Yêu cầu từ thực tiễn

Trong nền kinh tế thị trường, nhu cầu cho và nhận thông tin, đặc biệt các thông tin tài chính luôn giữ vai trò tối quan trọng để ra các quyết định kinh doanh. Tính minh bạch, tính trung thực của thông tin tài chính đóng vai trò lớn trong việc ổn định thị trường chứng khoán và ổn định xã hội.

Tại Việt Nam, trong những năm gần đây cũng đã xảy ra rất nhiều vụ gian lận trên báo cáo tài chính. Việc không phát hiện ra các gian lận do nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến trách nhiệm của kiểm toán viên và của công ty kiểm toán. Do nghề nghiệp kiểm toán độc lập tại Việt Nam chỉ mới ra đời trong khoảng hơn 15 năm, khoảng thời gian này không đủ dài để có thể có một đội ngũ kiểm toán viên chuyên nghiệp với trình độ ngang tầm thế giới.

Thêm vào đó, môi trường pháp lý cho ngành kiểm toán đang trong giai đoạn từng bước xây dựng và hoàn thiện dần nên vẫn còn nhiều bất cập. Vì vậy, nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán độc lập, tăng cường trách nhiệm của kiểm toán viên trong việc phát hiện gian lận và sai sót trên báo cáo tài chính là một chủ đề mang tính thời sự nhằm nâng cao tính minh bạch, tính đáng tin cậy của thông tin tài chính trong việc ra các quyết định kinh tế.

Bên cạnh đó, trong thời gian qua, dù hệ thống hành lang pháp lý cho hoạt động kế toán, kiểm toán nội bộ cũng như các quy định về xử phạt sai phạm trong lĩnh vực này đã được hình thành, tuy nhiên, thực tế vẫn phát sinh nhiều bất cập cần sửa đổi và hoàn thiện. Cụ thể là hiện nay, văn bản quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán được quy định tại Nghị định số 185/2004/NĐ-CP ngày 04/11/2004 và được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 39/2011/NĐ-CP ngày 26/05/2011 của Chính phủ.

Tuy nhiên, đối với lĩnh vực kiểm toán độc lập, do Luật Kiểm toán độc lập mới được ban hành, vì vậy cần phải xây dựng quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán độc lập để điều chỉnh đồng bộ 2 lĩnh vực này.

Nghị định số 185/2004/NĐ-CP được Chính phủ ban hành năm 2004 hướng dẫn Luật Kế toán và quy định về xử phạt vi phạm hành chính sau quá trình triển khai thực hiện đã có tác dụng nhất định trong việc đưa hoạt động kế toán trong nền kinh tế quốc dân vào nền nếp, nhưng cũng phát sinh một số tồn tại. Do đó, năm 2011 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 39/2011/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2004/NĐ-CP.

Trên cơ sở đánh giá việc thực hiện Nghị định số 185/2004/NĐ-CP và Nghị định số 39/2011/NĐ-CP, đồng thời bổ sung các quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán độc lập, cần phải xây dựng một Nghị định chung cho cả 2 lĩnh vực này để vừa đảm bảo có cơ sở pháp lý cho việc thực hiện vừa đảm bảo giảm thiểu số lượng văn bản quy định về xử phạt vi phạm hành chính nói chung. Đặc biệt, Luật Xử lý vi phạm hành chính (số 15/2012/QH13) được Quốc hội thông qua ngày 20/06/2012, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2013 có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm trật tự, kỷ cương, an toàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Cụ thể hóa các quy định

Nghị định 105/2013/NĐ-CP đã cụ thể hóa về hành vi vi phạm hành chính, thời hiệu xử phạt, hình thức xử phạt, mức xử phạt, các biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập. Các cá nhân, tổ chức vi phạm quy định của pháp luật về kế toán, kiểm toán độc lập trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam, nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định này. Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính đối với mỗi cá nhân, tổ chức là cảnh cáo và phạt tiền.

