Yêu cầu sửa đổi từ thực tiễn

Trước hết, phải khẳng định việc tổ chức thực hiện quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN và DN có vốn nhà nước không phải là vấn đề mới. Trước đây, Luật DNNN năm 2003 và Luật DN năm 2005 đều đã có quy định về vấn đề này.

Để hướng dẫn thực hiện các quy định này tại Luật DN năm 2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định 132/2005/NĐ-CP quy định về phân công, phân cấp thực hiện quyền của chủ sở hữu nhà nước đối với DN 100% vốn nhà nước và DN có vốn đầu tư của Nhà nước. Tuy nhiên, thực tiễn trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định 132/2005/NĐ-CP cũng đã phát sinh một số vấn đề bất cập cần sửa đổi. Trước yêu cầu đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 86/2006/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 132/2005/NĐ-CP.

Quá trình triển khai thực hiện từ đó đến nay cho thấy cũng có nhiều điểm bất cập, vướng mắc, chưa đủ rõ, thậm chí có chỗ còn sơ hở. Do vậy, cần phải sửa đổi, bổ sung hai Nghị định trên nhằm vừa đáp ứng được yêu cầu của thực tế đặt ra, khắc phục được những tồn tại, vừa đảm bảo quyền tự chủ kinh doanh của DN, cũng như tăng cường quyền kiểm tra, giám sát, thanh tra của chủ sở hữu nhà nước đối với hoạt động DN. Tại Hội nghị Trung ương 6 Khóa XI, khi bàn về đề án tiếp tục sắp xếp đổi mới nâng cao hiệu quả DNNN, Đảng ta, đã đặc biệt quan tâm vấn đề chủ sở hữu. Trung ương đã yêu cầu trước mắt phải hoàn thiện việc phân công, phân cấp thực hiện quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của chủ sở hữu đối với DNNN.

Trước những yêu cầu thực tế đó, ngày 15/11/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 99/2012/NĐ-CP về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN và vốn nhà nước đầu tư vào DN. Có thể khẳng định, việc ban hành Nghị định 99/2012/NĐ-CP đã đáp ứng được yêu cầu của thực tế, cũng như yêu cầu quản lý giám sát đối với DNNN (đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước), đi liền với đó là không làm giảm quyền chủ động kinh doanh của DN.

Những quy định mới mang tính đột phá

Trước hết có thể thấy, Nghị định 99/2012/NĐ-CP đã làm rõ khái niệm về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN (SOE). Theo đó, SOE là DN mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, bao gồm DN mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên; và DN mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ là công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên thay cho khái niệm: “SOE là tổ chức kinh tế do Nhà nước sở hữu toàn bộ vốn điều lệ hoặc có cổ phần, phần góp vốn chi phối được tổ chức dưới hình thức công ty nhà nước, công ty cổ phần, công ty TNHH” như cách hiểu hiện nay.

Với khái niệm mới, các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan chỉ thực hiện quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với DN mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn Nhà nước đầu tư vào DN. Ngoài việc “định danh” rõ khái niệm về SOE, Nghị định 99/2012/NĐ-CP còn khẳng định, Chính phủ thống nhất quản lý và thực hiện chức năng chủ sở hữu đối với SOE và vốn nhà nước đầu tư vào DN. Nhà nước chỉ đầu tư vốn, tài sản vào DN hoạt động trong những ngành, lĩnh vực, khâu then chốt, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội và quốc phòng, an ninh, làm nòng cốt để kinh tế nhà nước thực hiện được vai trò chủ đạo, là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng, điều tiết nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô. Bên cạnh việc làm rõ khái niệm trên, Nghị định đã quy định cụ thể đối tượng áp dụng cũng như quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan hữu quan đối với DNNN.

Về đối tượng áp dụng

Đối tượng áp dụng Nghị định 99/2012/NĐ-CP gồm: DNNN mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và người đại diện theo ủy quyền tại DN; người đại diện theo ủy quyền đối với phần vốn nhà nước đầu tư vào: DNNN mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; DN mà Nhà nước nắm giữ không quá 50% vốn điều lệ; các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với DN mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn Nhà nước đầu tư vào DN.

Thực tế, tại Nghị quyết Trung ương 3, Khóa IX năm 2001 đã có quy định về việc bổ nhiệm chủ tịch, thành viên hội đồng quản trị và tổng giám đốc tổng công ty nhà nước; Bộ Chính trị đã có quy định về việc phân cấp trong bổ nhiệm cán bộ tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước, Ban Tổ chức Trung ương cũng đã có văn bản hướng dẫn cụ thể về vấn đề này. Theo Nghị định 132 và 86 trước đây, quy định Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm chủ tịch và các thành viên Hội đồng thành viên của tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập.

