Khẩn trương hoàn thiện Dự án Luật Hải quan sửa đổi

Theo Cổng thông tin Điện tử Bộ Tài chính

(Tài chính) Tổng cục Hải quan đang hoàn thiện các nội dung sẽ được quy định tại Dự án Luật Hải quan sửa đổi trước khi đưa ra lấy ý kiến rộng rãi các bộ, ngành cùng cộng đồng doanh nghiệp, sớm hoàn thiện trình Bộ Tài chính, Chính phủ, dự kiến đưa ra Quốc hội ý kiến tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2013) và Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 6 (cuối năm 2013).

Khẩn trương hoàn thiện Dự án Luật Hải quan sửa đổi
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đạt hiệu quả chiến lược

Theo Tổng cục Hải quan, Luật Hải quan (thực hiện từ 2002 đến nay) về cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra khi ban hành, các quy định trong Luật đã được phát huy trong thực tế, đạt được các mục tiêu chiến lược.

Thứ nhất, thủ tục hải quan đã được công khai, minh bạch, đơn giản và thuận lợi hơn; thời gian thông quan hàng hóa được rút ngắn, phù hợp với yêu cầu cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ…

Thứ hai, Luật Hải quan đã nội luật hóa nhiều chuẩn mực quốc tế liên quan đến lĩnh vực hải quan đã được Việt Nam ký kết, hội nhập với nền kinh tế thế giới; bước đầu tạo cơ sở để ngành Hải quan thực hiện triển khai hiện đại hóa.

Thứ ba, Luật Hải quan đã hình thành cơ sở pháp lý để thực hiện phòng ngừa hành vi gian lận trốn thuế ; nâng cao hiệu quả công tác thu thuế, đồng thời tăng cường, chủ động phối hợp với các lực lượng liên ngành tiến hành hoạt động phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại trong và ngoài địa bàn hoạt động Hải quan.

Thứ tư, những ưu điểm tiến bộ của Luật Hải quan đã góp phần thúc đẩy cải cách, tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư, kinh doanh, đảm bảo lợi ích chính trị, chủ quyền, an ninh quốc gia, được cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân có liên quan ghi nhận.

Theo Tổng cục Hải quan, Dự án Luật Hải quan sửa đổi được xây dựng trên cơ sở kế thừa ưu điểm của Luật Hải quan (2002); sửa đổi, bổ sung những nội dung mới trên cơ sở kinh nghiệm đúc kết qua quá trình thực hiện pháp luật về hải quan trong những năm qua; đồng thời tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm về tổ chức và hoạt động của hải quan các nước trong khu vực và trên thế giới, vận dụng các chuẩn mực và điều ước quốc tế có liên quan đến hoạt động Hải quan Việt Nam đã ký kết, tham gia.

Luật hóa nhiều lĩnh vực còn khoảng trống

Dự án Luật Hải quan sửa đổi gồm 112 Điều, được bố cục thành 9 Chương, trong đó giữ nguyên 34 Điều, sửa đổi 44 Điều, bổ sung 34 Điều mới.

Bên cạnh những ưu điểm tích cực, theo Tổng cục Hải quan cùng với sự phát triển nhanh của hoạt động kinh tế-xã hội, đến nay Luật Hải quan và các văn bản hướng dẫn thi hành đã bộc lộ một số hạn chế cần được bổ sung, hoàn thiện.

Cụ thể, Luật Hải quan sẽ Luật hóa đẩy đủ những quy định về kiểm tra, giám sát hải quan đối với tất cả các loại hình hàng hóa xuất nhập khẩu được quy định tại Luật Thương mại, Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (Luật Hải quan hiện hành chưa bao quát được).

Các vấn đề như quyền, nghĩa vụ các bên tham gia xuất nhập khẩu, nhiều chuẩn mực quốc tế mới chỉ được quy định tại văn bản dưới luật, như: chế độ ưu tiến với doanh nghiệp, xác định trước mã số, xuất xứ hàng hóa, trị giá hải quan, thông báo thông tin trước khi tàu đến cảng, làm thủ tục hải quan ngoài giờ hành chính, địa bàn hoạt động Hải quan, giám sát hải quan, địa điểm tính thuế, giá tính thuế, đại lý Hải quan… sẽ được cân nhắc quy định vào Luật để đảm bảo cơ sở pháp lý thực hiện.

Về địa bàn hoạt động Hải quan, dự án Luật bổ sung theo hướng mở rộng so với Luật hiện hành để bao quát được hết các địa điểm hoạt động xuất nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh hàng hóa mà hiện tại Luật hiện hành chưa quy định nhưng đã phát sinh trong thực tiễn thực hiện những năm qua. 

Mục tiêu trọng yếu của dự án Luật Hải quan

Một là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hải quan theo hướng đơn giản, rõ ràng, công khai, tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hoá, phương tiện vận tải. 

Hai là, đẩy mạnh công tác hiện đại hoá hải quan theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và các phương tiện kỹ thuật hiện đại trong hoạt động kiểm tra, giám sát hải quan…

Ba là, nâng cao hiệu lực và hiệu quả của công tác quản lý hải quan phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới, gian lận thương mại…

Bốn là, bảo đảm tính thống nhất, khả thi của pháp luật hải quan, phù hợp với văn bản pháp luật có liên quan và phù hợp với thực tiễn.