Luật Đầu tư công: Liệu có tiếp tục lỗi hẹn?

Theo kinhtevadubao.com.vn

(Tài chính) Bắt đầu nghiên cứu từ năm 2007, nhưng đến nay, Luật Đầu tư công vẫn đang dừng ở mức trình tại Kỳ họp thứ 6 lần này. Nhiều nguyên nhân khiến Luật này liên tục lỗi hẹn, câu hỏi được đặt ra lúc này là liệu sau lần này, bộ Luật quan trọng này liệu có được thông qua?

Luật Đầu tư công: Liệu có tiếp tục lỗi hẹn?
Luật Đầu tư công liệu có được thông qua? Nguồn: internet

Cần thì rất cần…

Sáng ngày 16/11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh đã đọc Tờ trình về dự án Luật Đầu tư công tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII.

Theo Bộ trưởng Vinh, thực tế quản lý đầu tư công trong thời gian qua cho thấy, lãng phí, thất thoát có nhiều nguyên nhân khác nhau, như: Do buông lỏng quản lý, đầu tư dàn trải, tham nhũng, bớt xén trong thi công..., nhưng lãng phí lớn nhất là do chủ trương đầu tư không đúng, không hiệu quả.

Vì vậy, dự thảo đã dành toàn bộ Chương II để chế định các nội dung, quy trình, phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả của các dự án đầu tư công, trên cơ sở xem xét quyết định đầu tư có căn cứ khoa học hơn.

Về thẩm định về nguồn vốn và cân đối vốn, Bộ trưởng Vinh chỉ rõ: “Hiện nay, nhiều bộ ngành và địa phương chưa coi trọng công tác thẩm định về nguồn vốn và cân đối vốn hoặc chỉ làm hời hợt, chiếu lệ, từ đó quyết định các chương trình, dự án với quy mô lớn gấp nhiều lần khả năng cân đối vốn của ngành mình, cấp mình, cũng như vượt quá khả năng bổ sung, hỗ trợ của ngân sách cấp trên”.

Do đó, dự thảo bổ sung quy định về thẩm định nguồn vốn và cân đối vốn nhằm hạn chế và đi tới chấm dứt việc quyết định chương trình, dự án vượt quá khả năng bố trí vốn, khắc phục tình trạng bố trí dàn trải, kéo dài và gây nợ đọng xây dựng cơ bản lớn như hiện nay.

Khi hệ thống pháp luật quản lý đầu tư công chưa hoàn chỉnh và đồng bộ, thiếu các chế tài và biện pháp quản lý, giám sát, nên đã phát sinh nhiều tồn tại, hạn chế; đầu tư còn dàn trải, phân tán, kế hoạch đầu tư bị cắt khúc ra từng năm, hiệu quả đầu tư kém. Đặc biệt, tình trạng thi công vượt quá vốn kế hoạch được giao, gây nợ đọng xây dựng cơ bản quá mức, gây áp lực lớn đến cân đối NSNN các cấp.

Ngoài ra, việc quản lý đầu tư công hiện nay được quy định rải rác trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau làm ảnh hưởng đến hiệu quả của hoạt động này. Do vậy, việc ban hành Luật Đầu tư công là rất cần thiết nhằm tăng cường quản lý sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước.

Để ngăn chặn đầu tư dàn trải, dự thảo cũng đổi mới một cách căn bản, tạo ra sự thay đổi về chất đối với công tác lập kế hoạch đầu tư bằng việc chuyển từ việc lập kế hoạch ngắn hạn, hàng năm sang kế hoạch trung hạn 5 năm, phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm.

“Với việc xây dựng và thực hiện kế hoạch đầu tư trung hạn sẽ vừa bảo đảm các cân đối kinh tế lớn trong phạm vi cả nước, vừa tạo sự chủ động cho các bộ, ngành, địa phương biết cấp mình, cơ quan mình có bao nhiêu vốn trong kế hoạch 5 năm tới, để có quyết định chủ trương đầu tư đúng đắn, hiệu quả hơn. Đặc biệt, quy định này đã tạo ra sự công khai, minh bạch, hạn chế tiêu cực, tham nhũng trong phân bổ nguồn lực của Nhà nước”, Bộ trưởng Vinh nhấn mạnh.

