Nâng cao hiệu quả của tổ chức bộ máy Hải quan

Theo Báo Hải quan

(Tài chính) Theo Ban soạn thảo Luật Hải quan sửa đổi, việc tổ chức cấp cục Hải quan gắn với địa giới hành chính (tỉnh, liên tỉnh) không thực sự bảo đảm tính linh hoạt, chủ động trong việc sắp xếp, tổ chức lại, thành lập các đơn vị hải quan mới (chia tách hoặc sáp nhập), không phù hợp với quy mô hoạt động, đặc điểm từng địa bàn, điều kiện kinh tế - xã hội, yêu cầu quản lý của Hải quan trong những giai đoạn phát triển khác nhau.

Nâng cao hiệu quả của tổ chức bộ máy Hải quan
Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn). Ảnh: Báo Hải quan

Vì vậy, hệ thống tổ chức của Hải quan được xây dựng theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính mà phụ thuộc vào quy mô, tính chất hoạt động xuất nhập khẩu, đặc thù địa bàn. 

Theo Luật Hải quan hiện hành, hệ thống tổ chức bộ máy của ngành Hải quan gồm 3 cấp: Tổng cục Hải quan; Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Chi cục Hải quan cửa khẩu, Đội Kiểm soát Hải quan và đơn vị tương đương.

Ban soạn thảo Luật Hải quan sửa đổi phân tích, mô hình tổ chức bộ máy hiện hành đang bộc lộ một số hạn chế, khó khăn, đó là, ngành Hải quan đang thực hiện các chương trình cải cách, hiện đại hóa, vì vậy cần xây dựng Hệ thống xử lý dữ liệu tập trung, thống nhất và tăng cường đầu tư về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị máy móc. Nhưng do phạm vi quản lý bị chia tách theo từng địa bàn tỉnh, thành phố nên việc đầu tư bị phân tán, dàn trải; việc xử lý, chia sẻ dữ liệu thông tin cũng gặp nhiều khó khăn.

Việc bố trí biên chế, lực lượng bị phân tán nên hạn chế về năng lực và thẩm quyền trong một số lĩnh vực nghiệp vụ đòi hỏi sự tập trung chỉ đạo thống nhất, kịp thời trong một số lĩnh vực chuyên sâu như: Chống buôn lậu, chống ma túy, kiểm tra sau thông quan…

Luật Hải quan hiện hành đã xác định: Hải quan được tổ chức theo nguyên tắc tập trung, thống nhất. Hoạt động nghiệp vụ Hải quan thực hiện thống nhất trên phạm vi toàn quốc. Tính chất công việc tương đối độc lập, theo đó, hoạt động nghiệp vụ không thực sự gắn với đơn vị hành chính theo hệ thống tổ chức hành chính nhà nước mà phụ thuộc vào lưu lượng, quy mô, địa điểm, nơi thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.

Vì vậy, việc tổ chức cấp cục Hải quan gắn với địa giới hành chính (tỉnh, liên tỉnh) không thực sự bảo đảm tính linh hoạt, chủ động trong việc sắp xếp, tổ chức lại, thành lập các đơn vị hải quan mới (chia tách hoặc sáp nhập), không phù hợp với quy mô hoạt động, đặc điểm từng địa bàn, điều kiện kinh tế - xã hội, yêu cầu quản lý của Hải quan trong những giai đoạn phát triển khác nhau.

Do đó, Điều 14 Dự thảo Luật sửa đổi quy định về hệ thống tổ chức Hải quan theo hướng bỏ cụm từ “tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương” ở cấp cục, bỏ cụm từ “cửa khẩu” ở cấp chi cục nhằm bảo đảm tính linh hoạt, chủ động trong việc sắp xếp, tổ chức lại, thành lập các đơn vị Hải quan mới (chia tách hoặc sáp nhập) phù hợp với quy mô hoạt động, đặc điểm từng địa bàn, điều kiện kinh tế - xã hội, yêu cầu quản lý của Hải quan trong những giai đoạn phát triển khác nhau; đặc biệt khi thực hiện thông quan điện tử, việc xử lý tập trung sẽ làm giảm bớt các đơn vị trung gian.

Hệ thống tổ chức của Hải quan Việt Nam gồm có:

a) Tổng cục Hải quan;

b) Cục Hải quan;

c) Chi cục Hải quan, Đội kiểm soát hải quan và đơn vị tương đương.

Bổ sung nội dung điều kiện thành lập cơ quan hải quan các cấp giao Chính phủ quy định cụ thể.

Theo phân tích của Ban soạn thảo, tổ chức theo phương án này sẽ tạo điều kiện để bảo đảm hiệu quả trong việc bố trí nguồn nhân lực, vật lực; phù hợp với yêu cầu quản lý hải quan.

Hệ thống tổ chức của Hải quan được xây dựng theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính mà phụ thuộc vào quy mô, tính chất hoạt động xuất nhập khẩu, đặc thù địa bàn.

Như vậy có cục Hải quan nằm trong địa giới 1 tỉnh, có cục Hải quan nằm trong địa giới nhiều tỉnh, cũng có thể có 2 cục Hải quan nằm trong địa giới 1 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.