Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu sửa đổi: Bảo hộ hợp lý sản xuất trong nước

Theo customs.gov.vn

​Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2016. Trong đó, bổ sung nội dung quan trọng về thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp, chống phân biệt đối xử để góp phần bảo vệ nền sản xuất kinh doanh trong nước, phù hợp định hướng phát triển của Đảng, Nhà nước và các cam kết quốc tế đã ký kết.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tại khoản 2, 3 Điều 5 và khoản 1, 2, 3, 4 Điều 11 Luật thuế XK, NK hiện hành đã có quy định các biện pháp về thuế để tự vệ, chống bán phá giá, chống trợ cấp, chống phân biệt đối xử trong nhập khẩu hàng hóa nhưng chưa đầy đủ. Mới chỉ dừng ở việc định danh về các biện pháp này.

Việc áp dụng các loại thuế phòng vệ đang được thực hiện theo quy định tại các Pháp lệnh chống bán phá giá, Pháp lệnh chống trợ cấp, Pháp lệnh về tự vệ.

Theo kinh nghiệm quốc tế thì các nội dung về thuế áp dụng đối với hàng hóa XK, NK phải được quy định thống nhất tại Luật thuế XK, thuế NK để đảm bảo sự nhất quán, xuyên suốt, nhằm phát huy vai trò là công cụ bảo vệ sự lành mạnh của môi trường kinh tế, bảo vệ hàng hóa sản xuất trong nước trong điều kiện phải cắt giảm thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế gần như xuống 0% trong thời gian tới.

Mặt khác, nâng quy định pháp lý từ Pháp lệnh lên thành Luật và việc hợp nhất các nội dung về các biện pháp phòng vệ đối với hàng hóa XK, NK tại Luật thuế XK, thuế NK phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tạo sự rõ ràng, minh bạch trong quá trình hoàn thiện pháp luật Việt Nam.

Để phát huy công cụ bảo vệ này, trong phạm vi điều chỉnh, Luật thuế XK, thuế NK sửa đổi đã bổ sung các biện pháp phòng vệ về thuế áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu gồm: Thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế tự vệ.

Trong phần giải thích từ ngữ, Luật đã bổ sung giải thích một loạt cụm từ ngữ có liên quan về 3 loại thuế phòng vệ được chuyển nguyên trạng từ quy định tại các Pháp lệnh chống bán phá giá, Pháp lệnh chống trợ cấp, Pháp lệnh về tự vệ, bao gồm: “Gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước”; “Ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước”; “Ngành sản xuất trong nước”; “Trợ cấp”; “Nhập khẩu hàng hoá quá mức”...

Tại chương III (từ Điều 12 đến Điều 15) Luật quy định về nội hàm của từng biện pháp phòng vệ vệ thuế như điều kiện, nguyên tắc, thời hạn áp dụng biện pháp phòng vệ và thẩm quyền áp dụng các loại thuế này.

Các nội dung này về cơ bản kế thừa quy định tại 3 Pháp lệnh hiện hành và có bổ sung thẩm quyền của Bộ Tài chính về việc quy định kê khai, thu, nộp, hoàn trả số tiền thuế phòng vệ.

Cụ thể về thẩm quyền quyết định việc áp dụng thuế chống bán phá giá; thuế chống trợ cấp; thuế tự vệ, Luật quy định:

- Bộ Công Thương quyết định việc áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế tự vệ.

- Bộ Tài chính quy định việc kê khai, thu, nộp, hoàn trả thuế bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế tự vệ.

- Trường hợp lợi ích của Việt Nam bị xâm hại hay vi phạm, căn cứ vào các điều ước quốc tế, Chính phủ báo cáo Quốc hội quyết định áp dụng biện pháp thuế phòng vệ khác phù hợp.

Về các nội dung liên quan đến trình tự thủ tục, hồ sơ để thực hiện các biện pháp phòng vệ về thuế, khiếu nại và xử lý vi phạm hiện đang được quy định tại Pháp lệnh chống bán phá giá, Pháp lệnh chống trợ cấp, Pháp lệnh về tự vệ, sẽ không quy định cụ thể tại Luật này mà quy định tại Nghị định hướng dẫn Luật.

Đồng thời cũng bỏ các nội dung liên quan đến khiếu nại và xử lý vi phạm tại Luật này để thực hiện theo Luật khiếu nại và các pháp luật khác có liên quan.

Điều này nhằm đảm bảo tính linh hoạt, chủ động cho đơn vị chủ trì triển khai quyết định áp dụng các biện pháp tự vệ về thuế.