Loại bỏ những bất cập về phí

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Từ việc lạm thu phí hay "dựa hơi" phí, lệ phí để tăng gánh nặng lên vai người dân cho đến cơ chế quản lý, sử dụng phí, lệ phí hết sức chồng chéo. Vì thế dự kiến, khi đăng ký chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2015, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ để trình Quốc hội dự án Luật Phí và lệ phí, nhằm khắc phục những bất cập hiện hành.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Quy về một mối

Theo Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) Ngô Hữu Lợi, trước khi có Pháp lệnh Phí, lệ phí, đã có khá nhiều khoản thu được gọi là phí, lệ phí cho nên cần được rà soát, quy định cụ thể về danh mục. Từ khi Pháp lệnh Phí, lệ phí có hiệu lực thi hành (năm 2002) đến năm 2007, Bộ Tài chính đã phối hợp các bộ, ngành và địa phương rà soát, bãi bỏ hơn 340 khoản phí, lệ phí ban hành không đúng quy định.

Theo Bộ Tài chính, hiện nay có 280 khoản phí, lệ phí đã có văn bản hướng dẫn thực hiện, còn lại 21 khoản phí, lệ phí tuy có trong danh mục nhưng chưa ban hành văn bản thu (chưa thu). Trong 280 khoản, HĐND cấp tỉnh có thẩm quyền ban hành 25 khoản phí và 16 khoản lệ phí. Pháp lệnh Phí, lệ phí đã quy định danh mục chung về các nhóm phí, lệ phí, gồm 73 nhóm phí và 43 nhóm lệ phí.

Nghị định số 24/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Phí, lệ phí, quy định rõ 171 khoản phí, 130 khoản lệ phí và cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật đối với từng khoản phí, lệ phí cụ thể. Tuy nhiên, ông Ngô Hữu Lợi khẳng định: "Không phải ai cũng phải chịu tất cả những khoản phí và lệ phí đó, có những khoản phí người dân và doanh nghiệp chỉ phải đóng một lần trong đời!".

Pháp lệnh quy định, chỉ có Chính phủ mới có thẩm quyền quy định danh mục chi tiết các loại phí, lệ phí. Các bộ, ngành, địa phương không thể tự đặt ra các khoản phí và lệ phí. Đồng thời, Pháp lệnh cũng quy định rõ thẩm quyền của Chính phủ, Bộ Tài chính và HĐND cấp tỉnh trong việc quy định mức thu; nguyên tắc xác định mức thu phí, lệ phí cũng được xác định rõ trong pháp lệnh và Nghị định của Chính phủ cho nên các ban, ngành chức năng không thể vì muốn tăng thu mà nâng mức thu phí, lệ phí.

Bộ Tài chính nhận định, qua 12 năm thực hiện Pháp lệnh đã nảy sinh nhiều tồn tại, hạn chế. Bộ Tài chính đề nghị cần bổ sung vào Danh mục phí, lệ phí một số loại phí, lệ phí đang được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác nhằm quy về một mối, bảo đảm tính thống nhất theo quy định của pháp luật phí và lệ phí (như phí công chứng, phí nhượng quyền khai thác hàng không được quy định ở các Luật chuyên ngành...).

Đồng thời, rà soát các khoản phí, lệ phí để sửa đổi, bổ sung theo hướng:  Đối với các lĩnh vực hoạt động không thực hiện xã hội hóa, do Nhà nước thực hiện (như phí thuộc các lĩnh vực thông tin, viễn thông, lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, lĩnh vực khoa học công nghệ và môi trường...) thì tiếp tục giữ trong Danh mục phí, lệ phí như quy định hiện hành. Đối với một số dịch vụ không do Nhà nước đầu tư và các tổ chức, cá nhân có khả năng đảm nhận thực hiện hoạt động dịch vụ, thì xem xét để quy định theo hướng chuyển sang áp dụng cơ chế giá dịch vụ.

Ngoài ra, xem xét việc bãi bỏ một số khoản phí mà trong thực tế theo các quy định khác là giá hoặc quy định không thu: Phí kiểm định nhà nước về chất lượng hàng hóa; Phí thử nghiệm chất lượng sản phẩm, vật tư, nguyên vật liệu; Phí kiểm định phương tiện đo lường; Phí xây dựng.

Nộp toàn bộ các khoản thu phí về ngân sách nhà nước

Dựa trên số liệu do Bộ Tài chính cung cấp, tại phiên giải trình liên quan đến vấn đề này của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) cho rằng, thu ngân sách về phí, lệ phí trong 3 năm gần đây liên tục giảm và theo ông: "Sẽ là rất tốt nếu do giảm các khoản thu nộp đối với người dân, nhưng trên thực tế người dân và doanh nghiệp theo thời gian phải nộp thêm khoản phí, lệ phí mới". Có đại biểu đề nghị bãi bỏ một số khoản thu như thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy, bởi số thu được không đủ bù đắp chi phí thu.

Báo cáo gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội của nhiều bộ, ngành cũng cho thấy cơ chế quản lý, sử dụng tiền phí thu được hiện còn nhiều bất cập. Đơn cử, chỉ tính riêng trong lĩnh vực y tế, cơ chế sử dụng cũng chưa thống nhất. Tỷ lệ nộp ngân sách và tỷ lệ được để lại sử dụng mỗi nơi mỗi kiểu. Hiện một số lĩnh vực đang áp dụng 10% nộp ngân sách Nhà nước (NSNN) và 90% được để lại sử dụng. Một số lĩnh vực khác như phí, lệ phí thẩm định kinh doanh thương mại có điều kiện trong lĩnh vực y dược, tỷ lệ này là 20% - 80%. Còn đối với lệ phí quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm trong khi có rất nhiều chi phí phát sinh để thực hiện nhiệm vụ thu đối với lĩnh vực này thì tỷ lệ nộp vào NSNN là 100%...

Theo quy định tại Điều 17, Khoản 1, Tiết b Pháp lệnh Phí, lệ phí: “Trường hợp tổ chức thu không được NSNN bảo đảm kinh phí cho hoạt động thu phí thì tổ chức thu được để lại một phần trong số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho việc thu phí, phần còn lại phải nộp NSNN”. Thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, Chính phủ đã ban hành các Nghị định trong đó quy định nguồn thu từ phí được để lại theo quy định được xác định là nguồn thu sự nghiệp hoặc kinh phí quản lý hành chính của cơ quan, đơn vị thực hiện chế độ tự chủ. Từ thực tế nêu trên, nhiều ý kiến cho rằng nguồn thu từ phí được để lại không chỉ để trang trải cho hoạt động thu phí, mà còn là nguồn thu chung để trang trải hoạt động của cơ quan, đơn vị hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính.

Bộ Tài chính đề xuất nộp toàn bộ vào NSNN các khoản phí thu được từ hoạt động dịch vụ do cơ quan Nhà nước thực hiện, trường hợp cơ quan Nhà nước được khoán chi phí hoạt động thì được khấu trừ. Các khoản phí thu từ các hoạt động dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp Nhà nước thực hiện thì nộp một phần vào NSNN  theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, các khoản phí không do Nhà nước đầu tư hoặc đầu tư, nhưng đã chuyển giao cho tổ chức, cá nhân thực hiện theo nguyên tắc hạch toán, tự chủ tài chính là phí không thuộc NSNN hoặc chuyển sang cơ chế giá dịch vụ.