Tuy nhiên, tại Nghị định 99/2012/NĐ-CP đã có sự điều chỉnh về quy định này theo đúng phân cấp của Bộ Chính trị, về quyền hạn, trách nhiệm của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ bổ nhiệm chủ tịch Hội đồng thành viên của các tập đoàn kinh tế và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước.

Về quyền và trách nhiệm của Chính phủ

Nghị định 99/2012/NĐ-CP đã phân rõ thẩm quyền của Chính phủ là ban hành cơ chế, quy định về chế độ bổ nhiệm, tuyển dụng, tài chính, tiền lương, thưởng, rồi trách nhiệm kiểm tra, giám sát, thanh tra tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước... Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, chuyển đổi sở hữu, giải thể công ty. Chính phủ ban hành Điều lệ, sửa đổi và bổ sung Điều lệ của các tập đoàn kinh tế nhà nước và các tổng công ty: 1- Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước; 2- Hàng không Việt Nam; 3- Hàng hải Việt Nam; 4- Đường sắt Việt Nam; 5- Lương thực miền Bắc; 6- Lương thực miền Nam.

Ngoài ra, Chính phủ quy định Điều lệ mẫu của tổng công ty nhà nước và DN mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là công ty TNHH một thành viên. Đồng thời, Chính phủ quy định về bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, từ chức, ký hợp đồng, chấm dứt hợp đồng, khen thưởng, kỷ luật chủ tịch và thành viên hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty, kiểm soát viên, tổng giám đốc (giám đốc), phó tổng giám đốc (phó giám đốc), kế toán trưởng công ty; số lượng thành viên hội đồng thành viên và phó tổng giám đốc (phó giám đốc) công ty.

Bên cạnh đó, Nghị định quy định thẩm quyền của Chính phủ quy định chế độ quản lý tài chính, phân phối lợi nhuận, trích lập và sử dụng các quỹ; chế độ báo cáo và công khai tài chính của công ty; cơ chế giám sát, kiểm tra thực hiện. Đồng thời, quy định chế độ tuyển dụng; chế độ tiền lương, tiền thưởng của công ty; tiền lương, tiền thưởng và các quyền lợi khác của chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty, kiểm soát viên, tổng giám đốc (giám đốc) công ty.

Cùng với đó, Chính phủ cũng quy định chế độ giám sát, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật; việc thực hiện chiến lược, kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ được giao; quản lý, sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn. Đồng thời, quy định tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ được giao, kết quả hoạt động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của công ty...

Về trách nhiệm, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ

Trách nhiệm, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ đối với tập đoàn kinh tế bao gồm quyết định thành lập; quyết định vốn điều lệ; bổ nhiệm chủ tịch hội đồng thành viên và phê duyệt chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm.

Đặc biệt, Nghị định đã quy định rất rõ quyền, trách nhiệm của bộ quản lý ngành là thực hiện giám sát, kiểm tra thường xuyên và thanh tra việc tập đoàn chấp hành pháp luật, quản lý sử dụng bảo toàn và phát triển vốn; việc thực hiện chiến lược, kế hoạch; việc thực hiện chế độ tuyển dụng, tiền lương, tiền thưởng của tập đoàn kinh tế nhà nước; đánh giá thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ ngành nghề kinh doanh được giao và kết quả hoạt động, hiệu quả sản xuất kinh doanh của tập đoàn kinh tế nhà nước; đánh giá đối với chủ tịch và thành viên hội đồng thành viên, kiểm soát viên chuyên ngành, rồi tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, kế toán trưởng trong việc quản lý điều hành tập đoàn kinh tế nhà nước. Nội dung này là hết sức quan trọng.

Chính phủ trực tiếp thực hiện, hoặc phân công cho Thủ tướng Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; phân cấp cho UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; giao cho Hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty, người đại diện thực hiện các quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước. Nghị định 99/2012/NĐ-CP quy định cụ thể: Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước là DN do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, được Nhà nước đầu tư vốn điều lệ và quản lý vốn nhà nước tại các DN do các bộ, UBND cấp tỉnh chuyển giao, có các quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ: Quản lý, sử dụng có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước đầu tư và vốn nhà nước tại các DN được giao quản lý; chỉ định và đánh giá hoạt động của người đại diện; miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật người đại diện; quyết định mức lương, thưởng, phụ cấp và các lợi ích khác của Người đại diện tại các DN được giao quản lý; báo cáo để Bộ Tài chính thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể sắp xếp, đổi mới các DN được giao quản lý; chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm.

