Kiến nghị giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 20 - 23%, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó

Hải Phan

(Tài chính) Dự thảo sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp đã được Bộ Tài chính cơ bản hoàn tất để trình Chính phủ và Quốc hội thông qua. Điểm nổi bật của Dự thảo sửa đổi lần này là thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ giảm từ mức 25% hiện nay, xuống còn 20 - 23%.

Điểm nổi bật nhất trong dự thảo sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) do Bộ Tài chính thực hiện và vừa mới hoàn tất là đề xuất hạ thuế suất thuế TNDN. Cụ thể, dự thảo Luật thuế TNDN kiến nghị kể từ ngày 1/1/2014, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) sẽ được giảm thuế TNDN xuống mức 20% và  các thành phần DN còn lại sẽ được hưởng mức thuế suất thuế TNDN 23%.
 
Được biết, sở dĩ riêng DNNVV được áp dụng thuế suất thấp hơn là 20% là điều đã được Bộ Tài chính tính toán và cân nhắc rất kỹ. Đây có thể nói là sự hỗ trợ và ưu đãi lớn với cộng đồng DNNVV hiện chiếm đa số tại Việt Nam. Theo thống kê mới nhất, cả nước hiện có trên 500.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm tới 98% số lượng doanh nghiệp đang hoạt động, do đó có thể nói phần lớn các DN Việt Nam sẽ được hưởng mức thuế suất thuế TNDN 20% khi Dự thảo Luật trên được thông qua. Tiêu chí nhóm đối tượng này là trong thời gian ổn định 2 năm liền kề trước, các DN sử dụng bình quân dưới 200 lao động làm việc toàn bộ thời gian và có doanh thu bình quân năm không quá 20 tỷ đồng. Nếu Luật thông qua, Bộ sẽ có thông tư hướng dẫn cụ thể thêm như đối với DN thành lập mới thì việc xác định DNNVV trong kỳ tính thuế đầu tiên sẽ dựa trên doanh thu tạm tính và số lao động đăng ký sử dụng. Đối với doanh nghiệp hoạt động chưa đủ 2 năm thì dựa trên doanh thu và số lao động sử dụng toàn thời gian bình quân của năm đầu thành lập. Khi quyết toán thuế năm sẽ điều chỉnh theo số thực tế.

Theo Luật Thuế  TNDN hiện hành, mức thuế suất phổ thông là 25% được áp dụng cho mọi loại hình DN, không phân biệt giữa các thành phần kinh tế trong và ngoài nước. Thực tế, đây là mức thuế suất trung bình so với nhiều quốc gia trên thế giới và trong khu vực.

Tuy nhiên, để giảm chi phí cho DN, giúp cộng đồng DN vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay, nhất là cộng đồng DNNVV đã phải chịu nhiều áp lực trong kinh doanh suốt hai năm qua, Bộ Tài chính đã quyết định kiến nghị đẩy sớm lộ trình giảm thuế TNDN. Điều này cũng phù hợp với xu thế hội nhập của tài chính Việt Nam; phù hợp với lộ trình trong Chiến lược cải cách thuế với mục tiêu đặt ra đến năm 2020 là thuế suất chỉ còn 20%.

Ở Việt Nam, từ khi ban hành Luật Thuế TNDN đến nay, thuế suất thuế TNDN liên tục được Bộ Tài chính và Chính phủ kiến nghị điều chỉnh theo hướng ngày một hạ thấp. Nếu như thuế suất thuế TNDN của năm 1997 là 32% áp dụng đối với các DN trong nước và thuế suất 25% áp dụng đối với các DN FDI thì đến năm 2003, thuế suất thuế TNDN đã được áp dụng thống nhất một mức là 28% đối với cả DN trong nước và DN FDI; đến năm 2008, thuế suất thuế TNDN tiếp tục được điều chỉnh giảm từ 28% xuống mức 25%, áp dụng thống nhất với cả DN trong nước và DN FDI.