Mức xử phạt đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập được quy định như sau:

Đối với lĩnh vực kế toán

Nghị định quy định cụ thể những hành vi vi phạm như sau: vi phạm quy định về chứng từ kế toán; vi phạm quy định về sổ kế toán; vi phạm quy định về tài khoản kế toán; vi phạm quy định về báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán và công khai báo cáo tài chính; vi phạm quy định về kiểm tra kế toán; vi phạm quy định về bảo quản, lưu trữ tài liệu kế toán; vi phạm quy định về kiểm kê tài sản; vi phạm quy định về tổ chức bộ máy kế toán, bố trí người làm kế toán hoặc thuê làm kế toán; vi phạm quy định về hành nghề kế toán; vi phạm quy định về áp dụng chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán và các quy định khác; vi phạm trong việc tổ chức bồi dưỡng và cấp chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng. Thời hiệu xử lý vi phạm hành chính là 2 năm. Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực kế toán đối với cá nhân là 30 triệu đồng, đối với tổ chức tối đa là 60 triệu đồng.

Theo Nghị định này, phạt cảnh cáo đối với hành vi ký chứng từ kế toán không đúng với quy định về vị trí chữ ký hoặc các chức danh đối với từng loại chứng từ kế toán; phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi lập chứng từ kế toán không đầy đủ các nội dung chủ yếu theo quy định của pháp luật về kế toán; tẩy xóa, sửa chữa chứng từ kế toán; phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với các hành vi như: lập chứng từ kế toán không đủ số liên theo quy định của mỗi loại chứng từ kế toán; ký chứng từ kế toán khi chưa ghi đủ nội dung chứng từ thuộc trách nhiệm của người ký; ký chứng từ kế toán mà không có thẩm quyền ký hoặc không được ủy quyền ký.

Phạt từ 20 triệu đồng tới 30 triệu đồng đối với các hành vi cụ thể sau: giả mạo, khai man chứng từ kế toán; thỏa thuận hoặc ép buộc người khác giả mạo, khai man chứng từ kế toán; lập chứng từ kế toán có nội dung các liên không giống nhau trong trường hợp phải lập chứng từ kế toán có nhiều liên cho một nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh...

Đối với lĩnh vực kiểm toán độc lập

Nghị định quy định vi phạm quy định về cấp, quản lý và sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán; vi phạm quy định về hoạt động của doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam; vi phạm quy định về quản lý, sử dụng chứng chỉ kiểm toán viên, cập nhật kiến thức cho kiểm toán viên; vi phạm quy định về đăng ký hành nghề kiểm toán và giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán; vi phạm quy định về hoạt động kiểm toán; vi phạm quy định về tính độc lập; vi phạm quy định về đơn vị được kiểm toán; vi phạm quy định về hồ sơ kiểm toán; vi phạm quy định về kiểm toán báo cáo tài chính của đơn vị có lợi ích công chúng; vi phạm quy định về cung cấp, sử dụng dịch vụ kiểm toán qua biên giới; vi phạm quy định về thông báo và báo cáo; vi phạm quy định về kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán. Thời hiệu xử lý vi phạm hành chính là 1 năm. Mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân là 50 triệu đồng; đối với tổ chức tối đa là 100 triệu đồng.

Chính phủ quy định cụ thể: phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với tổ chức kiểm toán không làm thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán khi có thay đổi phải điều chỉnh theo quy định; đồng thời mức phạt tiền này cũng áp dụng đối với tổ chức không được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện dinh doanh dịch vụ kiểm toán nhưng không làm thủ tục xóa ngành nghề kinh doanh dịch vụ kiểm toán trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, hoặc giấy chứng nhận đầu tư trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày thay đổi đăng ký kinh doanh gần nhất.

Phạt từ 20 triệu đồng tới 30 triệu đồng đối với tổ chức không đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán theo quy định nhưng sử dụng cụm từ “kiểm toán” trong tên gọi; phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm toán khi chưa được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán...

Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với kiểm toán viên hành nghề không thực hiện thông báo hoặc thông báo cho Bộ Tài chính chậm trên 15 ngày so với quy định khi xảy ra các trường hợp sau: Không còn làm việc tại doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán; Hợp đồng lao động làm toàn bộ thời gian tại doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam hết thời hạn hoặc bị chấm dứt hoặc có các thay đổi dẫn đến không còn đảm bảo là hợp đồng lao động làm toàn bộ thời gian theo quy định; Giấy phép lao động tại Việt Nam của kiểm toán viên hành nghề là người nước ngoài hết hiệu lực hoặc vô hiệu; Tham gia làm kế toán trưởng (hoặc phụ trách kế toán), nhân viên kế toán, kiểm toán nội bộ hoặc các chức danh khác tại đơn vị, tổ chức khác ngoài tổ chức kiểm toán.

Trách nhiệm thông báo, báo cáo

Bên cạnh các quy định về mức xử phạt, hình thức xử phạt vi phạm, Nghị định cũng quy định về nghĩa vụ thông báo, báo cáo đối với các doanh nghiệp. Cụ thể là, cảnh cáo đối với doanh nghiệp kiểm toán không thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao tài liệu cho Bộ Tài chính về việc thành lập hoặc chấm dứt hoạt động của cơ sở của doanh nghiệp kiểm toán ở nước ngoài.

Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán thực hiện thông báo cho Bộ Tài chính chậm trên 15 ngày so với quy định khi có thay đổi về: Danh sách kiểm toán viên hành nghề; Tên, địa điểm đặt trụ sở chính của doanh nghiệp; Tên, địa điểm đặt trụ sở chi nhánh kinh doanh dịch vụ kiểm toán; Tạm ngừng kinh doanh dịch vụ kiểm toán; Chấm dứt hoạt động của chi nhánh kinh doanh dịch vụ kiểm toán; Báo cáo tình hình hoạt động hàng năm và báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Bộ Tài chính.

Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán không thực hiện thông báo cho Bộ Tài chính khi có thay đổi về: Danh sách kiểm toán viên hành nghề; Tên, địa điểm đặt trụ sở chính của doanh nghiệp; Tên, địa điểm đặt trụ sở chi nhánh kinh doanh dịch vụ kiểm toán; Tạm ngừng kinh doanh dịch vụ kiểm toán; Chấm dứt hoạt động của chi nhánh kinh doanh dịch vụ kiểm toán; Báo cáo tình hình hoạt động hàng năm và báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Bộ Tài chính.

Trong trường hợp doanh nghiệp có thay đổi về giám đốc hoặc tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật, tỷ lệ vốn góp của các thành viên; hoặc thực hiện việc chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi, giải thể không thực hiện thông báo cho Bộ Tài chính có thể bị phạt tiền từ 60 triệu đồng đến 80 triệu.

Ngoài ra, Chính phủ cũng trao quyền cho Chánh thanh tra Bộ Tài chính có quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền đến mức cao nhất quy định tại Nghị định này. Thanh tra viên thanh tra Bộ Tài chính có quyền phạt cảnh cáo; Phạt tiền tối đa đến 500.000 đồng đối với cá nhân vi phạm hành chính, 1 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm hành chính.

Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là cấp tỉnh) có quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền mức cao nhất quy định tại Nghị định này; Áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Nghị định này.

Chủ tịch ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là cấp huyện) có quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 25 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm hành chính, 50 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm hành chính; Áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Nghị định này. Chủ tịch ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) có quyền xử phạt trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 5 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm hành chính, 10 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm hành chính.

Nghị định số 105/2013/NĐ-CP: Quy định xử phạt về kế toán, kiểm toán độc lập

TS. LƯU ĐỨC TUYÊN

(Tài chính) Có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/12/2013, Nghị định số 105/2013/NĐ-CP, ngày 16/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập. Bài viết, phân tích những quy định mới tác động trực tiếp đến tình hình tài chính của doanh nghiệp tại Nghị định trên.

Xem thêm

Video nổi bật