Bổ sung phạm vi điều chỉnh, tăng thêm thẩm quyền xử phạt

Một trong những điểm nổi bật của Nghị định số 108/2013/NĐ-CP (Nghị định 108), được Chính phủ ban hành ngày 23/9/2013, có hiệu lực từ ngày 15/11/2013 so với Nghị định 85/2010/ NĐ-CP (Nghị định 85) trước đây là bổ sung và nâng thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán.

Ngoài thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN); Chánh Thanh tra UBCKNN, Nghị định 108 bổ sung thẩm quyền xử phạt của Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của UBCKNN phù hợp với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Theo đó, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của UBCKNN được quyền phạt tối đa 100 triệu đồng đối với tổ chức, 50 triệu đồng đối với cá nhân...

Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBCKNN và Chánh Thanh tra UBCKNN cũng được nâng lên tương ứng, phù hợp với quy định về thẩm quyền xử phạt của các chức danh trên tại khoản 2 và khoản 4, Điều 46 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Cụ thể, Chánh thanh tra UBCKNN có quyền phạt tiền không quá 100 triệu đồng đối với tổ chức, 50 triệu đồng đối với cá nhân. Chủ tịch UBCKNN có quyền phạt tiền tối đa đến 2 tỷ đồng đối với tổ chức, 1 tỷ đồng đối với cá nhân, phạt tiền theo phần trăm hoặc số lần và áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung...

Bên cạnh đó, Nghị định 108 bổ sung quy định về các hành vi vi phạm mới và chế tài xử phạt tương ứng. Cụ thể:

Về chào bán chứng khoán: Bổ sung hành vi vi phạm cam kết đưa chứng khoán chào bán vào giao dịch trên thị trường có tổ chức trong thời hạn 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán; bổ sung quy định xử phạt đối với các hành vi vi phạm về hoạt động chào bán cổ phiếu riêng lẻ của công ty đại chúng, phát hành trái phiếu riêng lẻ trong nước; quy định hình thức xử phạt đối với các hành vi vi phạm về phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế, chào bán chứng khoán tại nước ngoài, phát hành chứng khoán mới làm cơ sở chào bán chứng chỉ lưu ký chứng khoán tại nước ngoài hoặc hỗ trợ phát hành chứng chỉ lưu ký chứng khoán tại nước ngoài trên cơ sở cổ phiếu đã phát hành tại Việt Nam.

Về quản trị công ty đại chúng: Quy định xử phạt đối với các cá nhân là thành viên HĐQT, Ban kiểm soát, giám đốc hoặc tổng giám đốc, người được uỷ quyền công bố thông tin vi phạm quy định về quản trị công ty như: Không tuân thủ đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ về quản trị công ty theo quy định; vi phạm quy định về ngăn ngừa xung đột lợi ích và giao dịch với các bên có quyền lợi liên quan đến công ty; Vi phạm quy định về quyền của cổ đông; về bầu, bãi nhiệm, miễn nhiệm thành viên HĐQT, Ban kiểm soát; về triệu tập, tổ chức họp và thông qua quyết định của Đại hội đồng cổ đông, HĐQT, Ban kiểm soát.

Về niêm yết chứng khoán: Bổ sung quy định xử phạt đối với tổ chức phát hành Việt Nam vi phạm các quy định về niêm yết chứng khoán tại Sở Giao dịch chứng khoán nước ngoài như: xác nhận hồ sơ, tài liệu báo cáo về đăng ký niêm yết chứng khoán tại nước ngoài có thông tin sai lệch; không nộp hồ sơ đăng ký niêm yết chứng khoán tại nước ngoài hoặc thực hiện niêm yết chứng khoán tại Sở giao dịch chứng khoán nước ngoài khi chưa được UBCKNN chấp thuận...

Về hoạt động của công ty chứng khoán (CTCK), công ty quản lý quỹ: Bổ sung hành vi vi phạm quy định về nhận ủy thác quản lý tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân của CTCK; hành vi vi phạm quy định về tư vấn đầu tư chứng khoán của công ty quản lý quỹ; bổ sung các hành vi vi phạm quy định về quỹ đầu tư bất động sản…

Về chào mua công khai: Quy định xử phạt đối với đối tượng là CTCK làm đại lý chào mua công khai vi phạm quy định về chào mua công khai. Bên cạnh việc nâng mức xử phạt bằng tiền, Nghị định 108 quy định một số hình thức xử phạt bổ sung đối với tổ chức, cá nhân vi phạm gồm buộc thực hiện chào mua công khai theo phương án đã đăng ký; buộc phải từ bỏ quyền biểu quyết đối với số cổ phần có được từ hành vi vi phạm chào mua công khai và phải chuyển nhượng số cổ phần đó để giảm tỷ lệ nắm giữ theo đúng quy định pháp luật.

