Thu phí bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai:

Minh bạch và công bằng

Theo daibieunhandan.vn

(Taichinh) - Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1.7 tới. Từ thời điểm này, các dự án nhà ở hình thành trong tương lai phải được ngân hàng bảo lãnh bằng nghĩa vụ tài chính. Tuy nhiên, cơ chế tính mức bảo lãnh này cần rõ ràng, hợp lý để không làm khó chủ đầu tư và khách hàng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Cụ thể, Điều 56 của Luật Kinh doanh bất động sản quy định, chủ đầu tư dự án bất động sản trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải được ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng. Trường hợp khi chủ đầu tư không thực hiện bàn giao nhà ở theo tiến độ đã cam kết, nếu bên mua, bên thuê mua có yêu cầu thì ngân hàng bảo lãnh có trách nhiệm hoàn lại số tiền ứng trước và các khoản tiền khác cho khách hàng theo hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở và hợp đồng bảo lãnh đã ký kết.

Hình thức bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai tồn tại nhiều rủi ro như doanh nghiệp không dự đoán được biến động của thị trường vì huy động vốn trong thời gian dài như giá cả tăng, giá vật liệu tăng... ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành dự án để có thể giao nhà đúng hạn, đúng giá cả và chất lượng như đã cam kết cách đó từ đầu. Thực tế, ngay tại thị trường bất động sản Hà Nội cũng có hàng loạt dự án đã huy động vốn của khách hàng song vẫn đắp chiếu nhiều năm, thậm chí có dự án chủ đầu tư còn cao chạy xa bay hay bị bắt giam như: dự án Tricon Towers ở Bắc An Khánh (Hoài Đức), B5 Cầu Diễn (Từ Liêm), dự án Hesco ở Văn Quán (Hà Đông), dự án nhà ở cho cán bộ chiến sĩ binh đoàn 12 (Ngũ Hiệp, Thanh Trì), dự án chung cư 83 Ngọc Hồi (Hoàng Mai), Sky Garden (Hoàng Mai)... Người đã đóng tiền cho chủ đầu tư để mua, thuê mua nhà ở lại không có biện pháp nào để thu hồi số tiền đã đóng. Với các quy định của Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), người mua nhà sẽ được bảo vệ về mặt pháp lý tránh khỏi trường hợp trên. Vì thế, việc chấp nhận trả thêm những chi phí nhất định là hợp lý.

Tuy nhiên, mức phí bảo lãnh như thế nào là hợp lý đang là câu hỏi được chủ đầu tư và người mua nhà quan tâm nhất. Đại diện Công ty CP Đầu tư Dầu khí Toàn cầu GP. Invest cho biết, qua liên lạc với một số ngân hàng thì thấy, mức thu phí bảo lãnh dự án bất động sản dự kiến sẽ là từ 1-2% tổng mức đầu tư dự án. Nếu phải nộp khoản phí này, thì theo doanh nghiệp, đây cũng là một chi phí đầu vào của dự án nên sẽ phải phân bổ vào giá bán dự án. Theo ước tính ban đầu, chi phí này sẽ góp phần đẩy giá bán căn hộ tăng lên mức từ 400.000 – 600.000đồng/m2.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, hiện Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn những nội dung liên quan của Luật và gửi lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức liên quan, trong đó có nội dung về bảo lãnh bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai. Theo đó, phí bảo lãnh sẽ do chủ đầu tư dự án trả cho ngân hàng, mức độ cao hay thấp phụ thuộc vào năng lực, uy tín của chủ đầu tư dự án và sẽ được tính vào giá bán, giá cho thuê mua nhà ở.

Rõ ràng, các ngân hàng cần đưa ra những mức phí linh hoạt để áp dụng cho từng loại hình khách hàng. Doanh nghiệp làm ăn có uy tín, thì mức phí bảo lãnh nên để ở mức thấp. Doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp uy tín thấp thì mức phí sẽ phải cao hơn. Thậm chí đối với những doanh nghiệp có uy tín, nếu người mua nhà đồng ý thì mức bảo lãnh có thể bằng 0. Cần có cơ chế rõ ràng, hợp lý để các ngân hàng tính phí bảo lãnh, như vậy sẽ bảo đảm tính minh bạch và công bằng cho cả chủ đầu tư lẫn người mua nhà. Nếu không, sẽ dẫn đến những trường hợp phí quá cao nên nhà đầu tư không bán được, hoặc phí quá thấp với dự án không đủ chất lượng, trở thành gánh nặng tài sản của ngân hàng.