Hướng dẫn mới về chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa

PV.

Ngày 26/8/2016, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 133/2016/TT- BTC hướng dẫn Chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa thay thế Quyết định số 48/2006/QĐ-BTC. Thông tư này chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017.

Thông tư 133/2016/TT-BTC mang tính cởi mở, linh hoạt cao và đưa ra nhiều lựa chọn cho doanh nghiệp. Nguồn: Internet
Thông tư 133/2016/TT-BTC mang tính cởi mở, linh hoạt cao và đưa ra nhiều lựa chọn cho doanh nghiệp. Nguồn: Internet

Theo đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) có thể lựa chọn áp dụng chế độ kế toán theo Thông tư 200/2014/TT-BTC và các văn bản sửa đổi, thay thế nhưng phải báo cho cơ quan thuế. Đặc biệt, thông tư này mang tính cởi mở, linh hoạt cao và đưa ra nhiều lựa chọn cho DN, cụ thể:

- Chế độ kế toán chủ yếu quy định đến tài khoản (TK) cấp 1, chỉ một số ít TK chi tiết đến cấp 2, mỗi tài khoản chỉ phản ánh một nội dung chứ không có riêng TK ngắn hạn, dài hạn. DN được tự chi tiết và theo dõi ngắn hạn, dài hạn hoặc mở các tài khoản chi tiết theo yêu cầu quản lý của mình.

- Dỡ bỏ toàn bộ sự bắt buộc đối với chứng từ và sổ kế toán. DNNVV sẽ được tự xây dựng hệ thống chứng từ và sổ kế toán để đáp ứng yêu cầu quản trị, điều hành phù hợp với đặc thù hoạt động của mình miễn là đáp ứng được các yêu cầu của Luật Kế toán;

- Chế độ kế toán chỉ quy định về nguyên tắc kế toán mà không quy định chi tiết các bút toán. Bằng cách vận dụng nguyên tắc kế toán, DNNVV sẽ được tự quyết định các bút toán ghi sổ sao cho phù hợp nhất với quy trình luân chuyển chứng từ và thói quen của mình miễn là trình bày báo cáo tài chính đúng quy định. Đối với các DNNVV không thể tự vận dụng nguyên tắc kế toán để ghi sổ (lập bút toán định khoản) thì có thể tham khảo các sách hướng dẫn nghiệp vụ.

- DNNVV được tự lựa chọn đồng tiền ghi sổ kế toán khi đáp ứng được các tiêu chí Chế độ quy định.

- DNNVV được tự quyết định ghi hoặc không ghi doanh thu từ các giao dịch nội bộ mà không phụ thuộc chứng từ xuất ra là hóa đơn giá trị gia tăng hay phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ.

- Được tự quy định cho đơn vị hạch toán phụ thuộc ghi nhận khoản vốn nhận từ DN là nợ phải trả hoặc vốn chủ sở hữu.

- Được lựa chọn biểu mẫu báo cáo tài chính theo tính thanh khoản giảm dần hoặc phân biệt ngắn hạn, dài hạn theo truyền thống…

Bên cạnh đó, về tài khoản kế toán DNNVV, Thông tư số 133/2016/TT-BTC quy định, kế toán phải mở sổ kế toán ghi chép hàng ngày theo trình tự phát sinh các khoản thu, chi, nhập, xuất các loại tiền và tính số tồn tại quỹ, từng tài khoản. Các khoản thu, chi bằng tiền mặt phải có phiếu thu, phiếu chi và có đủ chữ ký theo quy định. Khoản hạch toán tiền gửi ngân hàng phải có giấy báo Nợ, báo Có hoặc bảng sao kê của ngân hàng.

Trong trường hợp nếu DN sử dụng tỷ giá giao dịch thực tế để hạch toán bên Có thì khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh trong kỳ được ghi nhận tại thời điểm chi tiền hoặc ghi nhận định kỳ. Nguyên tắc ghi sổ kế toán, kết cấu và nội dung phản ánh của từng Tài khoản kế toán cụ thể xem tại thông tư này.

DNNVV phải lập và gửi Báo cáo tài chính năm chậm nhất là 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính cho cơ quan thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thống kê. Riêng đối với các DNNVV nằm trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao còn phải nộp Báo cáo tài chính năm cho Ban quản lý khu nếu được yêu cầu.

Ngoài ra, Thông tư 133/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính còn có những quy định về chứng từ kế toán, sổ kế toán và hình thức kế toán DNNVV.

Theo đánh giá của các chuyên gia, thông tư này đã đưa ra một số nội dung mang tính thông lệ thế giới như ghi nhận doanh thu tương ứng với nghĩa vụ thực hiện, đánh giá tổn thất khoản cho vay và bất động sản đầu tư phân loại chứng khoán kinh doanh và đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn.