngoại giao cần tiến hành tuyên truyền thông tin hoàn thuế tại các đại sứ quán, các ngày hội văn hóa Việt Nam tổ chức tại nước ngoài. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền tại các khu vực sân bay và khu vực hoàn thuế trong, ngoài khu cách ly, lắp đặt thêm bảng hiệu và bảng hướng dẫn nổi bật, dễ nhận biết để du khách có thể tiếp cận dịch vụ nhanh chóng. Chuẩn hóa các bảng chỉ dẫn, logo nhận biết tại các cửa hàng chấp nhận hoàn thuế, nhằm tạo ra hình ảnh chuyên nghiệp về chương trình hoàn thuế.

Thứ hai, cân nhắc mở rộng bán hàng hoàn thuế cho người nước ngoài. Hiện nay, thực tế đang phát sinh một số vấn đề đáng xem xét, chẳng hạn: Doanh nghiệp (DN) tham gia thí điểm thì không bán được hàng, còn ngược lại DN bán được nhiều hàng lại không tham gia hay như hiện có nhiều điểm bán hàng nổi tiếng tại TP. Hồ Chí Minh, được du khách quốc tế ưa chuộng mua khá nhiều với các mặt hàng như sơn mài, thủ công mỹ nghệ, áo dài... nhưng các cơ sở này phần lớn của tư nhân, hộ cá thể gia đình nên không đáp ứng điều kiện để được công nhận điểm bán hàng hoàn thuế. Do vậy, cần kêu gọi, khuyến khích những đơn vị này tham gia vào chương trình. Được biết, Tổng cục Hải quan đang cân nhắc báo cáo Bộ Tài chính và Thủ tướng Chính phủ mở rộng thêm đối tượng bán hàng thí điểm hoàn thuế GTGT cho cả hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh. Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường, thời gian thí điểm hoàn thuế GTGT được Chính phủ cho phép là 2 năm, nếu triển khai thuận lợi, có thể rút ngăn thời gian thí điểm, mở rộng ra các cảng hàng không trên toàn quốc cũng như các cảng đường biển, đường bộ.

Thứ ba, cần tiếp tục hoàn thiện về chính sách thuế, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào phục vụ du khách. Trong thời gian qua, do chưa có quy định cụ thể giới hạn thời gian hành khách thực hiện thủ tục hoàn thuế nên trên thực tế đã phát sinh trường hợp hành khách dù đến trễ giờ hoặc quá giờ lên máy bay vẫn đến làm thủ tục hoàn thuế, nên đã có những phản ứng tiêu cực khi không kịp thời gian làm thủ tục. Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng cần điều chỉnh về thời gian làm thủ tục hoàn thuế trước giờ lên máy bay để người nước ngoài biết, bố trí thời gian để làm thủ tục phù hợp.

Bên cạnh đó, đối với phần mềm hoàn thuế, cần nhanh chóng xây dựng phần mềm hoàn thuế trên toàn quốc, kết nối phần mềm giữa các doanh nghiệp bán hàng với cơ quan Hải quan, Ngân hàng, Thuế, Kho bạc Nhà nước nhằm tạo sự đồng bộ về cơ sở dữ liệu, áp dụng công nghệ tiên tiến scan, mã vạch... khi nhập dữ liệu, tránh các sai sót nhầm lẫn do thao tác thủ công, rút ngắn thời gian làm thủ tục hoàn thuế cho người nước ngoài, tạo thuận lợi cho công tác hoàn thuế của ngân hàng thương mại và công tác quản lí của cơ quan Hải quan. Ngoài ra, hiện mỗi quầy thực hiện thủ tục hoàn thuế GTGT đều có bố trí từ 1 đến 2 công chức trực 24/24 giờ, làm việc theo ca. Tuy nhiên, về lâu dài khi lượng khách hàng tăng lên nhanh thì vấn đề nhân sự đủ cả về lượng lẫn chất cũng cần phải bổ sung phù hợp.

