Luật hóa quản lý rủi ro:

Lợi ích thiết thực cho Hải quan và doanh nghiệp

Theo mof.gov.vn

(Tài chính) Quản lý rủi ro (QLRR) là một nội dung mới được đưa vào dự án Luật Hải quan sửa đổi đang được đệ trình tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIII. Theo hệ thống hải quan, việc áp dụng QLRR vào hoạt động kiểm soát xuất nhập khẩu (XNK) sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp (DN).

Ngành Hải quan đã chủ động phát hiện và kiểm soát trước đối với những nguy cơ vi phạm pháp luật hải quan. Nguồn: internet
Ngành Hải quan đã chủ động phát hiện và kiểm soát trước đối với những nguy cơ vi phạm pháp luật hải quan. Nguồn: internet

QLRR-Khẳng định hiệu quả 

Nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, thông quan hàng hóa nhanh chóng trong bối cảnh nhân lực của ngành Hải quan có hạn, phương thức QLRR đã được đưa vào dự thảo Luật Hải quan nhằm tạo hành lang pháp lý thống nhất.

Từ năm 2005, nghiệp vụ QLRR được ngành Hải quan chính thức áp dụng trong thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu. Việc áp dụng QLRR giúp cơ quan hải quan đạt được những mục tiêu của cải cách hiện đại hóa như: đảm bảo sự cân bằng giữa tạo thuận lợi thương mại với kiểm soát chặt chẽ quá trình tuân thủ pháp luật; giúp cho công tác quản lý không bị dàn trải, giảm bớt áp lực về khối lượng công việc thông qua việc xác định đối tượng có rủi ro cao, ưu tiên tập trung nguồn lực vào quản lý đối với số đối tượng này; giảm thiểu các thủ tục hành chính, giảm bớt vai trò can thiệp của cán bộ hải quan trong quá trình làm thủ tục hải quan…

QLRR góp phần đẩy mạnh việc thực hiện các chương trình cải cách hiện đại hóa như chương trình thông quan điện tử, cơ chế một cửa…. Nội dung QLRR được sửa đổi hứa hẹn sẽ là một nghiệp vụ chủ chốt trong công cuộc cải cách hiện đại hóa của ngành Hải quan trong thời gian tới. QLRR trở thành cấu phần quan trọng trong việc vận hành hệ thống thông quan hàng hóa tự động (VNACCS/VCIS) do Chính phủ Nhật Bản tài trợ (bắt đầu chạy thử nghiệm từ 15/11/2013).

Phó trưởng Ban QLRR-Tổng cục Hải quan Bùi Thái Quang cho biết, QLRR đã tạo ra sự thay đổi căn bản trong phương thức quản lý hải quan, từ thủ công sang tự động hóa dựa trên đánh giá rủi ro. QLRR đã làm giảm đáng kể tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng hóa (từ việc kiểm tra đối với hầu hết các lô hàng xuất khẩu (năm 2005), nay xuống còn dưới 11,46%), đồng thời đã góp phần đơn giản hoá thủ tục hải quan, giảm thời gian thông quan, giảm chi phí của DN trong quá trình thông quan hàng hóa XNK.

Trụ cột của hải quan hiện đại

Ông Bùi Thái Quang nhấn mạnh, áp dụng QLRR không chỉ mang lại lợi ích to lớn cho công tác quản lý của ngành Hải quan mà còn mang lại những lợi ích thiết thực cho DN.

Thứ nhất, QLRR là nền tảng của việc tự động hóa hải quan, góp phần giảm thiểu thủ tục hải quan

Thứ hai, do dựa trên việc phân tích các đối tượng trọng điểm, tập trung vào các đối tượng rủi ro cao nên các đối tượng chấp hành tốt, trong diện rủi ro thấp sẽ được tạo thuận lợi trong thủ tục hải quan. Việc này sẽ khuyến khích các DN tự nguyện tuân thủ để được hưởng các ưu đãi về thủ tục hải quan.

Thứ ba, áp dụng QLRR trong công nghệ thông tin nhằm minh bạch hóa các họat động thủ tục hải quan, qua đó  làm giảm thiểu các thủ tục hành chính, giảm bớt vai trò can thiệp của cán bộ hải quan trong quá trình làm thủ tục hải quan. Điều này giúp cho DN không bị lệ thuộc vào thủ tục hành chính, giảm chi phí phát sinh; đặc biệt loại trừ các tệ nạn gây phiền hà sách nhiễu có thể nảy sinh trong quá trình làm thủ tục hải quan.

Thứ tư, để thúc đẩy sự hợp tác, quan hệ đối với các DN, hướng tới các chuẩn mực quốc tế, QLRR tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh đối với cộng đồng DN thúc đẩy kinh tế phát triển.

Đặc biệt, DN có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn, đảm bảo tính tuân thủ pháp luật xuất nhập khẩu, cơ quan hải quan xem xét lựa chọn tham gia chương trình DN ưu tiên trong lĩnh vực hải quan. DN sẽ được hưởng lợi, gia tăng năng lực cạnh tranh, được áp dụng thủ tục thông quan hàng hóa nhanh hơn rất nhiều từ cơ chế ưu tiên này.

Áp dụng QLRR, ngành Hải quan đã chủ động phát hiện và kiểm soát trước đối với những nguy cơ vi phạm pháp luật hải quan; tạo lập môi trường tuân thủ, tăng cường sức cạnh tranh của nền kinh tế đất nước.

Phương thức QLRR đã và đang phát huy hiệu quả và được Luật hóa trong nhiều khâu của quy trình hoạt động hải quan. Trong dự thảo sửa đổi Luật Hải quan lần này, dành một phần đáng kể cho nghiệp vụ QLRR (điều: 32, 33, 34, 42 và 79).

Theo ông Bùi Thái Quang, QLRR sẽ được đưa vào trong suốt các quá trình: trước thông quan, trong thông quan và sau thông quan. Với các nội dung bao trùm như nêu trên QLRR sẽ tạo hành lang pháp lý thuận lợi để ngành Hải quan đóng góp tích cực cho thương mại cũng như gác cửa nền kinh tế đất nước.