Luật hóa quy định chế độ ưu tiên cho doanh nghiệp

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Luật Hải quan sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua đã dành riêng mục 2 với 4 điều quy định về chế độ ưu tiên đối với doanh nghiệp (DN). Quy định mới này được đánh giá sẽ tạo ra khung khổ pháp lí thuận lợi để phát triển Chương trình DN ưu tiên mà cơ quan Hải quan đang thực hiện, theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế.

Luật Hải quan sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2015. Nguồn: internet
Luật Hải quan sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2015. Nguồn: internet
Bà Lê Thu- Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan, Tổng cục Hải quan cho biết, theo Luật Hải quan sửa đổi, chế độ ưu tiên đối với DN được quy định tại Mục 2, Chương III, với 4 điều. Luật quy định về: Điều kiện áp dụng chế độ ưu tiên; chế độ ưu tiên đối với DN; trách nhiệm của cơ quan Hải quan trong việc thực hiện chế độ ưu tiên; trách nhiệm của DN được áp dụng chế độ ưu tiên. Một số nét nổi bật được quy định trong Luật như: Cho phép Hải quan Việt Nam được kí kết thỏa thuận công nhận chế độ DN ưu tiên lẫn nhau với các quốc gia, vùng lãnh thổ; Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan xét, công nhận, gia hạn, tạm đình chỉ, đình chỉ việc áp dụng chế độ ưu tiên cho DN…

Bà Thu đánh giá, việc luật hóa quy định về chế độ ưu tiên với DN đã tạo ra được khung khổ pháp lí cao nhất đối với hoạt động này. Điều này giúp cho quá trình đàm phán, thỏa thuận về công nhận chế độ ưu tiên lẫn nhau giữa Hải quan Việt Nam và Hải quan các nước có nhiều thuận lợi. Sự minh bạch này cũng giúp cho cộng đồng DN tin tưởng, yên tâm khi tham gia Chương trình DN ưu tiên.

Về lộ trình thực hiện,  Luật Hải quan sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2015, để hướng dẫn thực hiện, các cơ quan chức năng còn phải xây dựng Nghị định, Thông tư hướng dẫn. Tuy nhiên, theo quan điểm của bà Thu, lộ trình thực hiện quy định về chế độ ưu tiên với DN sẽ phải căn cứ vào tình hình phát triển thực tế của nền kinh tế đất nước. Đặc biệt, với đặc thù của phần lớn DN xuất nhập khẩu ở Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ nên để đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật trong nước và chuẩn mực của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) đưa ra, các DN này sẽ cần có thời gian để hoàn thiện nhiều tiêu chí. Khi các DN tham gia và đón nhận, phát huy được các lợi thế do Chương trình DN ưu tiên mang lại sẽ giúp họ có điều kiện để đầu tư mở rộng, phát triển sản xuất.

Chương trình DN ưu tiên được Tổng cục Hải quan thực thực hiện thí điểm từ năm 2011, đã thu hút sự quan tâm của các DN lớn, đặc biệt là DN FDI như Intel, Samsung, Canon… Đến nay, Tổng cục Hải quan đang áp dụng chế độ ưu tiên cho 16 DN. Trong đó có 10 DN FDI, 6 DN trong nước. Xét về loại hình ưu tiên, có 4 DN xuất khẩu thuần túy, 11 DN hoạt động cả xuất khẩu và nhập khẩu, 1 DN thuộc lĩnh vực công nghệ cao. Thống kê năm 2013 cho thấy tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của 16 DN đang được áp dụng chế độ ưu tiên đạt hơn 40 tỉ USD, chiếm 25% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu cả nước. Theo bà Lê Thu, dự kiến hết năm 2014, cơ quan Hải quan sẽ nâng tổng số DN được công nhận là DN ưu tiên lên 25 DN.