Nâng cao tính cạnh tranh, minh bạch khi chọn nhà thầu

Cục Quản lý đấu thầu - Bộ Kế hoạch & Đầu tư

(Tài chính) Từ 15/8, nhiều chính sách ưu đãi trong đấu thầu theo Nghị định 63/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu chính thức có hiệu lực.

Vi phạm sử dụng lao động bị cấm tham gia đấu thầu. Nguồn: internet
Vi phạm sử dụng lao động bị cấm tham gia đấu thầu. Nguồn: internet

Ưu đãi nhà thầu sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước

Nghị định có một số quy định mới, nổi bật như việc ưu đãi cho hàng hóa sản xuất trong nước, lao động trong nước, ưu tiên cho doanh nghiệp cấp nhỏ và siêu nhỏ.

Cụ thể, khi tham dự thầu, không phân biệt nhà thầu Việt Nam hay nhà thầu nước ngoài, nếu nhà thầu cung cấp hàng hóa có tỉ lệ nội địa hóa từ 25% trở lên sẽ được hưởng ưu đãi.

Đặc biệt, các gói thầu xây lắp có giá không quá 5 tỷ đồng sẽ chỉ cho phép các nhà thầu là doanh nghiệp cấp nhỏ, siêu nhỏ tham gia đấu thầu.

Việc ưu đãi cho hàng hóa trong nước, lao động trong nước sẽ góp phần thúc đẩy sản xuất trong nước, thực hiện tốt cuộc vận động của Bộ Chính trị về người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, đồng thời tạo công ăn việc làm cho người lao động cũng như thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Nâng cao tính cạnh tranh, minh bạch trong việc lựa chọn nhà thầu

Liên quan đến phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu, Nghị định quy định ba phương pháp đánh giá đối với gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp bao gồm: phương pháp giá thấp nhất, phương pháp giá đánh giá, phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá.

Đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, có bốn phương pháp đánh giá bao gồm: phương pháp giá thấp nhất, phương pháp giá cố định, phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá, phương pháp dựa trên kỹ thuật.

Việc quy định chi tiết các phương pháp đánh giá tương ứng với từng loại gói thầu sẽ giúp cho chủ đầu tư, bên mời thầu có thêm các công cụ lựa chọn nhà thầu linh hoạt, hiệu quả hơn, phù hợp với tính chất, quy mô của từng gói thầu; góp phần đơn giản hóa thủ tục đối với những gói thầu nhỏ, đồng thời lựa chọn được chính xác nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm, đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật và có giá cạnh tranh nhất để thực hiện các gói thầu lớn, phức tạp.

Bên cạnh đó, hạn mức áp dụng chỉ định thầu cũng chặt chẽ hơn so với Nghị định số 85/2009/NĐ-CP. Theo đó, hạn mức chỉ định thầu đối với gói thầu dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn có giá gói thầu không quá 500 triệu đồng, gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp có giá gói thầu không quá 1 tỷ đồng thuộc dự án đầu tư phát triển.

Áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu có giá nằm trong hạn mức nêu trên sẽ ngày càng hạn chế, góp phần tăng cường tính cạnh tranh, minh bạch trong hoạt động lựa chọn nhà thầu, tăng cường hiệu quả sử dụng nguồn vốn Nhà nước.

Tăng hiệu quả sử dụng ngân sách trong mua sắm hàng hóa

Đáng chú ý, Nghị định đã có quy định chi tiết để hướng dẫn thực hiện mua sắm tập trung. Đây là cách thức lựa chọn nhà thầu đã được áp dụng rộng rãi tại nhiều nước trên thế giới và mang lại hiệu quả cao.

Triển khai mua sắm tập trung trong thời gian sắp tới cũng sẽ làm tăng tính chuyên nghiệp trong hoạt động mua sắm, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả, rút ngắn thời gian và chi phí tổ chức mua sắm, hỗ trợ phát triển sản xuất trong nước và khuyến khích nhà thầu nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ, giúp tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước đồng thời làm tăng hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước trong mua sắm hàng hóa, dịch vụ.

Vi phạm sử dụng lao động bị cấm tham gia đấu thầu

Liên quan quy định về xử lý vi phạm pháp luật về đấu thầu, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP đã có chế tài xử lý đối với từng hành vi vi phạm cụ thể.

Đặc biệt, đối với hành vi vi phạm về sử dụng lao động như nhà thầu không tuân thủ quy định về việc sử dụng lao động khi thực hiện hợp đồng (không sử dụng lao động trong nước đối với những vị trí công việc mà lao động trong nước đáp ứng được và có khả năng cung cấp, đặc biệt là lao động phổ thông) thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu tại Việt Nam từ 1 đến 5 năm.

Với chế tài xử lý nghiêm khắc như nêu trên, hy vọng trong thời gian tới, cùng với các quy định liên quan về quản lý và sử dụng lao động thì tình trạng sử dụng lao động phổ thông là người nước ngoài sẽ được giải quyết triệt để.

Có hiệu lực từ ngày 15/8/2014, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP sẽ góp phần sớm đưa Luật Đấu thầu đi vào cuộc sống, làm tăng hiệu lực và hiệu quả thực thi quy định của pháp luật nói chung, trong đó có lĩnh vực đấu thầu.