Chia sẻ quan điểm này, ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, nếu được thông qua, Luật Đầu tư công sẽ khắc phục được rất nhiều tồn tại, hạn chế hiện nay; thiết lập được trật tự trong việc ra quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư.

Song, liệu đã vượt qua các rào cản?

Tại Hội trường, Bộ trưởng vinh cho biết, để hệ thống hóa các quy định liên quan đến đầu tư, Chính phủ cũng làm rõ mối quan hệ giữa dự thảo luật với hàng loạt văn bản luật pháp khác như: Luật Ngân sách nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Quản lý nợ công, Luật Quản lý sử dụng tài sản nhà nước, Luật Đấu thầu, Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí... không để chồng chéo giữa Luật Đầu tư công với các luật này.

Trình kèm với dự thảo Luật Đầu tư công, Chính phủ cũng trình kèm 4 dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật, gồm: Dự thảo Nghị định về Kế hoạch đầu tư trung hạn; Dự thảo Nghị định về Giám sát và Đánh giá đầu tư; Dự thảo Nghị định về Quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ; Dự thảo Nghị định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Đó cũng là điều hy vọng để Luật Đầu tư công được thông qua, mà không lỗi hẹn như những lần trước. Bởi, trong mắt rất nhiều chuyên gia, chính tư duy cát cứ trong việc xây dựng chính sách, với việc xây dựng Luật của bộ, của ngành, phục vụ “lợi ích nhóm” khiến nhiều luật đặc biệt quan trọng không thể được thông qua.

Trước đó, tại phiên thảo luận về Dự án Luật Đầu tư công của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (diễn ra tại TP. Huế), ông Nguyễn Văn Phúc, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã chỉ rõ, một phần lý do làm Dự án Luật Đầu tư công tiến triển chậm nhiều năm qua là sự phản đối của các bộ, khi một số bộ cho rằng, phạm vi điều chỉnh của dự án luật này chồng chéo lên mảng việc họ đang quản lý.

Điều này cũng được thể hiện rõ trong các cuộc họp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về dự thảo Luật Đầu tư công khi có tham gia của các bộ, ngành.

Bởi, trên thực tế, quản lý và sử dụng vốn đầu tư công chịu sự điều chỉnh bởi nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Quản lý nợ công, Luật Quản lý sử dụng tài sản nhà nước, Luật Đấu thầu… Vì thế, việc phân định một cách rõ ràng phạm vi điều chỉnh của các văn bản luật, tránh chồng chéo là vô cùng khó khăn.

Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với quy định của dự án luật về nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan nhà nước các cấp và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý sử dụng vốn đầu tư công.

“Tuy nhiên, cần xác định cụ thể hơn trách nhiệm cá nhân, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu, người có thẩm quyền phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư, dự án đầu tư để nâng cao tính chế tài của luật đối với các trường hợp phê duyệt dự án đầu tư sai, kém hiệu quả, tổng mức đầu tư tăng so với dự toán ban đầu, không cân đối được nguồn vốn để thực hiện, gây thất thoát, lãng phí” - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nêu rõ.

Ủy ban Kinh tế cũng nhất trí là cần phải quy định xử lý đối với các trường hợp dự án đầu tư công đã được quyết định đầu tư trước khi luật này có hiệu lực để chủ đầu tư cũng như các cơ quan quản lý nhà nước có cơ sở và định hướng tiếp tục triển khai thực hiện.

Song,để quy định này có thể đi vào cuộc sống, Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát lại tất cả chương trình, dự án đã có quyết định chủ trương đầu tư từ trước khi luật này có hiệu lực, phân loại những dự án đã thực hiện và dự án chưa thực hiện. Đồng thời, xem xét tác động của việc xử lý đối với các dự án đầu tư dở dang, nếu không tiếp tục đầu tư sẽ gây hậu quả như thế nào đối với các bên tham gia dự án cũng như đối với nền kinh tế.

Quốc hội sẽ có các phiên thảo luận về dự án luật này vào các ngày 18 và 27/11/2013.

Ngày 16/11/2013, Quốc hội đã thông qua Luật Việc làm (thi hành từ ngày 1/1/2015) và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua - Khen thưởng (thi hành từ ngày 1/7/2014).