Kiến nghị Bộ Y tế khẩn trương ban hành danh mục sữa

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Trong văn bản mới đây gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế ban hành ngay danh mục sữa và các sản phẩm từ sữa thuộc sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi được quy định tại Luật Giá.

Khi các sản phẩm trước đây gọi là sữa nay “thay tên đổi họ”, thì nghiễm nhiên thoát khỏi danh mục bình ổn giá quy định trong Luật Giá. Nguồn: internet
Khi các sản phẩm trước đây gọi là sữa nay “thay tên đổi họ”, thì nghiễm nhiên thoát khỏi danh mục bình ổn giá quy định trong Luật Giá. Nguồn: internet
Bộ Tài chính cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) rà soát, đánh giá lại việc phân loại hàng hóa nhập khẩu, đảm bảo thống nhất việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam với Công ước HS và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia Việt Nam đối với mặt hàng sữa.

Theo Bộ Tài chính, sau khi Bộ Y tế ban hành danh mục sữa và các sản phẩm từ sữa, Bộ Tài chính sẽ tiến hành ngay triển khai việc kê khai giá, trong đó yêu cầu Sở Tài chính các tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, phân phối sản phẩm (trước đây là sữa đã đăng ký giá với các cơ quan quản lý giá) thực hiện kê khai giá và báo cáo về việc điều chỉnh giá với các cơ quan quản lý giá) thực hiện kê khai giá và báo cáo về việc điều chỉnh giá về Bộ Tài chính để có các biện pháp xử lý nếu vi phạm pháp luật về giá.

Bộ Tài chính cũng kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế ban hành ngay thông tư hướng dẫn mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi theo quy định tại Điểm h, Khoản 2, Điều 15 của Luật Giá để thực hiện thống nhất.

Được biết, ngay sau khi các mặt hàng thực tế luôn được gọi là sữa sau khi thực hiện quy chuẩn của Bộ Y tế thành sản phẩm dinh dưỡng, sản phẩm chức năng… thì trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định hướng dẫn một số điều của Luật Giá, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất Chính phủ đưa hàng hóa này (dù dưới bất cứ hình thức tên gọi nào nhưng thực chất là sữa bột cho trẻ em dưới 6 tuổi) vào diện kê khai giá. Đồng thời, Bộ Tài chính đã chủ động làm việc trực tiếp với Bộ Y tế và có các công văn gửi Bộ Y tế và các DN kinh doanh sữa.

Về cốt lõi của sự việc, khi các sản phẩm trước đây gọi là sữa nay “thay tên đổi họ”, thì nghiễm nhiên thoát khỏi danh mục bình ổn giá quy định trong Luật Giá. Chính vì thế, cơ quan quản lý giá không có căn cứ để đề xuất bình ổn giá đối với mặt hàng này.

Sau rất nhiều công văn qua lại trao đổi giữa hai Bộ Tài chính và Bộ Y tế, Bộ Y tế đã có công văn số 5560/BYT-ATTP ngày 6/9/2013 về phân loại sản phẩm thuộc danh mục phải thực hiện bình ổn giá trả lời Bộ Tài chính như sau: “Sữa và sản phẩm dinh dưỡng có chứa sữa thuộc nhóm thực phẩm bổ sung hoặc nhóm thực phẩm sử dụng với mục đích đặc biệt dùng cho trẻ em dưới 6 tuổi. Cụ thể một số dòng sản phẩm như sau: Sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ từ 0-36 tháng tuổi; Sữa và sản phẩm dinh dưỡng có chứa sữa được bổ sung hoặc không bổ sung vi chất dinh dưỡng nhưng không theo công thức đã quy định trong các quy chuẩn kỹ thuật có công bố sử dụng cho trẻ dưới 6 tuổi”.

Như vậy, về bản chất, các sản phẩm thuộc diện điều chỉnh trong 3 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia nêu trên là các sản phẩm thuộc nhóm sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi theo quy định của Luật Giá. Tuy nhiên, đây không phải là văn bản quy phạm pháp luật nên trong công văn gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Y tế cần phải có hướng dẫn dưới dạng văn bản pháp luật để thực hiện chung.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý giá Bộ Tài chính Nguyễn Anh Tuấn, ngay sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và quy chuẩn tên gọi của những sản phẩm này, Bộ Tài chính sẽ lập tức yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện đăng ký giá, đồng thời tiến hành thanh tra, kiểm tra một số doanh nghiệp đưa hàng hóa ra thị trường có mức giá bất thường.

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng sẽ yêu cầu doanh nghiệp kê khai mức giá vốn, làm cơ sở phân tích những yếu tố không hợp lý để có biện pháp tác động vào chi phí nhằm bình ổn giá với sản phẩm này.