Sự cần thiết ra đời Nghị định 189/2013/NĐ-CP

Nghị định số 59/2011/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 18/7/2011 quy định về chuyển DN 100% vốn Nhà nước thành CTCP với những quy định mới nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội X và chỉ đạo của Bộ Chính trị về tiếp tục hoàn thiện cơ chế cổ phần hóa gắn với thị trường, ngăn ngừa thất thoát tài sản Nhà nước, nâng cao tính công khai, minh bạch, tăng cường sự giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước đối với công tác cổ phần hóa.

Để triển khai Nghị định 59/2011/NĐ-CP, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 202/2011/TT-BTC hướng dẫn xử lý tài chính và xác định giá trị DN khi thực hiện cổ phần hóa và Thông tư số 196/2011/ TT-BTC hướng dẫn bán cổ phần lần đầu và quản lý, sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa của các DN 100% vốn Nhà nước thực hiện chuyển đổi thành CTCP.

Đến nay, sau 02 năm thực hiện, Nghị định 59/2011/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu đặt ra đối với công tác cổ phần hóa DNNN, khắc phục những vướng mắc chủ yếu của Nghị định số 109/2007/NĐ-CP trước đây. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện có những vướng mắc xuất phát từ quy định của Nghị định 59/2013/ NĐ-CP về xác định giá trị DN và xử lý công nợ khiến cho số lượng DN cổ phần hóa còn ít, tiến trình cổ phần hóa DNNN vẫn còn chậm trễ.

Do đó, cần có giải pháp khắc phục kịp thời để nâng cao hiệu quả công tác cổ phần hóa DN 100% vốn Nhà nước; Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về chuyển DN 100% vốn Nhà nước thành CTCP.

Thêm lực đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp

Trên cơ sở thực hiện cổ phần hóa và lắng nghe kiến nghị của các bộ, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành sửa đổi cơ chế quản lý đất đai đối với các DNNN cổ phần hóa theo nguyên tắc đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, đảm bảo tính khoa học, không thất thoát tài sản nhà nước… Cụ thể, quy định về giá trị quyền sử dụng đất được Chính phủ sửa đổi, bổ sung tại Điều 31 của Nghị định 189/2013/NĐ-CP.

Đối với diện tích đất DN cổ phần hóa đã được giao đất và nộp tiền sử dụng đất cho ngân sách nhà nước hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hợp pháp để sử dụng vào mục đích xây dựng nhà để bán, xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê thì phải xác định lại giá trị quyền sử dụng đất tính vào giá trị DN...

Đối với diện tích đất sử dụng cho các công trình công cộng có hành lang bảo vệ an toàn theo quy định của pháp luật về đất đai cũng được xem xét, loại trừ theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Đối với diện tích đất đã giao cho DN và DN đã sử dụng để góp vốn thành lập pháp nhân mới thì cơ quan có thẩm quyền quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa xem xét xử lý theo nguyên tắc: Chuyển giao cho DN 100% vốn nhà nước khác làm đối tác nếu được các đối tác góp vốn trong pháp nhân mới chấp thuận và DN tiếp tục kế thừa tính vào giá trị DN cổ phần hóa theo nguyên tắc quy định tại Điều 33 Nghị định này. Đối với diện tích đất còn lại (sau khi loại trừ diện tích đất quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều này) DN cổ phần hóa thực hiện hình thức thuê đất có thời hạn theo quy định của pháp luật về đất đai và không phải tính bổ sung giá trị lợi thế vị trí địa lý khi xác định giá trị DN.

Quy định này nhằm khắc phục bất cập trong việc xác định giá trị quyền sử dụng đất trong thời gian qua để đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa. Theo phương án này, đối với các diện tích đất DN đã được giao, nay chuyển sang cho thuê thì giá trị quyền sử dụng đất giao còn lại tại thời điểm xác định giá trị DN được xác định là số tiền DN đã trả trước tiền thuê đất cho một khoảng thời gian nhất định theo mặt bằng giá thuê đất khi DN hoàn tất thủ tục thuê đất với cơ quan quản lý tại địa phương, không ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước và lợi ích kinh tế của DN.

Đối với diện tích đất DN thực hiện thuê đất thì thực hiện trả tiền thuê đất hàng năm theo cơ chế đã được quy định tại Nghị định số 121/2010/NĐ-CP và không phải tính bổ sung giá trị lợi thế vị trí địa lý vì giá thuê đất đã sát giá thị trường.