Phạt hành chính tối đa lên tới 2 tỷ đồng

Để tăng cường tính răn đe, phòng ngừa vi phạm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên thị trường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực chứng khoán, Nghị định 108 đã nâng mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực chứng khoán đối với tổ chức vi phạm là 2 tỷ đồng và cá nhân vi phạm là 1 tỷ đồng.

Cụ thể, hành vi không đăng ký chào mua công khai theo quy định pháp luật: mức phạt từ 200 - 300 triệu đồng; hoạt động kinh doanh chứng khoán, cung cấp dịch vụ chứng khoán khi chưa được UBCKNN cấp giấy phép hoặc chấp thuận, mức phạt từ 200 - 300 triệu đồng; không xây dựng hệ thống quản lý tách bạch tiền của khách hàng hoặc không quản lý tách bạch tiền gửi giao dịch chứng khoán của từng khách hàng hoặc không quản lý tách bạch tiền của khách hàng với tiền của CTCK;

Trực tiếp nhận và chi trả tiền giao dịch chứng khoán của khách hàng, mức phạt từ 150 - 200 triệu đồng; lập, xác nhận hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng, hồ sơ niêm yết có thông tin sai sự thật hoặc che giấu sự thật hoặc sai lệch nghiêm trọng, mức phạt từ 300 - 400 triệu đồng; Hành vi vi phạm cam kết không chuyển vốn huy động được ra nước ngoài, không rút vốn tự có đối ứng trong thời hạn dự án được cấp phép của tổ chức nước ngoài chào bán chứng khoán ra công chúng tại Việt Nam, mức phạt từ 500 - 600 triệu đồng;

Hành vi giao dịch nội bộ, mức phạt từ 800 triệu đồng - 1 tỷ đồng; Hành vi gian lận hoặc tạo dựng, công bố thông tin sai sự thật nhằm lôi kéo, xúi giục việc mua, bán chứng khoán, mức phạt từ 1,2 tỷ đồng - 1,4 tỷ đồng; Hành vi thao túng thị trường, mức phạt từ 1 tỷ đồng - 1,2 tỷ đồng; Hành vi tổ chức thị trường chứng khoán trái pháp luật, mức phạt từ 1,8 tỷ đồng - 2 tỷ đồng.

Nghị định 108 cũng quy định mức phạt tiền theo phần trăm (từ 1% - 5% tổng số tiền huy động trái pháp luật) và theo số lần (từ 1 - 5 lần khoản thu trái pháp luật) phù hợp với quy định tại khoản 1, khoản 3 Điều 121 và khoản 1 Điều 124 Luật Chứng khoán.

Thêm những chế tài đi kèm

Thứ nhất, so với Nghị định 85 thì điểm mới của Nghị định 108 là bổ sung một số biện pháp khắc phục hậu quả gồm: buộc chào mua công khai theo phương án đã đăng ký; buộc mua tiếp số cổ phiếu hoặc chứng chỉ quỹ đóng còn lại sau khi thực hiện chào mua công khai; Buộc từ bỏ quyền biểu quyết trên số cổ phần có được từ hành vi vi phạm; buộc chuyển nhượng chứng khoán để giảm tỷ lệ nắm giữ theo đúng quy định...

Thứ hai, quy định hình thức xử phạt chính là tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng đại diện trong thời hạn từ 18 tháng đến 24 tháng đối với tổ chức kinh doanh chứng khoán thực hiện một số hành vi vi phạm nghiêm trọng như: hành vi lập, xác nhận hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng đại diện có thông tin sai sự thật hoặc sai lệch nghiêm trọng; hoạt động văn phòng đại diện sai mục đích hoặc hoạt động không đúng nội dung trong giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng đại diện…

Chính thức có hiệu lực từ 15/11/2013, kỳ vọng Nghị định 108 đủ khả năng bao quát, điều chỉnh mọi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, đồng thời đủ khả năng răn đe cũng như góp phần bảo vệ sự lành mạnh của thị trường này.

Mở rộng phạm vi, nâng mức phạt trong lĩnh vực chứng khoán

ThS. ĐINH QUỐC TUYỀN

(Tài chính) Cùng với hàng loạt quy định mới trong xử phạt hành chính, việc Chính phủ ban hành Nghị định số 108/2013/NĐ-CP, ngày 23/9/2013, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (thay thế Nghị định 85/2010/NĐ-CP) thể hiện sự quan tâm đặc biệt của các cấp quản lý tới sự phát triển lành mạnh của thị trường này. Điểm nổi bật của Nghị định mới là phạm vi điều chỉnh rộng hơn và các mức tiền phạt cũng tăng đáng kể.

Xem thêm

Video nổi bật