Nhiều chính sách có hiệu lực từ tháng 10/2017

Theo Hoàng Hà/thoidai.com.vn

Quy định danh mục hàng hóa nhà nước độc quyền trong hoạt động thương mại, được mua ngoại tệ kinh doanh trò chơi có thưởng; Phải giải trình nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài qua mạng…là những chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 10/2017.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại

Chính phủ quyết định có 20 hàng hóa, dịch vụ thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại gồm: Hàng hóa, dịch vụ phục vụ mục đích, quốc phòng, an ninh; Sản xuất, mua, bán, xuất, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, vận chuyển quá cảnh vật liệu nổ công nghiệp; Sản xuất vàng miếng; Xuất, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng; Phát hành xổ số kiến thiết; Nhập khẩu thuốc lá điếu, xì gà (trừ trường hợp nhập khẩu để kinh doanh bán hàng miễn thuế); Quản lý, nhập khẩu, xuất khẩu, mua, bán, bảo quản, bảo vệ hàng hóa thuộc danh mục dự trữ quốc gia; In, đúc tiền; Phát hành tem bưu chính Việt Nam; Sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, mua, bán, vận chuyển, tàng trữ pháo hoa và các dịch vụ liên quan đến pháo hoa.

Ngoài ra, các hàng hóa dịch vụ gồm: Truyền tải, điều độ hệ thống điện quốc gia; xây dựng và vận hành thủy điện đa mục tiêu và điện hạt nhân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội; Dịch vụ công ích bảo đảm an toàn hàng hải (vận hành hệ thống đèn biển, vận hành hệ thống luồng hàng hải công cộng); Dịch vụ công ích thông tin duyên hải (quản lý, vận hành khai thác hệ thống đài thông tin duyên hải); Bảo đảm hoạt động bay (dịch vụ không lưu, dịch vụ thông báo tin tức hàng không, dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn);  Hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị do Nhà nước đầu tư...

Quản lý, khai thác hệ thống công trình thủy lợi, thủy nông liên tỉnh, liên huyện; kè biển trong trường hợp giao kế hoạch; Cung ứng dịch vụ lâm nghiệp tại rừng đặc dụng (trừ khu rừng bảo vệ cảnh quan được Nhà nước giao cho tổ chức kinh tế thuê để bảo vệ và phát triển rừng, kết hợp kinh doanh cảnh quan, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái - môi trường); Xuất bản (không bao gồm hoạt động in và phát hành) xuất bản phẩm; Quản lý, duy trì, khai thác mạng bưu chính công cộng; Cung ứng dịch vụ công ích trong hoạt động phát hành báo chí cũng thuộc độc quyền Nhà nước.

Nghị định nêu rõ, chỉ thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu mà Nhà nước cần phải độc quyền liên quan đến quốc phòng, an ninh, đảm bảo lợi ích quốc gia hoặc các thành phần kinh tế khác không có nhu cầu và khả năng tham gia.

Nghị định có hiệu lực vào ngày 1/10/2017.

Một số điểm mới về quản lý, phát triển cụm công nghiệp

Ngày 31/8/2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh ký ban hành Thông tư số 15/2017/TT-BCT quy định, hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp.

Thông tư áp dụng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp; các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trong cụm công nghiệp; các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác liên quan đến quản lý, hoạt động của cụm công nghiệp.

Các mẫu văn bản, quy chế quản lý về cụm công nghiệp tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này để các địa phương căn cứ áp dụng cho phù hợp thực tế.

Cục Công Thương địa phương là cơ quan đầu mối giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương quản lý nhà nước về cụm công nghiệp trên phạm vi cả nước quy định tại Điều 35 Nghị định số 68/2017/NĐ-CP; có trách nhiệm hướng dẫn, xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Thông tư này.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 16/10/2017.

3 trường hợp công ty kinh doanh chứng khoán bị đặt vào tình trạng cảnh báo

Theo Thông tư 87/2017/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 10/10/2017, công ty kinh doanh chứng khoán bị đặt vào tình trạng cảnh báo khi rơi vào 1 trong 3 trường hợp dưới đây:

Tỷ lệ vốn khả dụng từ 150% đến dưới 180% trong tất cả các kỳ báo cáo trong 3 tháng liên tục;

Tỷ lệ vốn khả dụng đã được soát xét hoặc được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận từ 150% đến dưới 180%;

Báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính mà tổ chức kiểm toán được chấp thuận đưa ra ý kiến không chấp thuận (hoặc ý kiến trái ngược), từ chối đưa ra ý kiến (hoặc không thể đưa ra ý kiến), ý kiến ngoại trừ một số chỉ tiêu của báo cáo này mà nếu trừ các ảnh hưởng ngoại trừ ra khỏi vốn khả dụng sẽ dẫn tới tỷ lệ vốn khả dụng từ 150% đến dưới 180%.

Theo đó, tổ chức kinh doanh chứng khoán được đưa ra khỏi tình trạng cảnh báo khi tỷ lệ vốn khả dụng đạt từ 180% trở lên trong 3 tháng liên tục, trong đó tỷ lệ vốn khả dụng tại kỳ báo cáo cuối cùng phải được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 10/10/2017.

Quy định về ngoại tệ trong trò chơi điện tử có thưởng

Theo Thông tư 11/2017/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 15/10/2017, doanh nghiệp tổ chức kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài được phép mua ngoại tệ để phục vụ hoạt động kinh doanh này theo phạm vi thu, chi ngoại tệ và các hoạt động ngoại hối khác trên cơ sở xuất trình chứng từ, giấy tờ đảm bảo giao dịch hợp pháp, hợp lệ.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã có Thông tư 10/2017/TT-NHNN (hiệu lực từ ngày 15/10/2017) cũng đã hướng dẫn cụ thể việc nhận tiền thưởng bằng ngoại tệ đối với người chơi casino cả trong trường hợp nhận ngoại tệ bằng tiền mặt và bằng chuyển khoản. Tuy nhiên, Thông tư 10/2017/TT-NHNN chỉ áp dụng cho người chơi là người nước ngoài.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/10/2017.

Thủ tục mới cấp giấy phép sử dụng lao động cho người nước ngoài qua mạng

Thông tư 23/2017/TT-LĐTBXH có hiệu lực từ 2/10 của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội quy định hướng dẫn thực hiện thủ tục cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam qua mạng điện tử như sau:

Người sử dụng lao động khai thông tin vào tờ khai và nộp hồ sơ đề nghị cấp đến cơ quan cấp giấy phép lao động qua cổng thông tin điện tử trước ít nhất 7 ngày làm việc kể từ ngày người lao động nước ngoài dự kiến bắt đầu làm việc.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được tờ khai và hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động, cơ quan cấp giấy phải trả lời kết quả qua thư điện tử cho người sử dụng lao động, nếu hồ sơ chưa phù hợp thì đề nghị bổ sung.

Sau khi nhận được trả lời hồ sơ phù hợp, người sử dụng lao động nộp bản gốc hồ sơ đề nghị cấp giấy phép đến cơ quan cấp để kiểm tra, đối chiếu và lưu theo quy định.Cơ quan cấp phải trả kết quả cho người sử dụng lao động trong thời hạn không quá 8 giờ làm việc kể từ khi nhận được bản gốc hồ sơ đề nghị cấp.

Thông tư có hiệu lực từ 2/10/2017.