Mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung: 6 năm nhìn lại

Theo taisancong.mof.gov.vn

(Tài chính) Việc mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức mua sắm tập trung (MSTT) được thực hiện từ năm 2008 theo Quyết định số 179/2007/QĐ-TTg ngày 26/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ. Qua 6 năm triển khai thí điểm, Bộ Tài chính vừa có Tờ trình Thủ tướng về việc hoàn thiện cơ chế MSTT, trong đó đánh giá khái quát kết quả của giai đoạn thí điểm.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Những mặt được...

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) đã chỉ ra nhiệm vụ nhằm khắc phục những bất cập trong công tác mua sắm công như sau: “Khắc phục tiêu cực trong hoạt động mua sắm công, đảm bảo công khai, minh bạch, kể cả việc công khai hoá các khoản hoa hồng từ mua sắm. Thực hiện thí điểm mô hình mua sắm công tập trung, nhất là đối với những loại hàng hoá có nhu cầu sử dụng nhiều và có giá trị lớn”.

Thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 179/2007/QĐ-TTg ngày 26/11/2007 cho phép thí điểm việc tổ chức mua sắm tài sản, hàng hoá từ ngân sách nhà nước theo phương thức tập trung vào năm 2008. Việc thí điểm được áp dụng với Bộ Tài chính và 24 bộ, ngành, địa phương đăng ký tham gia.

Qua 6 năm thực hiện đã chứng minh đây là một hướng đi đúng, phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện cụ thể của Việt Nam. Một số kết quả cơ bản được bộ Tài chính đánh giá khái quát là: Đã hình thành hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện thí điểm mua sắm tài sản, hàng hoá theo phương thức tập trung. Đã tạo ra sự chuyển biến về nhận thức, nâng cao tinh thần trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong việc mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại các bộ, ngành, địa phương thực hiện thí điểm mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung.

Mặc dù mới được thí điểm thực hiện nhưng MSTT đã tỏ ra hết sức hiệu quả trong việc tiết kiệm ngân sách nhà nước; số liệu tổng hợp báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, chênh lệch giữa dự toán và số thực tế mua sắm là hơn 467 tỷ đồng. Hiệu quả của việc mua sắm tài sản, hàng hoá theo phương thức tập trung không chỉ thể hiện ở số tiền giảm chi do mua sắm theo lô lớn mà còn được thể hiện ở chỗ chất lượng đầu vào tốt, giá mua thống nhất, tương đồng về kỹ thuật. Nếu mở rộng phạm vi áp dụng thì số tiền chênh lệch và hiệu quả mua sắm công sẽ lớn hơn rất nhiều. Tăng cường công tác quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

Các bộ, địa phương áp dụng MSTT không còn tình trạng trang bị tài sản vượt tiêu chuẩn, định mức do Nhà nước quy định hoặc trang bị tài sản tràn lan, không hiệu quả do khi xây dựng kế hoạch MSTT, các cơ quan quản lý đã rà soát kỹ lưỡng hiện trạng, nhu cầu trang bị tài sản của các cơ quan, đơn vị đối chiếu với tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản. Việc mua sắm tài sản, hàng hoá theo phương thức tập trung đã đáp ứng được yêu cầu trang bị hiện đại, đồng bộ về tài sản, góp phần đổi mới công nghệ quản lý theo hướng cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đặc biệt là việc trang bị thiết bị công nghệ thông tin, trang thiết bị chuyên dùng trong ngành Hải quan, Kho bạc nhà nước, Y tế, Giáo dục…

… và những mặt hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, việc triển khai thí điểm mua sắm tài sản theo phương thức tập trung còn có những hạn chế cơ bản sau:

Một là, về phạm vi triển khai. Phương thức MSTT đang trong giai đoạn thí điểm, việc áp dụng dựa trên tinh thần tự nguyện tham gia của các bộ, ngành, địa phương; danh mục hàng hóa, tài sản mua sắm chủ yếu do các bộ, ngành, địa phương quyết định; chưa có quy định bắt buộc áp dụng, vì vậy, phạm vi triển khai còn hẹp, chưa đồng nhất. Trong khi đó, nhận thức của các cấp, các ngành về phương thức MSTT với vị trí là công cụ hữu hiệu để phòng, chống tham nhũng, lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn tài chính, tài sản công chưa đầy đủ; còn có tâm lý e ngại, chưa chủ động và tích cực khi áp dụng phương thức này. Nhiều Bộ, ngành, địa phương có số lượng tài sản mua sắm lớn chưa tham gia vào quá trình thí điểm. Ý thức trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là người đứng đầu ở một số nơi chưa cao.

Hai là, về cách thức và quy trình MSTT. Trong giai đoạn thí điểm hiện nay, chỉ áp dụng một cách thức MSTT duy nhất là đơn vị được giao nhiệm vụ MSTT ký hợp đồng trực tiếp với nhà cung cấp. Theo đó, đơn vị được giao nhiệm vụ MSTT trực tiếp tổ chức việc mua tài sản, ký hợp đồng với nhà cung cấp và giao hiện vật cho cơ quan, đơn vị sử dụng. Với cách thức này, quy trình, thủ tục mua sắm sẽ bị kéo dài, chưa phù hợp với quy trình chung về giao dự toán ngân sách, hạn chế quyền chủ động của các cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản trong việc thực hiện ký hợp đồng, tiếp nhận và nghiệm thu chất lượng tài sản, dịch vụ, thực hiện quyền được bảo hành, bảo trì sản phẩm;… Nếu áp dụng với quy mô lớn sẽ dẫn đến bộ máy thực hiện mua sắm cồng kềnh, không hiệu quả.

Ba là, về mô hình tổ chức của đơn vị MSTT. Hiện nay, chỉ có tỉnh Bình Thuận có tổ chức chuyên trách về mua sắm tài sản, hàng hoá theo phương thức tập trung là Trung tâm Mua tài sản công thuộc Sở Tài chính; ở các bộ, cơ quan trung ương, địa phương còn lại, việc thực hiện MSTT được giao cho Vụ Kế hoạch - Tài chính, Cục quản lý chuyên ngành, Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế,… thực hiện; cán bộ làm nhiệm vụ MSTT hoạt động kiêm nhiệm. Các đơn vị kiêm nhiệm gặp nhiều khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện, hiệu quả mua sắm tài sản không cao.

Bốn là, về việc bàn giao tài sản; bảo hành, bảo trì tài sản mua sắm. Khi thực hiện MSTT, hợp đồng mua sắm do chủ đầu tư ký với các nhà thầu, các đơn vị nhận hàng hoá, tài sản không được tham gia các điều khoản trong hợp đồng nên có những điều khoản trong hợp đồng khó thực hiện, nhất là điều khoản về bảo hành, bảo trì.