Hướng tới hài hòa quy định TPP trong Luật Hải quan sửa đổi

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Trao đổi về dự thảo Luật Hải quan (sửa đổi) với phóng viên, đại biểu Quốc hội Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Quốc hội cho rằng, Luật sửa đổi cần giải quyết được mâu thuẫn là không quá “đóng” và cũng không được “lỏng”.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Phóng viên: Thưa ông, ông có ý kiến gì về việc xây dựng Luật Hải quan sửa đổi?

Đại biểu Quốc hội Đinh Xuân Thảo: Ngành Hải quan là ngành phát triển sớm, cũng là lĩnh vực sớm có luật nên trong xu hướng hội nhập, Luật Hải quan cần được sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn.

Nước ta cơ cấu tăng trưởng chủ yếu dựa vào xuất khẩu, do đó vấn đề thông quan hàng hóa nhanh chóng là vấn đề quan trọng, nhưng bên cạnh đó cũng có những khó khăn là cần thực hiện nghiêm sách pháp luật của Nhà nước. Do đó, Luật Hải quan sửa đổi cần giải quyết được mâu thuẫn không quá “đóng” để đáp ứng yêu cầu hội nhập mà cũng không “lỏng” để quản lý nghiêm, vì vậy luôn cần nghiên cứu, tiếp thu kinh nghiệm của các nước phát triển để chỉnh sửa, hoàn thiện luật.

Quan điểm của ông như thế nào về yêu cầu nội luật hóa các cam kết quốc tế đáp ứng yêu cầu hội nhập và tạo thuận lợi cho các hoạt động xuất nhập khẩu của Luật Hải quan (sửa đổi)?

Hoạt động kinh tế liên quan đến đối ngoại luôn có thay đổi. Gia nhập ASEAN hay WTO đều yêu cầu những thỏa thuận về thuế quan không có lợi cho doanh nghiệp Việt Nam khi sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước chưa tương đồng với doanh nghiệp các nước.

Trong sửa đổi Luật Hải quan lần này, yêu cầu Luật phải hướng tới hài hòa quy định của đàm phán TPP (Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương) nên trong Luật cần có quy định theo hướng mở và để cho Chính phủ quy định cụ thể sau khi tiến trình đàm phán kết thúc.

Luật sửa đổi cần quy định mang tính nguyên tắc và toàn diện phù hợp với hệ thống pháp luật Việt Nam, tình hình hợp tác quốc tế, quán triệt tinh thần nội luật hóa quy định quốc tế nhưng những quy định về thuế suất thì không thể đưa vào luật được mà cần giao cho Chính phủ. Có khá nhiều việc phải giao cho Chính phủ nhưng theo tôi nghĩ là cần thiết.

Ngoài ra, ở các ngành khác như ngoại giao, thương mại có cơ quan, nhân sự ở nước ngoài. Theo tôi ngành Hải quan cần thiết phải có nhân sự ở nước ngoài bên cạnh cơ quan đại sứ, tham tán, thương vụ nhằm chủ động kiểm tra được giá cả hàng hóa ở bên ngoài Việt Nam bởi hoạt động kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp ở các nước hiện khá phức tạp.

Để thực hiện điều này cần có quy định khung trong Luật Hải quan sửa đổi và sửa đổi, bổ sung Luật cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài bởi khi xây dựng Luật cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài chưa xác định trong thành phần có cơ quan hải quan nhưng nay xét trong yêu cầu thực tiễn thì có thể sửa đổi, bổ sung 1 điều trong dự Luật.

Xin cảm ơn ông!

Đại biểu Đinh Văn Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội

Căn cứ để xây dựng tổ chức hải quan trước hết là dựa trên quy mô hoạt động xuất nhập khẩu của từng vùng nên có thể một tỉnh có một cục hải quan, cũng có tỉnh không có cục hải quan nào nhưng một tỉnh cũng có thể có cục hải quan và nhiều chi cục trực thuộc do quy mô hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn lớn. Cơ cấu tổ chức của cơ quan hải quan cần gắn với hoạt động kinh tế chứ không phải gắn với địa giới hành chính. Điều này vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn vừa phù hợp với việc xây dựng tổ chức bộ máy hải quan trên thế giới.

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên, Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội

Những yêu cầu sửa Luật Hải quan luôn đúng bởi yêu cầu hội nhập mà không sửa Luật thì tự loại mình ra khỏi cuộc chơi, nhưng vấn đề quan trọng cũng là điều mà nhiều Đại biểu Quốc hội băn khoăn là quy định sao cho việc tổ chức thực hiện không gây khó khăn cho cả 2 phía, phía doanh nghiệp là người thực hiện và cơ quan hải quan là người giám sát, thực hiện Luật.

Để thực hiện được điều này, theo tôi, ví dụ như trong Luật phải xác định được rõ một cửa khẩu quốc tế, quốc gia cần được trang bị thiết bị gì, máy soi công nghệ như thế nào, việc đầu tư trụ sở mất bao kinh phí bao nhiêu… để đạt tiêu chuẩn là một cửa khẩu quốc gia hay cửa khẩu quốc tế. Chỉ khi cửa khẩu nào được đầu tư trang thiết bị đạt chuẩn thì mới được công nhận. Ngược lại, khi đã được công nhận đạt tiêu chuẩn là cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu quốc gia thì phải đảm bảo yêu cầu chống thất thu, chống gian lận thương mại…

Đại biểu Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Theo tôi những quy định trong dự thảo Luật Hải quan hướng đến mục tiêu hội nhập cơ bản là đạt yêu cầu. Có ý kiến cho rằng ngành Hải quan đổi mới nhanh có khiến các lĩnh vực khác không theo kịp. Theo tôi, hải quan là lĩnh vực thông thương với thế giới nên không thể không phát triển nhanh được, “đi nhanh” là đúng. Tôi đã đi qua nhiều nước và thấy ngành Hải quan Việt Nam đã có những tiến bộ nhất định so với một số nước. Trong xu thế hội nhập với thế giới thì ngành còn cần tiến nhanh hơn nữa.