Về quyền, trách nhiệm của các bộ, ngành, chính quyền địa phương

Nghị định 99/2012/NĐ-CP đã quy định về vấn đề trên như sau: Bộ quản lý ngành là cấp trên trực tiếp của Hội đồng thành viên tại tập đoàn kinh tế nhà nước, có các quyền, trách nhiệm: Đề nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, mục tiêu, nhiệm vụ và ngành, nghề kinh doanh; tổ chức lại, chuyển đổi sở hữu, giải thể và yêu cầu phá sản. Thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thành lập công ty con 100% vốn nhà nước; chủ trương thành lập, tổ chức lại, giải thể chi nhánh, văn phòng đại diện và các đơn vị hạch toán phụ thuộc khác. Bộ quản lý ngành, UBND cấp tỉnh quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, từ chức, khen thưởng, kỷ luật thành viên hội đồng thành viên, tổng giám đốc, kiểm soát viên chuyên ngành và trả lương cho chức danh Kiểm soát viên chuyên ngành.

Đối với tổng công ty nhà nước, công ty thuộc bộ, UBND cấp tỉnh, bộ quản lý ngành, UBND cấp tỉnh có quyền quyết định thành lập, mục tiêu, nhiệm vụ và ngành, nghề kinh doanh đối với công ty sau khi trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án. Phê duyệt chủ trương thành lập, tổ chức lại, giải thể chi nhánh, văn phòng đại diện và các đơn vị hạch toán phụ thuộc khác... Ngoài ra, Nghị định cũng quy định cụ thể quyền, trách nhiệm của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Nội vụ; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; hội đồng thành viên, chủ tịch công ty…

Ngoài các quy định trên, Nghị định cũng đã có những quy định mới mang tính đột phá về việc kiểm tra, giám sát trong việc thực hiện quyền hạn và trách nhiệm của các bên liên quan. Đặc biệt, bộ quản lý ngành, UBND cấp tỉnh sẽ thực hiện giám sát, kiểm tra thường xuyên và thanh tra việc chấp hành pháp luật; việc quản lý, sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn; việc thực hiện chiến lược, kế hoạch; việc thực hiện chế độ tuyển dụng, tiền lương, tiền thưởng của tập đoàn kinh tế nhà nước. Đánh giá việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, ngành, nghề kinh doanh được giao và kết quả hoạt động, hiệu quả sản xuất kinh doanh của tập đoàn kinh tế nhà nước. Đánh giá đối với chủ tịch và thành viên hội đồng thành viên, kiểm soát viên chuyên ngành, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, kế toán trưởng trong việc quản lý, điều hành tập đoàn kinh tế nhà nước.

Cùng với các quy định trên, những quy định về giám sát và kiểm tra tại Nghị định 99/2012/NĐ-CP đang được kỳ vọng sẽ khắc phục được một số hạn chế tồn tại trong thời gian qua. Thực tiễn cho thấy, nếu kiểm tra, giám sát thường xuyên tốt thì sẽ kịp thời phát hiện những yếu kém, lệch lạc, thậm chí những sai phạm mới manh nha để có điều kiện phát hiện, khắc phục ngay.

Bởi vậy, Nghị định 99/2012/ NĐ-CP giao nhiệm vụ cho bộ quản lý ngành thực hiện giám sát, kiểm tra thường xuyên và thanh tra việc chấp hành pháp luật; việc quản lý, sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn; việc thực hiện chiến lược, kế hoạch; việc thực hiện chế độ tuyển dụng, tiền lương, tiền thưởng của tập đoàn kinh tế nhà nước. Cùng với đó là đánh giá việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, ngành, nghề kinh doanh được giao và kết quả hoạt động, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của tập đoàn kinh tế nhà nước; đánh giá đối với chủ tịch và thành viên hội đồng thành viên, kiểm soát viên chuyên ngành, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, kế toán trưởng trong việc quản lý, điều hành tập đoàn kinh tế nhà nước.

Như vậy, quyền hạn và trách nhiệm kiểm tra, giám sát đã được giao, điều này đồng nghĩa với việc, những việc xảy ra ở tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước thì trước hết trực tiếp Hội đồng thành viên, tổng giám đốc phải chịu trách nhiệm. Đồng thời, bộ quản lý ngành, địa phương là cấp trên của chủ sở hữu trực tiếp phải chịu trách nhiệm, phải trả lời…

Nghị định 99/2012/NĐ-CP: Đột phá về quản lý, giám sát doanh nghiệp nhà nước

ThS. Nguyễn Thị Quỳnh Hương

(Tài chính) Có hiệu lực thi hành từ ngày 30/12/2012, Nghị định 99/2012/NĐ-CP ngày 15/11/2012 của Chính phủ, được đánh giá có nhiều quy định mang tính đột phá, đã đáp ứng được yêu cầu thực tế về quản lý giám sát đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN), đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước… Bài viết phân tích, bình luận những điểm mới của Nghị định này.

Xem thêm

Video nổi bật