Thứ tư, chấn chỉnh ngay một số bất cập làm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Việt Nam và tính ưu việt của chính sách hoàn thuế GTGT. Hiện nay, một số cửa hàng xuất phát từ lợi nhuận, chỉ cần bán được hàng, nên mặc dù không nằm trong danh sách bán hàng thí điểm hoàn thuế GTGT vẫn hướng dẫn khách đem hóa đơn ra sân bay để hoàn thuế. Chính vì thế, khi không được hoàn thuế, không ít khách quốc tế có phản ứng tiêu cực, gây ảnh hưởng xấu đến mục đích của chương trình hoàn thuế GTGT, đến uy tín của DN trong nước cũng như hình ảnh du lịch Việt Nam.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp bán hàng hoàn thuế phát hành hóa đơn kiêm tờ khai hoàn thuế vẫn còn mắc một số lỗi về thể hiện các tiêu chí trên hóa đơn (viết thiếu ngày, thiếu chữ kí, đóng dấu thiếu, tính nhầm thuế, viết sai tên hành hành khách, không thể hiện hàng hóa bằng tiếng Việt...) cũng khiến cho việc hoàn thuế khó thực hiện. Ngoài ra, một số DN lữ hành vì lợi nhuận nên chỉ tổ chức đưa du khách đến các điểm tham quan, mua sắm quen không thuộc địa điểm được công nhận, nên du khách cũng không biết đến chương trình hoàn thuế. Đây là những bất cập cần hạn chế trong thời gian tới.

Thứ năm, đẩy mạnh các hoạt động để khuyến khích du khách quốc tế mua và tham gia hoàn thuế đối với các hàng hóa nội địa. Một điều khá bất cập trong thời gian qua đó là chiếm phần lớn lượng hàng hóa được hoàn thuế chủ yếu sản phẩm hàng thời trang, quần áo, giày dép, túi xách, đồng hồ, nữ trang cao cấp được nhập khẩu từ nước ngoài. Ngay như tại TP. Hồ Chí Minh - địa phương dẫn đầu về việc bán hàng và hoàn thuế cho du khách, với số lượng và doanh số các giao dịch hoàn thuế chiếm tỷ lệ hơn 90%, thì việc hoàn thuế GTGT hầu hết là sản phẩm hàng hóa cao cấp được nhập khẩu từ nước ngoài và thực hiện chủ yếu ở một số ít DN có kênh phân phối tại các hệ thống trung tâm thương mại lớn.

Trong khi đó, nhiều hướng dẫn viên du lịch cho biết, hiện nay rất nhiều sản phẩm hàng hóa, thủ công mỹ nghệ rất được khách du lịch quốc tế mua khi đến du lịch Việt Nam song lại chưa được hoàn thuế. Có thể nói, vì các sản phẩm, hàng hóa nội địa sản xuất chưa được tiêu thụ nhiều do vậy mục tiêu kích cầu tiêu dùng hàng nội địa, kích thích sản xuất trong nước phát triển vẫn chưa được như mong đợi. Do vậy tới đây, cần nhanh chóng có các cách thức để thu hút du khách mua hàng nội địa và tạo mọi thuận lợi cho công tác hoàn thuế đối với mặt hàng này.

Thứ sáu, cần sự chung tay và vào cuộc của toàn xã hội. Có thể khẳng định, để chính sách hoàn thuế GTGT cho khách quốc tế đạt hiệu quả không phải là nhiệm vụ riêng của một cơ quan hay DN nào, mà là nhiệm vụ chung của toàn xã hội. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường cho biết, để việc thực hiện hoàn thuế GTGT đạt hiệu quả, từ phía các cơ quan hải quan, thuế, ngân hàng, ngoại giao, du lịch cho đến DN phải thể hiện được tinh thần phục phong cách phục vụ nhanh chóng, tận tình và chuyên nghiệp.

Ngoài ra, nhiều ý kiến đồng thuận rằng, tất cả người dân cũng phải thể hiện trách nhiệm của mình trong việc quảng bá sản phẩm du lịch, thủ công mỹ nghệ và giới thiệu tính ưu việt của chính sách hoàn thuế GTGT, từ đó góp phần nâng cao hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế, thu hút ngày càng nhiều du khách đến Việt Nam. Ngược lại, chính người dân cũng sẽ được thụ hưởng nhiều lợi ích từ việc lượng khách quốc tế và lượng hàng hóa hoàn thuế tăng.