Nghị định 15 mở đường cho doanh nghiệp tự công bố sản phẩm

Theo Minh Anh/thoidai.com.vn

TS. Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã thông tin về các nội dung mới của Nghị định số 15/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm. Nghị định số 15/NĐ-CP mở đường cho doanh nghiệp tự công bố sản phẩm

Nghị định 115 thay đổi cơ bản phương thức kiểm tra nhà nước đối với thực phẩm nhập khẩu. Nguồn: Internet
Nghị định 115 thay đổi cơ bản phương thức kiểm tra nhà nước đối với thực phẩm nhập khẩu. Nguồn: Internet

90% sản phẩm được tự công bố

TS. Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết: Nghị định số 15/NĐ-CP quy định tất các các sản phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn phải được công bố trước khi lưu thông trên thị trường. Có 2 hình thức công bố là tự công bố và đăng ký bản công bố sản phẩm với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Các nhóm sản phẩm phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi lưu thông trên thị trường, bao gồm: thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt; sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ đến 36 tháng tuổi; phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới, phụ gia thực phẩm không thuộc trong danh mục phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm hoặc không đúng đối tượng sử dụng do Bộ Y tế quy định.

Còn các sản phẩm khác, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm tự công bố và thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước do UBND tỉnh  chỉ định. Như vậy, có đến khoảng 90% sản phẩm được tự công bố.

Giảm thời gian, thủ tục công bố, thay đổi cơ bản phương thức kiểm tra

Theo TS. Nguyễn Thanh Phong, với hình thức phải đăng ký bản công bố sản phẩm, trình tự, thủ tục đăng ký bản công bố được giảm các giấy tờ và thời gian thẩm định hồ sơ rút ngắn từ 15 ngày xuống 7 ngày trừ nhóm thực phẩm bảo vệ sức khỏe từ 30 ngày xuống 21 ngày.

Căn cứ theo bản công bố của doanh nghiệp, cơ quan quản lý sẽ tăng cường hậu kiểm, kiểm tra, xử phạt nếu phát hiện doanh nghiệp sai phạm.

Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong nhấn mạnh: “Nghị định số 15/NĐ-CP tạo cơ chế thông thoáng, mở đường cho doanh nghiệp, doanh nghiệp tự công bố sản phẩm, sau khi công bố xong được đi vào sản xuất luôn và tự chịu trách nhiệm với sản phẩm của mình. Doanh nghiệp có quyền lợi, thì khi doanh nghiệp vi phạm phải phạt nặng”.

Về việc đổi mới phương thức quản lý từ kết hợp tiền kiểm – hậu kiểm sang tập trung tiền kiểm, theo Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong, Cục có những phương án nhằm tập trung tối đa cho hậu kiểm, thực hiện đúng theo tinh thần của Nghị định số 15/NĐ-CP, không để xảy ra lỗ hổng, buông lỏng quản lý.

Cũng theo TS. Nguyễn Thanh Phong, điểm mới của Nghị định số 15/NĐ-CP lần này là thay đổi cơ bản về phương thức kiểm tra nhà nước đối với thực phẩm nhập khẩu:

Phương thức kiểm tra giảm: Trước đây là kiểm tra hồ sơ đối với tất cả các sản phẩm thuộc diện kiểm tra giảm, tại Nghị định mới quy định chỉ kiểm tra xác suất tối đa 5% lô hàng do cơ quan hải quan chọn ngẫu nhiên và thực hiện việc kiểm tra hồ sơ. Như vậy, có đến 95% lô hàng thuộc diện kiểm tra giảm không phải kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm.

Phương thức kiểm tra thông thường là chỉ kiểm tra hồ sơ thay vì trước đây là kiểm tra cảm quan và lấy mẫu kiểm nghiệm nếu có nghi ngờ. Thời gian kiểm tra thông thường cũng được rút ngắn từ 7 ngày xuống chỉ còn 3 ngày. Ngoài ra, cứ sau 3 lần kiểm tra thông thường đạt thì được chuyển sang phương thức kiểm tra giảm.

Phương thức kiểm tra chặt chỉ áp dụng đối với trường hợp sản phẩm có cảnh báo của Bộ quản lý chuyên ngành, UBND cấp tỉnh hoặc cơ quan có thẩm quyền tại nước ngoài hoặc của nhà sản xuất hoặc không đạt yêu cầu nhập khẩu tại lần kiểm tra trước đó. Tuy nhiên, thời gian kiểm tra chặt được rút ngắn từ 10 xuống còn 7 ngày.

Phân công rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm

Để tránh chồng chéo, bỏ sót trong phân công quản lý nhà nước và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, Nghị định quy định nguyên tắc phân công quản lý nhà nước như sau:

Đối với cơ sở sản xuất nhiều loại sản phẩm thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của từ 2 cơ quan quản lý chuyên ngành trở lên thì sản phẩm có sản lượng lớn thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan nào thì cơ quan đó quản lý.

Đối với cơ sở kinh doanh nhiều loại sản phẩm thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của từ 2 cơ quan quản lý chuyên ngành trở lên (trừ chợ đầu mối, đấu giá nông sản) do ngành Công Thương quản lý.

Đối với cơ sở vừa sản xuất vừa kinh doanh nhiều loại sản phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của từ 2 cơ quan quản lý chuyên ngành trở lên thì tổ chức, cá nhân có quyền lựa chọn cơ quan quản lý chuyên ngành về an toàn thực phẩm để thực hiện các thủ tục hành chính.

Quy định các Bộ quản lý chuyên ngành có trách nhiệm ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm thuộc phạm vi được phân công quản lý; Bộ Y tế ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc quy định về mức giới hạn an toàn đối với các nhóm sản phẩm theo đề nghị của các Bộ quản lý chuyên ngành và các Bộ quản lý chuyên ngành có trách nhiệm xây dựng và gửi Bộ Y tế ban hành. Quy định rõ trách nhiệm của Ủy ban nhân dân trong quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn.