Nhanh chóng đưa bảo hiểm khai thác thủy sản đi vào cuộc sống

PV.

(Tài chính) Ngày 14/11/2014, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội nghị tập huấn khu vực phía Bắc về chính sách bảo hiểm liên quan đến Chương trình triển khai Bảo hiểm khai thác thủy sản, thể hiện quyết tâm của Bộ Tài chính trong việc đưa chính sách bảo hiểm khai thác thủy sản theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ nhanh chóng đi vào cuộc sống, góp phần giúp chủ tàu và ngư dân giảm thiểu các rủi ro về tài chính và con người, động viên họ bám biển bảo vệ chủ quyền và làm giàu cho quê hương.

Chính sách bảo hiểm khai thác thủy sản sẽ giúp chủ tàu và ngư dân giảm thiểu các rủi ro về tài chính và con người, động viên họ bám biển bảo vệ chủ quyền và làm giàu cho quê hương. Nguồn: internet
Chính sách bảo hiểm khai thác thủy sản sẽ giúp chủ tàu và ngư dân giảm thiểu các rủi ro về tài chính và con người, động viên họ bám biển bảo vệ chủ quyền và làm giàu cho quê hương. Nguồn: internet

Hoàn thiện chính sách 

Ngày 07/7/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản, trong đó Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm (theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 67/2014/NĐ-CP). Xác định đây là chính sách bảo hiểm trọng tâm của Chính phủ nhằm hỗ trợ cho ngư dân yên tâm bám biển, phát triển hoạt động khai thác hải sản xa bờ đồng thời với tinh thần phục vụ bảo hiểm cho ngư dân nhanh chóng và thuận lợi, do vậy Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam và một số doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) tổ chức khảo sát thực tế và làm việc với Chi Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chủ tàu, biên phòng tại các tỉnh Nghệ An, Quảng Ngãi, Kiên Giang (3 tỉnh đại diện cho 3 miền Bắc, Trung, Nam có số lượng tàu cá trên 90CV), nắm tình hình thực tế tại cơ sở, các khó khăn, vướng mắc và hướng giải quyết.

Trên cơ sở kết quả khảo sát, đánh giá, làm việc thực tế, ngày 20/8/2014, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 115/2014/TT-BTC hướng dẫn thực hiện chính sách bảo hiểm (Thông tư 115/2014/TT-BTC) và Thông tư số 116/2014/TT-BTC hướng dẫn một số vấn đề về tài chính đối với các DNBH thực hiện bảo hiểm (Thông tư 116/2014/TT-BTC). Theo Cục Giám sát và Quản lý Bảo hiểm, đây là những văn bản pháp lý quan trọng, hướng dẫn chi tiết việc thực hiện chính sách bảo hiểm khai thác hải sản, cụ thể như: nguyên tắc thực hiện bảo hiểm; yêu cầu đối với DNBH triển khai bảo hiểm khai thác thủy sản; hướng dẫn về hồ sơ, thủ tục chấp thuận DNBH triển khai; đối tượng được hỗ trợ phí bảo hiểm và hướng dẫn về hồ sơ, thủ tục chi trả phí bảo hiểm được NSNN hỗ trợ, cũng như các khâu lập dự toán, phân bổ dự toán, quản lý và quyết toán kinh phí; trách nhiệm của các cơ quan liên quan; đồng bảo hiểm; hạch toán doanh thu, chi phí,...

Ngày 27/10/2014, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có Quyết định số 2764/QĐ-BTC về việc chấp thuận DNBH triển khai bảo hiểm khai thác hải sản, gồm: Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt; Tổng Công ty cổ phần Bảo Minh; Tổng Công ty cổ phần bảo hiểm Petrolimex; Tổng Công ty bảo hiểm PVI. Các DNBH triển khai theo hình thức đồng bảo hiểm nhằm đảm bảo việc thực hiện được thống nhất, tránh cạnh tranh không lành mạnh, tăng cường khả năng kiểm soát trục lợi, đồng thời thuận lợi trong công tác tổng kết, đánh giá và điều chỉnh phù hợp với thực tế. Hiện nay, các DNBH cũng đang sẵn sàng vào cuộc. Theo Tập đoàn Bảo Việt, Bảo Việt luôn sẵn sàng đồng hành cùng các chủ tàu và ngư dân trong việc giảm thiểu các rủi ro về tài chính và con người liên quan đến hoạt động đẩy mạnh khai thác thủy sản xa bờ. “Việc phối hợp triển khai bảo hiểm khai thác thủy sản của Bảo Việt, một mặt thể hiện vai trò của doanh nghiệp bảo hiểm hàng đầu đối với chủ trương phát triển thủy sản, nhưng mặt khác cũng thể hiện trách nhiệm của Bảo Việt trong công tác an sinh xã hội đối với bà con nơi biển đảo; đồng thời, thể hiện uy tín của một doanh nghiệp bảo hiểm có bề dày truyền thống nửa thế kỷ phát triển", đại diện lãnh đạo Tập đoàn Bảo Việt khẳng định.

