Kiến nghị một số nội dung bổ sung mới vào Luật Ngân sách Nhà nước

Đỗ Việt Đức - Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính

(Tài chính) Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN) hiện hành chưa có quy định về thẩm quyền quyết định các giải pháp điều hành ngân sách trong trường hợp cấp bách (lạm phát, suy giảm kinh tế ảnh hưởng lớn và rất nhanh đến thực hiện dự toán NSNN…). Trong thời gian qua, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định các giải pháp điều hành tài chính ngân sách kịp thời ứng phó với các biến động này.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Về thẩm quyền quyết định các biện pháp cần thiết khi có biến động lớn, bất thường về tài chính – NSNN

Để đảm bảo tính pháp lý và chủ động điều hành ngân sách trong trường hợp cấp bách xảy ra, Dự án Luật NSNN (sửa đổi) đưa thêm quy định: Chính phủ quyết định các biện pháp cần thiết khi có biến động lớn, bất thường ảnh hưởng tới tài chính – ngân sách nhà nước theo thẩm quyền. Trường hợp thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi thực hiện và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Ở địa phương thì UBND cấp tỉnh quyết định các biện pháp cần thiết khi có biến động lớn, bất thường ảnh hưởng tới tài chính – ngân sách địa phương theo thẩm quyền; trường hợp thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND cấp tỉnh, UBND cấp tỉnh báo cáo Thường trực HĐND cùng cấp cho ý kiến trước khi thực hiện và báo cáo HĐND cùng cấp tại kỳ họp gần nhất.

Về kế hoạch tài chính – ngân sách 5 năm

Luật NSNN hiện hành quy định Quốc hội quyết định chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo cân đối thu, chi NSNN. Tuy nhiên, chưa có quy định về việc lập kế hoạch tài chính – ngân sách 5 năm, trong khi đó hiện nay chúng ta có kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm.

Để từng bước nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, quyết định dự toán ngân sách hàng năm phải nằm trong kế hoạch tài chính – ngân sách 5 năm nhằm hạn chế bố trí dàn trải và việc ban hành chính sách để có nguồn ngân sách thực hiện, bởi vậy cần bổ sung quy định: Quốc hội quyết định định hướng kế hoạch tài chính – ngân sách 5 năm gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm.

Về trách nhiệm báo cáo, giải trình

Hiện nay, trách nhiệm giải trình dự toán, phân bổ dự toán, thực hiện và quyết toán NSNN trước Quốc hội, HĐND các cấp chủ yếu tập trung vào các cơ quan tổng hợp (cơ quan tài chính, cơ quan kế hoạch và đầu tư các cấp); chưa có quy định về trách nhiệm báo cáo, giải trình của các bộ, cơ quan trung ương và các cơ quan, đơn vị dự toán cấp I ở địa phương trước Quốc hội, HĐND, Thường trực HĐND trong việc lập, phân bổ, chấp hành, quyết toán ngân sách. Trong khi các đơn vị này được Quốc hội, HĐND cấp trên quyết định dự toán ngân sách để thực hiện các nhiệm vụ chính trị của mình.

Để nâng cao trách nhiệm của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương và các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách trong việc quản lý sử dụng NSNN, hạn chế thất thoát, lãng phí, Dự án Luật NSNN (sửa đổi) cần có thêm quy định về trách nhiệm giải trình của các bộ, cơ quan trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; trách nhiệm báo cáo, giải trình của các đơn vị dự toán cấp I các cấp ngân sách ở địa phương trước HĐND, thường trực HĐND cùng cấp và UBND cấp dưới trước HĐND, thường trực HĐND cấp trên trong việc lập, phân bổ, thực hiện và quyết toán ngân sách.

Về việc đánh giá kết quả, hiệu quả chi ngân sách gắn với công tác quyết toán ngân sách

Luật NSNN hiện hành chưa có quy định hàng năm các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách được Thủ tướng Chính phủ, UBND các cấp giao dự toán và UBND cấp dưới phải báo cáo kết quả thực hiện ngân sách gắn với việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Các cơ quan nhà nước được phân công quản lý ngành, lĩnh vực, chương trình mục tiêu quốc gia tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện ngân sách gắn với việc thực hiện nhiệm vụ của ngành, lĩnh vực, chương trình mục tiêu quốc gia, gửi cùng báo cáo quyết toán NSNN hàng năm.

Để đánh giá được kết quả, hiệu quả chi ngân sách đối với từng ngành, lĩnh vực và của từng cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách địa phương, Dự án Luật NSNN (sửa đổi) quy định: Hàng năm, các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách được Thủ tướng Chính phủ, UBND các cấp giao dự toán và UBND cấp dưới phải báo cáo kết quả thực hiện ngân sách gắn với việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương mình gửi cùng báo cáo quyết toán ngân sách hàng năm.

Các cơ quan nhà nước quản lý ngành, lĩnh vực, chương trình mục tiêu quốc gia có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ của ngành, lĩnh vực, chương trình mục tiêu quốc gia được phân công quản lý, gửi cùng báo cáo quyết toán ngân sách hàng năm.

Về thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan Kiểm toán Nhà nước

Luật NSNN hiện hành chưa có quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan Kiểm toán Nhà nước trong công tác lập dự toán và quyết toán ngân sách; trong khi đó những quy định này đã được thể hiện trong Luật Kiểm toán nhà nước.

Dự án Luật NSNN (sửa đổi) quy định một Điều về: nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán Nhà nước trong việc lập dự toán, quyết toán NSNN thực hiện theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước.

          Bài đăng trên Báo Kiểm toán số 3 - 2014