Theo đúng chế độ Nhà nước đã quy định. Tuy nhiên, theo phản ánh của một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước thì việc đối chiếu toàn bộ công nợ là khó khăn, các DN hiện nay chỉ đối chiếu được khoảng 60 - 70%, do vậy quy định đối chiếu toàn bộ công nợ sẽ làm chậm tiến độ cổ phần hóa của DN.

Giải quyết những khó khăn này, Nghị định 189/2013/NĐ-CP bổ sung quy định về việc đối chiếu cộng nợ tại các DN thực hiện cổ phần hóa. Theo đó, trong một số trường hợp như thời điểm cổ phần hóa không trùng với thời điểm kiểm kê khóa sổ kế toán lập báo cáo tài chính, DN quy mô lớn, đối tượng công nợ nhiều thì đến thời điểm xác định giá trị DN mà vẫn còn một số khoản công nợ (phải thu, phải trả) có đầy đủ hồ sơ nhưng chưa được đối chiếu, xác nhận theo quy định tại Nghị định này thì phải giải trình rõ các khoản nợ, xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan.

Đồng thời, phải hoàn tất việc đối chiếu công nợ trước thời điểm DN cổ phần hóa được cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN lần đầu và báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định giá trị DN xem xét, quyết định theo giá trị đang theo dõi trên sổ sách kế toán. Ngoài ra, phải công bố công khai trong quyết định phê duyệt giá trị DN cũng như phương án cổ phần hóa làm cơ sở bán đấu giá cổ phần. Tại thời điểm DN cổ phần hóa được cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN lần đầu, khi lập báo cáo tài chính để bàn giao từ DN 100% vốn nhà nước sang công ty cổ phần, nếu các khoản công nợ này vẫn chưa được đối chiếu, xác nhận thì xem xét, xử lý theo các hướng:

Thứ nhất, đối với nợ phải trả DN đã làm đủ thủ tục đối chiếu nợ nhưng không xác nhận được chủ nợ thì được hạch toán ghi tăng vốn nhà nước tương ứng và công ty cổ phần mới có trách nhiệm lưu trữ hồ sơ, tiếp tục kế thừa, theo dõi để thực hiện nghĩa vụ trả nợ khi chủ nợ yêu cầu. Căn cứ hồ sơ tài liệu hợp pháp liên quan và yêu cầu của chủ nợ, CTCP mới thực hiện trả nợ và hạch toán vào chi phí trong kỳ;

Thứ hai, đối với nợ phải thu DN đã làm thủ tục đối chiếu nhưng vẫn chưa đối chiếu được thì phải xem xét, xử lý trách nhiệm bồi thường đối với tập thể, cá nhân có liên quan. Giá trị khoản nợ còn lại (sau khi bù trừ khoản bồi thường của các cá nhân, tập thể, quỹ dự phòng nợ phải thu khó đòi) được hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh của DN cổ phần hóa. CTCP mới có trách nhiệm lưu trữ hồ sơ, tiếp tục kế thừa, theo dõi để đôn đốc thực hiện thu nợ.

Đặc biệt, Nghị định 189/2013/NĐ-CP cũng quy định rõ: Đối với các DN đã hoàn thành cổ phần hóa hoặc đang thực hiện cổ phần hóa trước ngày Nghị định 189/2013/ NĐ-CP có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện giao đất, thuê đất và tính giá trị quyền sử dụng đất theo phương án đã được phê duyệt, không thực hiện điều chỉnh.

Đối với các DN đã xác định giá trị lợi thế vị trí địa lý đất thuê vào giá trị DN và hạch toán tăng phần vốn nhà nước tại DN khi xác định giá trị DN để cổ phần hóa được cấp có thẩm quyền công bố giá trị DN theo quy định trước ngày Nghị định 59/2011/NĐ-CP có hiệu lực thì được khấu trừ giá trị lợi thế vị trí địa lý vào tiền thuê đất phải nộp của DN cổ phần hóa. Đối với các DN cổ phần hóa theo Nghị định 109/2007/ NĐ-CP mà chưa tính giá trị lợi thế vị trí địa lý thì được áp dụng Nghị định số 59/2011/NĐ-CP không phải tính bổ sung giá trị lợi thế vị trí địa lý và điều chỉnh vốn Nhà nước tại DN.

Nghị định 189/2013/NĐ-CP: Thêm lực đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

ThS. DƯƠNG THU PHƯƠNG

(Tài chính) Ngày 20/11/2013, Chính phủ ban hành Nghị định 189/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2011/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp (DN) 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần (CTCP). Việc sửa đổi bổ sung này nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đồng thời tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thực hiện cổ phần hóa đúng lộ trình. Bài viết phân tích những điểm sửa đổi, bổ sung cần thiết được quy định tại Nghị định trên.

Xem thêm

Video nổi bật