Một số lưu ý về quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp

PV.

Quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) là một trong những vấn đề nóng được dư luận và cộng đồng DN quan tâm. Do vậy, thời gian qua, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế đã ban hành các văn bản hướng dẫn, đồng thời yêu cầu các cơ quan thuế các địa phương tích cực hỗ trợ DN.

Ông Cao Anh Tuấn – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế phát biểu tại buổi giao lưu. Nguồn: dddn.com.vn
Ông Cao Anh Tuấn – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế phát biểu tại buổi giao lưu. Nguồn: dddn.com.vn

Nỗ lực hỗ trợ DN của ngành Thuế thời gian qua đã nhận được đánh giá cao của cộng đồng DN và người dân. Đại diện lãnh đạo Tổng cục Thuế, hoạt động này đã góp phần tích cực đẩy mạnh cải cách thể chế ở Việt Nam, thúc đẩy sự phát tiển kinh tế, tháo gỡ cho DN khi bước vào giai đoạn 2016-2020 thuận lợi, đồng thời góp phần thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XII đề ra.

Ông Cao Anh Tuấn – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, theo quy định của Luật Quản lý thuế, thời hạn nộp hồ sơ khai quyết toán thuế TNDN năm 2015 chậm nhất là 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm, theo đó thời hạn nộp hồ sơ quyết thuế chậm nhất trước ngày 31/03/2016 (đối với DN áp dụng năm tài chính theo năm dương lịch).

Hiện nay, Tổng cục Thuế đã tập hợp những nội dung mới về chính sách thuế TNDN áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2015 để hướng dẫn chung các nội dung cần lưu ý khi quyết toán thuế gửi lên trang điện tử của Tổng Cục Thuế (địa chỉ: http://www.gdt.gov.vn) để người nộp thuế tham khảo, cập nhật phục vụ cho việc quyết toán thuế TNDN năm 2015.

Đồng thời, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo và Cục Thuế các tỉnh, thành phố đã triển khai nhiều chương trình tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế trên các phương tiện truyền thông đại chúng, hỗ trợ trực tiếp người nộp thuế tại trụ sở cơ quan thuế trong tuần lễ hỗ trợ quyết toán thuế, tháng hỗ trợ quyết toán thuế.

Nhằm hỗ trợ DN và người nộp thuế hiểu một cách chính xác nhất, đồng thời tạo cơ hội chia sẻ những thắc mắc trực tiếp với lãnh đạo Tổng cục Thuế về các vấn đề liên quan tới quyết toán thuế, Tổng cục Thuế phối hợp với Báo Diễn đàn DN tổ chức buổi giao lưu trực tuyến trên Báo điện tử Diễn đàn DN với chủ đề “Giải đáp vướng mắc về Quyết toán thuế 2015”.

Tại buổi giao lưu này, nhiều câu hỏi liên quan đến quyết toán thuế TNDN của các DN được đại diện Tổng cục Thuế trả lời. Cụ thể, đối với câu hỏi của DN về quy định bổ sung về thời điểm xác định doanh thu tính thuế TNDN đối với hoạt động dịch vụ, Phó Tổng Cục trưởng Cao Anh Tuấn cho biết, đây là điểm mới rất quan trọng mà Bộ Tài chính vừa sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế.

Theo đó, trước năm 2015, thời điểm xác định doanh thu để tính thu nhập chịu thuế đối với hoạt động cung ứng dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ cho người mua hoặc thời điểm lập hoá đơn cung ứng dịch vụ. Trường hợp thời điểm lập hoá đơn cung ứng dịch vụ xảy ra trước thời điểm dịch vụ hoàn thành thì thời điểm xác định doanh thu tính thuế được tính theo thời điểm lập hoá đơn cung ứng dịch vụ.

Trong khi đó, từ năm 2015, để phù hợp với chế độ kế toán, Thông tư 96/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 22/06/2015 đã sửa đổi: Thời điểm xác định xác định doanh thu để tính thu nhập chịu thuế đối với hoạt động cung ứng dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ hoặc hoàn thành từng phần việc cung ứng dịch vụ cho người mua trừ trường hợp nêu tại khoản 3 Điều 5 Thông tư số 78/2014/TT-BTC (doanh thu để tính thu nhập chịu thuế trong một số trường hợp cụ thể), khoản 1 Điều 6 Thông tư số 119/2014/TT-BTC (doanh thu để tính thu nhập chịu thuế đối với hàng hoá, dịch vụ dùng để trao đổi) của Bộ Tài chính. Theo tính toán của cơ quan thuế, việc sửa đổi này đã giảm được 14 giờ trong việc thực hiện kê khai tính thuế TNDN của DN.