Việc điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế TNDN về 20 - 23%, theo các chuyên gia kinh tế là phù hợp với xu hướng cải cách thuế trên thế giới và nhất là phù hợp với bối cảnh kinh tế nước ta. Một là nền kinh tế bị ảnh hưởng lớn của khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu đang cần phải phục hồi để phát triển mạnh trong các năm sắp tới theo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đã được Đại hội XI của Đảng đề ra. Theo nguyên lý thông thường, một trong những giải pháp quan trọng để phục hồi nền kinh tế đang suy giảm là giảm thuế. Vì vậy, kiến nghị giảm mức thuế suất thuế TNDN như nói trên là kịp thời và rất phù hợp. Vì vậy, khi thuế TNDN về mức 20 - 23%, Việt Nam sẽ tăng thêm tính cạnh tranh nhằm thu hút đầu tư cả với DN trong nước cũng như DN FDI. Thuế suất 20% cũng là tương đồng với nhiều nước đang phát triển.

Theo TS. Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam, hiện nay các DNNVV trong nước đang gặp nhiều khó khăn về vốn, về khả năng cạnh tranh, về đổi mới công nghệ, về đào tạo nguồn nhân lực, về cơ sở hạ tầng... dẫn đến chi phí lớn, giá thành cao, hiệu quả thấp. Vì vậy, việc giảm mức thuế suất thuế TNDN xuống 20% sẽ là tạo điều kiện cho các DN bớt khó khăn hơn để phát triển sản xuất, nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài, phù hợp với nguyện vọng của nhiều DN, doanh nhân.

Thông qua việc giảm thuế TNDN về 20 - 23%, ngành Tài chính còn góp phần ngăn chặn việc chuyển lợi nhuận qua giá. Nếu Việt Nam thực hiện giảm thuế suất thuế TNDN, một số DN liên kết sẽ ngừng các giao dịch liên kết, qua đó, vừa hạn chế được việc chuyển lợi nhuận qua giá, vừa giúp các cơ quan quản lý có thể phân tích tìm ra một số DN liên kết để theo dõi và ngăn ngừa các hành vi chuyển lợi nhuận qua giá trong tương lai.    

Vấn đề đặt ra là giảm thuế suất thuế TNDN từ 25% xuống 20 - 23% có dẫn đến làm giảm số thu của NSNN không? Thực tế đã chứng minh và sẽ khẳng định việc giảm suất thuế TNDN từ 25% xuống 20 - 23% sẽ không dẫn đến giảm số thu thuế TNDN. Thứ nhất, việc giảm thuế sẽ thu hút thêm được nhiều DN trong nước thành lập mới và DN FDI đầu tư vào Việt Nam; khuyến khích các DN đang kinh doanh đẩy mạnh sản xuất, tăng thêm doanh thu và thu nhập cho nên diện nộp thuế và số thuế nộp đều có cơ hội tăng lên cao hơn. Việc giảm mức thuế suất cũng trực tiếp góp phần làm cho công tác thu nộp thuế trở nên dễ chịu hơn, số vi phạm và số thuế gian lận, nợ đọng cũng vì thế mà có xu hướng giảm bớt, dẫn đến số thu thuế vào NSNN có điều kiện tăng cao hơn.     

Điều này cũng đã được kiểm nghiệm trong thực tế hơn 20 năm qua. Từ năm 1990 đến năm 2010, Việt Nam liên tục điều chỉnh giảm thuế suất thuế TNDN nhưng số thu thuế TNDN vào ngân sách nhà nước luôn hoàn thành vượt mức được giao, đạt số thu năm sau tăng cao hơn năm trước. Số thu thuế TNDN nộp vào NSNN năm 2001 là 14.128 tỷ đồng, năm 2002 là 16.585 tỷ đồng (tăng so với năm trước là 17,4%); năm 2003 là 19.539 tỷ đồng (tăng 17,8%); năm 2004 là 23.322 tỷ đồng (tăng 19,4%); năm 2005 là 29.000 tỷ đồng (tăng 25%); năm 2006 là 36.000 tỷ đồng (tăng 23,6%); năm 2007 là 41.700 tỷ đồng (tăng 15,7%), năm 2008 là 66.000 tỷ đồng (tăng 59%), năm 2009 là 57.600 tỷ đồng (giảm 13%) và năm 2010 là gần 80.000 tỷ đồng (tăng 38,7%). Số thu năm 2010 gấp gần 3 lần số thu năm 2005 và gấp gần 6 lần số thu năm 2001.

Do vậy, việc kiến nghị giảm mức thuế suất thuế TNDN từ 25% xuống 20 - 23% trong tình hình hiện nay ở nước ta vẫn có thể kỳ vọng tăng thu cho ngân sách nhà nước trong tương lai.