Ngày 29/10/2014, Bộ Tài chính có Công văn số 15731/BTC-QLBH chấp thuận quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm khai thác hải sản (Bảo hiểm thân tàu, trang thiết bị, ngư lưới cụ đối với tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ; Bảo hiểm tai nạn thuyền viên làm việc trên tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ) để các DNBH nhanh chóng triển khai phục vụ ngư dân, chủ tàu. Để việc triển khai được đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, Bộ Tài chính cũng đã có Công văn số 15733/BTC-QLBH ngày 30/10/2014 gửi các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp, chỉ đạo triển khai bảo hiểm khai thác hải sản trên địa bàn, từ khâu tuyên truyền, phổ biến đến hướng dẫn xác định đối tượng được hỗ trợ, cấp kinh phí, ký kết hợp đồng bảo hiểm, xác định tổn thất, nguyên nhân tổn thất để việc bồi thường nhanh chóng, chính xác.

Thêm ưu đãi, nhiều thuận lợi

Theo Bộ Tài chính, xuất phát từ việc tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ cho ngư dân, cả về con người và tài sản để họ yên tâm bám biển, phát triển hoạt động khai thác hải sản, nên bảo hiểm khai thác hải sản thực hiện theo nguyên tắc bảo hiểm mọi rủi ro với mức trách nhiệm bồi thường bảo hiểm cao nhất trong phạm vi bảo hiểm và số tiền bảo hiểm theo quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và hợp đồng bảo hiểm, ngoại trừ những rủi ro mang tính chủ quan của người được bảo hiểm và các hành vi trục lợi bảo hiểm.

Nhằm khuyến khích chủ tàu, ngư dân tham gia bảo hiểm, phí bảo hiểm được xây dựng theo hướng tạo điều kiện về đóng góp tài chính cho chủ tàu, ngư dân. Tỷ lệ phí bảo hiểm thân tàu được áp dụng cụ thể cho từng nhóm tàu có công suất từ 90CV trở lên và kết cấu vật liệu của vỏ tàu như vỏ thép; vỏ gỗ và vật liệu khác. Ngoài ra, tỷ lệ phí bảo hiểm ngư lưới cụ; tỷ lệ phí hiểm rủi ro đặc biệt cũng được quy định cụ thể. Chẳng hạn, về phạm vi bảo hiểm, đối với thân tàu, sẽ bảo hiểm cho mọi rủi ro có thể gặp phải. Tỷ lệ phí bảo hiểm thân tàu trung bình là 1,165% - là mức thấp hơn mức phí mà DNBH hiện nay đang thực hiện (Áp dụng cho tàu có công suất từ 90CV trở lên). Tàu vỏ thép, vỏ gỗ và vật liệu khác cũng đều được bảo hiểm theo tỷ lệ này. Đối với ngư lưới cụ, bảo hiểm đối với trường hợp tàu bị mất tích/hoặc bị chìm/hoặc hư hỏng toàn bộ. Tỷ lệ phí bảo hiểm ngư lưới cụ bằng 0,7% mức trách nhiệm bảo hiểm ngư lưới cụ...

Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, DNBH sẽ bồi thường cho thuyền viên bị tai nạn có tên trong danh sách thuyền viên do Biên phòng xác nhận (khi tàu xuất - nhập bến) hoặc do Ủy ban Nhân dân cấp xã xác nhận (khi tai nạn xảy ra trong lúc tàu ở trong bến) theo Bảng chi trả tiền bồi thường do Bộ Tài chính quy định. Mức phí bảo hiểm được ấn định là 300.000 đồng/người/lần, nhưng mức trách nhiệm bảo hiểm lên tới 70.000.000 đồng/1 người/1 vụ tai nạn, tức là gấp hơn 230 lần mức phí bảo hiểm.

Tới đây, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền bảo hiểm khai thác hải sản; chỉ đạo các DNBH phối hợp chặt chẽ với địa phương và cơ quan hữu quan để phối hợp thực hiện trên từng địa phương được chọn triển khai bảo hiểm khai thác hải sản; Đẩy nhanh công tác, thủ tục đào tạo, thi, cấp chứng chỉ đại lý bảo hiểm khai thác hải sản; bố trí ngân sách thực hiện bảo hiểm khai thác hải sản theo quy định...

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng sẽ thành lập các đoàn công tác làm việc với các địa phương, đại diện một số huyện xã, cũng như một số ngư dân, chủ tàu để nắm tình hình thực tiễn ở cơ sở, giải thích chính sách chế độ và tham gia góp ý với địa phương về những nội dung cần triển khai để kịp thời có những giải pháp tháo gỡ khó khăn; kiểm tra, giám sát việc thực hiện.