Trả lời một số băn khoăn về việc nộp hồ sơ quyết toán thuế TNDN đối với trường hợp như thành lập 01 chi nhánh trực thuộc hạch toán độc lập tại địa bàn khác tỉnh và 01 chi nhánh trực thuộc hạch toán phụ thuộc cùng địa bàn với trụ sở chính, ông Nguyễn Quý Trung – Phó vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Tổng cục Thuế), cho biết: Trường hợp người nộp thuế có đơn vị trực thuộc hạch toán độc lập thì đơn vị trực thuộc nộp hồ sơ khai thuế TNDN phát sinh tại đơn vị trực thuộc cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp đơn vị trực thuộc. Trường hợp người nộp thuế có đơn vị trực thuộc nhưng hạch toán phụ thuộc thì đơn vị trực thuộc đó không phải nộp hồ sơ khai thuế TNDN; khi nộp hồ sơ khai thuế TNDN, người nộp thuế có trách nhiệm khai tập trung tại trụ sở chính cả phần phát sinh tại đơn vị trực thuộc cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp đơn vị trực thuộc. Trường hợp người nộp thuế có đơn vị trực thuộc nhưng hạch toán phụ thuộc thì đơn vị trực thuộc đó không phải nộp hồ sơ khai thuế TNDN; khi nộp hồ sơ khai thuế TNDN, người nộp thuế có trách nhiệm khai tập trung tại trụ sở chính cả phần phát sinh tại đơn vị trực thuộc.

Đối với việc đóng thuế TNDN đối với trường hợp DN thành lập năm 2012, từ khi thành lập đến nay, tổng doanh thu hàng năm đều đạt dưới 20 tỷ đồng, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, từ năm 2014, thuế suất thuế TNDN phổ thông là 22%, đối với DN có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng/năm từ 1/7/2013 được áp dụng thuế suất thuế TNDN 20%. Từ ngày 1/1/2016 trường hợp thuộc diện áp dụng thuế suất 22% chuyển sang áp dụng thuế suất 20%.

Chia sẻ về thay đổi bổ sung, đặc biệt là quy định về khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế chịu thuế TNDN năm 2015, đại diện Vụ Chính sách Thuế cho biết, về các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế, tại Thông tư 96/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính đã sửa đổi bổ sung theo hướng quy định rõ ràng, minh bạch hơn và tạo điều kiện thuận lợi cho DN góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh và giảm thủ tục hành chính khi kê khai thuế TNDN.

Đại diện Vụ Chính sách Thuế đưa ra ví dụ: Thông tư 96/2015/TT-BTC đã bỏ quy định DN phải tự xây dựng, quản lý định mức tiêu hao nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, hàng hóa; Bỏ mức khống chế đối với chi trang phục bằng hiện vật; Bỏ mức khống chế đối với chi phụ cấp cho người lao động đi công tác; bỏ mức khống chế đối với khoản chi mua bảo hiểm nhân thọ; Bổ sung khoản chi được trừ đối với chi tài trợ theo chương trình của Nhà nước bao gồm cả khoản tài trợ của DN cho việc xây dựng cầu mới dân sinh ở địa bàn kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn theo Đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt…

Bên cạnh đó, thủ tục, hồ sơ cũng được đơn giản hóa trong một số trường hợp khi xác định chi phí được trừ, ví dụ như: Sửa đổi quy định về hồ sơ, thủ tục đối với tài sản, hàng hóa bị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn; Hàng hóa bị hư hỏng do thay đổi quá trình sinh hóa tự nhiên được tính vào chi phí được trừ theo hướng sử dụng chung hồ sơ của các cơ quan có liên quan (ví dụ như đã có hồ sơ do cơ quan bảo hiểm chấp nhận bồi thường thì không cần văn bản xác nhận của UBND cấp xã, phường, thị trấn, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất… nơi xảy ra thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn… nữa); Bỏ quy định DN phải gửi văn bản đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp giải trình về tài sản, hàng hóa bị tổn thất, hư hỏng cùng với khi nộp hồ sơ quyết toán thuế TNDN mà DN chỉ cần lưu giữ các hồ sơ tại DN và xuất trình khi cơ quan thuế yêu cầu. Đối với mỗi nội dung sửa đổi, bổ sung về khoản chi được trừ đều tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong sản xuất kinh doanh, giảm thủ tục kê khai tính thuế TNDN của DN.